Thảo luận Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015
Ngày 26-5, ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII nghe Tờ trình Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), báo cáo thẩm tra và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Buổi chiều, QH nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2014 của QH.
Thủ tục phá sản: Tránh quy định rườm rà, kéo dài
Các nội dung của Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) được nhiều đại biểu QH quan tâm cho ý kiến, gồm: Về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Về quyền nộp đơn của chủ nợ; Về thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của TAND…
Về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động và công đoàn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, cần làm rõ người lao động có quyền nộp đơn như thế nào? Ðại biểu nêu câu hỏi: Cá nhân một người lao động có quyền nộp đơn hay không? Hay đây là quyền của tập thể người lao động với một tỷ lệ nhất định và những người lao động này phải cử những người đại diện để nộp đơn như quy định của luật hiện hành? Theo đại biểu, người lao động thực hiện quyền này thông qua công đoàn, quy định như vậy phù hợp với quy định của Luật Công đoàn cũng như Bộ luật Lao động vừa được QH thông qua.
Ðại biểu Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề cập việc giải quyết vấn đề chủ doanh nghiệp bỏ trốn như thế nào, Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) chưa đề cập rõ. Những năm vừa qua, hiện tượng chủ doanh nghiệp bỏ trốn xuất hiện nhiều, có xu hướng ngày càng tăng, còn nhiều vướng mắc. Ðại biểu đề nghị ở khoản 2, Ðiều 4 về giải thích từ ngữ cần bổ sung khái niệm chủ doanh nghiệp không thực hiện quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp. Qua đó xử lý trường hợp chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.
Nhiều đại biểu nhận xét, cần xem xét các quy định, thủ tục phá sản còn rườm rà, kéo dài và chưa thật sự phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp. Một số đại biểu đề nghị bổ sung một khoản trong Ðiều 86 quy định quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản đã có hiệu lực phải được đăng trên cổng thông tinđăng ký doanh nghiệp quốc gia, cổng thông tin điện tử của TAND và báo địa phương nơi doanh nghiệp, hợp tác xã được đình chỉ thủ tục phá sản. Ðiều đó bảo đảm quyền lợi, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sau này.
Ðề nghị nâng tuổi nghỉ hưu
Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện hệ thống BHXH đa dạng và linh hoạt; mở rộng đối tượng tham gia BHXH; xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật của Ủy banCác vấn đề xã hội của QH cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH cần hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và bảo đảm an toàn, cân đối quỹ BHXH. Ðể bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động tại khoản 2 (Ðiều 53).
Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH không tán thành quy định này và cho rằng, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.
Xem xét kéo dài kỳ họp của QH
Thảo luận tại hội trường dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, nhiều đại biểu cho rằng, từ tháng 6-2013 đến nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn một số hạn chế cần khắc phục.
Theo dự kiến, các dự án luật: Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy và thông qua tại kỳ họp thứ tám, Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám. Ðến nay, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình ba dự án này một kỳ họp QH. Nhiều đại biểu nêu rõ, việc trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương như Nghị quyết của QH là chậm so với yêu cầu trình QH xem xét cùng với các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, dự án luật này còn liên quan đến nội dung của một số dự án luật khác. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị giữ tiến độ việc trình QH Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ tám và chấp nhận lùi thời hạn trình hai Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) một kỳ họp QH.
Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Chính phủ đề nghị phương án tổ chức kỳ họp chuyên đề của QH. Tuy nhiên, qua thảo luận và dựa trên cơ sở xem xét tình hình cụ thể năm 2015 và sự chuẩn bị của các dự án luật, đa số ý kiến đại biểu đề nghị không tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề mà kéo dài kỳ họp thường lệ của QH để có thể cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng: Ðoàn nghị sĩ Mỹ thăm Việt Nam Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII, sáng qua 26-5, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Trần Văn Hằng cho biết: Ngày hôm nay, 27-5, Ðoàn nghị sĩ Mỹ, do Chủ tịch Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Thượng viện Mỹ dẫn đầu, sẽ đến Việt Nam. Nội dung dự kiến thảo luận giữa hai bên lần này gồm nhiều vấn đề, trong đó có việc tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Ðoàn nghị sĩ Mỹ muốn tìm hiểu thái độ, chủ trương của Việt Nam với vấn đề Biển Ðông. Nội dung khác là việc triển khai thực hiện Hiến pháp (sửa đổi) và nhân quyền. Về vấn đề nhân quyền, nhận thức và quan điểm của hai bên còn khác nhau. Do đó, cuộc đối thoại lần này là cơ hội để hai bên hiểu nhau hơn, xử lý vấn đề nhân quyền phù hợp hơn với đặc điểm mỗi dân tộc, đặc biệt là đặc điểm nước ta. Về vấn đề Biển Ðông, chúng ta mong muốn các nghị sĩ Mỹ hiểu cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền, để họ có cái nhìn khách quan, từ đó phản đối mọi sự xâm phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Ðông. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cử hai sĩ quan liên lạc tham gia vào phái bộ gìn giữ hòa bình quốc tế ở châu Phi. Hai sĩ quan này sẽ làm nhiệm vụ liên lạc giữa các tổ, đội của phái bộ Liên hợp quốc và chịu sự điều hành của phái bộ do Tổng thư ký cử. Khi Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh. Ðiều này cũng cho thấy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, có uy tín. Bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, đáp ứng các yêu cầu đề ra. |
Thực tế hiện nay tình trạng mất cân đối dòng tiền, nợ lẫn nhau đang khá phổ biến trong các doanh nghiệp. Nếu áp dụng tiêu chí mất khả năng thanh toán như quy định trong dự thảo luật thì có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Ðề nghị Ban soạn thảo cần quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong Dự thảo Luật Phá sản một cách chặt chẽ, cụ thể, chính xác… Ðại biểu Phùng Ðức Tiến (Hà Nam) |
Luật này hoàn toàn không khuyến khích phá sản doanh nghiệp mà tiếp cận theo hướng giúp doanh nghiệp lành mạnh hóa tài chính trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hợp pháp bằng thủ tục phá sản. Luật có tới 80 điều để giải quyết quyền lợi, để hội nghị khách hàng, để thỏa thuận và phục hồi doanh nghiệp, cho tới khi doanh nghiệp thực sự không có khả năng thanh toán nữa mới tuyên bố phá sản… Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) |
Trong tình hình hiện nay, nếu không có những giải pháp phù hợp sẽ có khả năng dẫn tới vỡ quỹ BHXH trong thời gian không xa. Vấn đề là ta cần có giải pháp gì vì đây là vấn đề rất phức tạp, có tác động, ảnh hưởng nhiều chiều. Hiện nay, BHXH quan tâm đến khía cạnh bảo vệ quỹ BHXH và cách đơn giản nhất để bảo vệ là kéo dài thời gian làm việc và giảm mức độ hưởng thụ quỹ. Tuy nhiên, phải tính tới khả năng nâng tuổi nghỉ hưu với việc đáp ứng về mặt sức khỏe, tinh thần của người lao động. Về phía dư luận xã hội, nhất là một số người lao động trong ngành nghề nặng nhọc, ngành nghề đặc biệt, phụ nữ… không tán thành quy định này. Bên cạnh đó, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, công ăn việc làm không tăng lên, đồng nghĩa với việc nhiều thanh niên sẽ không có việc làm, nhất là hiện nay tình trạng thất nghiệp còn khá bức xúc, đối với cả người có trình độ đại học, cao đẳng. Ðại biểu Ðào Trọng Thi (Hà Nội) |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()