Thảo luận dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và hai dự án luật
Ngày 21-5, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, QH làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và thảo luận về một số nội dung của dự thảo luật này. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa
Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ða số các đại biểu đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này, các đại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và một số đại biểu cho rằng, ở nước ta nhiều sông, ngòi, vì vậy hoạt động giao thông đường thủy nội địa chưa được quản lý hết. Trong khi đó, việc đi lại của các phương tiện thủy nội địa còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Do vậy, cần có các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm an toàn đối với hoạt động giao thông đường thủy nội địa. Cùng với đó, dự thảo Luật cần quy định mọi tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa về phát triển giao thông đường thủy nội địa cũng như quy định việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với tất cả các phương tiện, nhằm giảm bớt gánh nặng cho xã hội khi xảy ra tai nạn, rủi ro. Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động của thuyền du lịch loại nhỏ (bo bo) phát triển tự do và hoạt động nhiều trên sông, biển, dễ gây nguy hiểm, do vậy cần có quy định để quản lý các loại phương tiện này.
Ðại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, người dân sống ở vùng sông nước nên bắt buộc phải sử dụng giao thông đường thủy. Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 60% số gia đình sống ở vùng sông nước, mỗi gia đình đều có một bến thủy nội địa. Do vậy, nếu Luật quy định bến dân sinh phải được cấp phép sẽ gây khó khăn cho người dân.
Cuối giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại đoàn về tình hình Biển Ðông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của QH và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh chương trình theo hướng đẩy nhanh việc xây dựng, trình QH thông qua nhiều dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội. Ðại biểu Nguyễn Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, Hiến pháp (sửa đổi) vừa có hiệu lực thi hành đầu năm 2014, trong đó quy định nhiều vấn đề mới, do vậy nhiệm vụ trong thời gian tới là rà soát các luật nhằm sửa đổi, bổ sung phù hợp Hiến pháp. Các đại biểu Ðặng Văn Hiếu (Thanh Hóa), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần có sự ưu tiên thỏa đáng đối với các luật quan trọng, bức thiết hiện nay như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Thực tế cho thấy, các vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương đã được quy định trong Hiến pháp, tuy nhiên hiện nay rất khó triển khai vì chưa có luật quy định cụ thể vấn đề này. Một số ý kiến đề nghị, cùng với việc đẩy nhanh xây dựng các dự án luật, cần chú trọng đến chất lượng của luật, vì trong thời gian qua, nhiều luật được thông qua, nhưng khó đi vào cuộc sống và phải sửa đổi, bổ sung. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), hiện nay nhiều vấn đề bức thiết của xã hội cần có luật để điều chỉnh, nhưng cơ quan soạn thảo khi xây dựng luật không bảo đảm chất lượng khiến thời gian xem xét, thông qua bị kéo dài. Do vậy, cần có chế tài xử lý đối với các cơ quan soạn thảo không bảo đảm chất lượng khi xây dựng luật. Bên cạnh đó, cần có quy định khi trình dự án luật, cơ quan soạn thảo cần đồng thời trình các dự thảo Nghị định kèm theo, tránh tình trạng luật ban hành nhưng không có nghị định hướng dẫn thi hành.
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các ý kiến tập trung làm rõ các quy định liên quan nhà chức trách trong lĩnh vực hàng không; hoạt động thanh tra hàng không; các quy định về phí, dịch vụ hàng không và công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), vấn đề an ninh, an toàn hàng không phải được đặt lên hàng đầu. Mặc dù, dự án luật quy định cụ thể những hành vi bị cấm nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, nhưng chưa quy định cụ thể đơn vị nào chịu trách nhiệm chính. Hiện nay, trong khu vực sân bay có nhiều lực lượng thực thi pháp luật, như công an, hải quan, biên phòng, an ninh hàng không, do vậy nếu không quy định cụ thể dễ gây chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan chức năng.
Việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn những hạn chế, như: một số dự án luật trình Ủy ban TVQH, QH không theo đúng tiến độ đã đề ra; số lượng các dự án luật đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều; tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn; chất lượng chuẩn bị một số dự án luật còn hạn chế. Việc gửi tài liệu của nhiều dự án luật cho cơ quan thẩm tra, Ủy ban TVQH, QH không đúng thời gian theo quy định.
(Theo Tờ trình của Ủy ban TVQH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và 2015)
Sau một thời gian triển khai thực hiện Luật Hàng không dân dụng năm 2006, đã phát sinh một số vấn đề liên quan hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không và quản lý nhà nước về vận chuyển hàng không, gây những khó khăn cho công tác quản lý cũng như hoạt động của các hãng hàng không. Các hãng hàng không nước ngoài thông qua việc sử dụng biểu tượng của mình trên quảng cáo, tiếp thị của các hãng hàng không Việt Nam để quảng bá cho hãng nước ngoài khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn về phạm vi kinh doanh cũng như quyền vận chuyển hàng không của hãng hàng không nước ngoài đó. Do chưa có quy định cụ thể trong pháp luật hàng không nên đã phát sinh các tranh chấp, không thống nhất về việc sử dụng biểu tượng thương hiệu của các hãng hàng không giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()