Thảo luận hai dự án: Luật Tố cáo và Luật Ðo lường
Ngày 18-11, ngày làm việc thứ 25, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, thảo luận hai dự án: Luật Tố cáo và Luật Đo lường.Có nên xem xét đơn tố cáo nặc danh? Buổi sáng, thảo luận dự án Luật Tố cáo, các ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Tố cáo như Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo; chủ thể tố cáo; trách nhiệm giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; tố cáo và giải quyết tố cáo trong trường hợp không rõ họ tên người tố cáo; các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Các đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang), Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cho rằng, chủ thể tố cáo chỉ có thể là công dân, không nên mở rộng chủ thể là tổ chức vào luật. Vì chủ thể tố cáo có quyền và trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và bị xử lý nếu cung cấp thông tin sai sự thật....
Ngày 18-11, ngày làm việc thứ 25, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, thảo luận hai dự án: Luật Tố cáo và Luật Đo lường.
Có nên xem xét đơn tố cáo nặc danh?
Buổi sáng, thảo luận dự án Luật Tố cáo, các ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Tố cáo như Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo; chủ thể tố cáo; trách nhiệm giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; tố cáo và giải quyết tố cáo trong trường hợp không rõ họ tên người tố cáo; các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Các đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang), Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) cho rằng, chủ thể tố cáo chỉ có thể là công dân, không nên mở rộng chủ thể là tổ chức vào luật. Vì chủ thể tố cáo có quyền và trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và bị xử lý nếu cung cấp thông tin sai sự thật. Do vậy, nếu chủ thể tố cáo là tập thể, sẽ không thể xử lý nếu việc tố cáo là sai sự thật. Đối với đơn thư không rõ họ tên, địa chỉ thường được gọi là nặc danh, các đại biểu này cho rằng, đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ cụ thể của người tố cáo, để các cơ quan chức năng có cơ sở giải quyết cũng như nâng cao trách nhiệm của công dân trong hoạt động tố cáo. Thực tế cho thấy, đơn thư không rõ họ tên, địa chỉ tố cáo sai sự thật rất nhiều, gây mất ổn định xã hội. Bên cạnh đó, tại các văn bản pháp luật hiện hành cũng không quy định xem xét, giải quyết tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị, luật cần có cơ chế thích hợp để tiếp nhận, giải quyết đối với những đơn tố cáo mà người tố cáo không dám đứng tên, hoặc đề nghị giấu tên, nhưng đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra.
Các đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc), Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang) lại đề nghị, nên mở rộng chủ thể tố cáo là tổ chức, vì thực tế cho thấy nhiều vụ việc người bị thiệt hại là tập thể hoặc cả khu dân cư như nạn ô nhiễm môi trường. Trong những trường hợp này, việc tập thể đứng đơn tố cáo sẽ nâng cao tính pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho cả tập thể. Đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) đề nghị, đối với những thiệt hại do tập thể gây ra, thì tập thể đó cũng phải được đưa vào đối tượng bị tố cáo. Nhiều ý kiến trái ngược nhau trong việc có nên mở rộng hình thức tố cáo và mở rộng đến mức nào là phù hợp. Một số đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu mở rộng hình thức tố cáo qua Fax, thư điện tử…, nhất là khi chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, nhằm nâng cao quyền và nghĩa vụ công dân trong phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Nương (Cao Bằng) cho rằng, không nên giải quyết đơn thư tố cáo qua Fax, thư điện tử vì căn cứ giải quyết đối với hình thức này không cao, thậm chí không thể giải quyết nổi.
Đối với quy định bảo vệ người tố cáo, nhiều đại biểu tán thành với việc dự án Luật dành hẳn một chương quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Điều này nhằm bảo đảm an toàn cho người tố cáo, khuyến khích công dân tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần hạn chế tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) đề nghị, dự án Luật cần có cơ chế bảo vệ cả người thân của người tố cáo và người bị tố cáo, vì trên thực tế, nhiều người bị tố cáo đã bị đe dọa, lăng mạ, thậm chí hành hung. Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ quan có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người bị tố cáo. Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) đề cập vấn đề bảo vệ bí mật thông tin người tố giác và cho rằng, tố cáo là quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đây cũng là việc làm nguy hiểm, nhiều trường hợp bị trả thù, gây tổn hại sức khỏe và tính mạng của người tố cáo. Do vậy, dự án Luật cần đưa ra cơ chế bảo vệ bí mật đối với người tố cáo và có chế tài xử lý đối với người làm lộ bí mật người tố cáo.
Nhiều đại biểu cho biết, đơn thư tố cáo những năm qua còn nhiều, chủ yếu tố cáo cán bộ, công chức vi phạm trong các lĩnh hoạt động hành chính, đất đai… Đại biểu Củng Thị Mẩy (Hà Giang) cho biết, công tác giải quyết tố cáo thời gian qua có lúc, có nơi làm không đến nơi đến chốn, một số cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong việc giải quyết đơn tố cáo, nên người tố cáo gửi đơn nhiều nơi, gửi đơn vượt cấp. Do vậy, đề nghị Luật có quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người giải quyết tố cáo nếu cố tình kéo dài, gây khó khăn cho việc giải quyết tố cáo. Đặc biệt, các ban, ngành chức năng cần có những biện pháp, chính sách lớn, nhằm giảm tố cáo một cách căn bản.
Nhiều vấn đề liên quan đến tố cáo cũng được các đại biểu đề cập như chế tài xử lý nghiêm minh đối với tố cáo sai sự thật, lợi dụng quyền tự do dân chủ để bôi nhọ, hạ thấp uy tín người khác.
Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa
Buổi chiều, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến dự án Luật Đo lường. Đa số đại biểu bày tỏ sự đồng tình với các nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH. Về sự cần thiết ban hành Luật, các đại biểu nhất trí cho rằng, hoạt động đo lường giữ vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, QP-AN. Trong quá trình xây dựng và phát triển, hệ thống đo lường trong nước đã từng bước phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong nước. Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến cơ bản nhất trí phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) và một số đại biểu khác cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nội dung đo lường khoa học và đo lường công nghiệp, vì thế chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu đề ra. Một số nội dung đề cập trong dự án Luật chưa cụ thể, rành mạch, rõ ràng đối với từng đối tượng áp dụng, chưa đáp ứng yêu cầu trước thực tế hiện nay trong đời sống của nhân dân và xã hội. Một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn quy định về hoạt động đo lường, giới hạn việc sản xuất, kinh doanh phương tiện đo vì đây là lĩnh vực rất rộng và phương tiện đo rất đa dạng.
Chung quanh nội dung chính sách của Nhà nước về đo lường (Điều 5), một số đại biểu đề nghị, chính sách tăng cường đầu tư, thiết lập và duy trì hệ thống chuẩn đo lường quốc gia cần tập trung hơn, tránh đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cấp thiết bị đo lường đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong nước, góp phần phát triển KT-XH… Một số đại biểu khác đề nghị bổ sung quy định về chính sách thúc đẩy xã hội hóa hoạt động về thử nghiệm, kiểm định, sản xuất phương tiện đo. Theo đó, Nhà nước cần tập trung xây dựng các phòng thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn mà tổ chức, cá nhân không đủ năng lực đầu tư hoặc đầu tư không có hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) cho rằng, Nhà nước cần đầu tư xây dựng những phòng thí nghiệm cấp quốc gia phục vụ cho những lĩnh vực trọng yếu đặt tại những trung tâm lớn của đất nước, như vậy mới phát huy được tiềm lực của mỗi thành phần và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực này, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) đề nghị nên quy định thêm chính sách xã hội hóa hoạt động hiệu chuẩn, thử nghiệm, kiểm định phương tiện đo. Bởi vì, theo Tờ trình của Chính phủ thì hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay mới chỉ đáp ứng 60% – 70% nhu cầu kiểm định. Về vấn đề nói trên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị cần có chính sách phù hợp đối với phát triển nhân lực tham gia đo lường trong các nội dung đề cập trong Luật Đo lường. Hơn nữa, cần quy định rõ về cơ chế, chính sách vĩ mô, vi mô thích hợp để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đo lường, tạo hành lang pháp lý thực hiện có hiệu quả việc huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài nước tham gia lĩnh vực này.
Nhiều đại biểu quan tâm nội dung về kiểm tra nhà nước về đo lường (từ Điều 35 đến Điều 44). Một số ý kiến cho rằng, cách thể hiện nội dung như trong dự thảo Luật là quá nhiều, không cân xứng với các nội dung khác. Vì vậy, nên quy định ngắn gọn trong phần trách nhiệm quản lý nhà nước để cân đối về cấu trúc với các chương, mục khác. Nội dung chi tiết của công tác kiểm tra nên quy định cụ thể ở văn bản dưới Luật để tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước về đo lường. Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số đại biểu, các hoạt động thanh tra, kiểm tra các loại hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội như xăng dầu và nhiều hoạt động bán lẻ khác cũng cần được quan tâm và thể hiện đầy đủ trong dự án Luật.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực này, từ đó nâng cao hiểu biết, nhận thức cho mỗi tổ chức, cá nhân về lĩnh vực đo lường để luật ban hành dễ dàng đi vào cuộc sống. Các đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng), Võ Thị Dễ (Long An) và một số đại biểu đề nghị tăng mức phạt hiện nay về đo lường, vì trên thực tế, những đơn vị bị phát hiện sai phạm thu lợi bất chính rất nhiều, nhưng mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe.
Theo Nhandan
Ý kiến ()