Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước
Sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Sáng 12/8, tại Nhà Quốc hội , sau Phiên khai mạc kỳ họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với những nội dung đã thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện về ba vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật, gồm: phạm vi sửa đổi, bổ sung luật; quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; đề nghị sửa nhiệm vụ Kiểm toán Nhà nước “thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” chuyển thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.”
Về 8 vấn đề còn có ý kiến khác nhau của hai cơ quan chưa thống nhất được hướng giải trình như thế nào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như sau:
Về đề xuất bổ sung thêm so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (bổ sung nhiệm vụ kiểm toán vì sự phát triển bền vững của đất nước và nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nội bộ), theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc bổ sung thêm 2 nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước cần được cân nhắc vì có nội dung quá rộng, có nội dung trùng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, nên theo hướng sẽ không bổ sung hai nội dung này trong dự án luật.
Về bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình có quy định về việc Kiểm toán Nhà nước có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và có quyền trong xử lý hành chính.
Tuy nhiên, dự án luật này chỉ quy định sẽ có quyền đó, còn mức xử phạt, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào thì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về quy định để tránh sự chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra; bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng đây là vấn đề trọng tâm, đặt ra yêu cầu sửa Luật Kiểm toán Nhà nước, đồng thời hiện nay, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và Kiểm toán Nhà nước vẫn diễn ra, chưa khắc phục được.
Các quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa Kiểm toán Nhà nước với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương.
Vì vậy, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa Kiểm toán Nhà nước và thanh tra các cấp.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp và những nội dung đề xuất trong dự thảo luật đã bảo đảm xử lý chồng chéo giữa Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giữ như dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu trường hợp không điều hòa được thì cần quy định có cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết và nếu có sẽ là Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhấn mạnh sự cần thiết có quy định để xử lý vấn đề phát sinh, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tốt nhất là các cơ quan này phối hợp tốt với nhau để không phải đưa lên cơ quan cấp cao hơn.
Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phải giữ nghiêm phạm vi hoạt động của Kiểm toán Nhà nước như tinh thần của Hiến pháp đã quy định chức trách, nhiệm vụ và trong Luật Kiểm toán hiện hành đã quy định.
Tuy nhiên, có quy định rằng trong hoạt động của Kiểm toán mà phát hiện vấn đề liên quan đến quản lý tài sản công, tài chính công hoặc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thuộc trách nhiệm của kiểm toán thì có quyền mở rộng để kiểm toán.
Đối với bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, tuy nhiên nếu quy định trong luật thì sẽ khó.
Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với ý kiến là nếu có dẫn chiếu quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì dẫn chiếu nguyên văn, còn không thì sẽ thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc truy cập, kết nối với dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng là cần thiết, song quyền truy cập đối với dữ liệu mà tài liệu không công khai thì phải được hạn chế và chỉ thực hiện khi mà hoạt động này liên quan đến hoạt động của kiểm toán, phục vụ cho công việc của kiểm toán, cho nên phải ghi rõ phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm.
Về bổ sung quy định để giám sát hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định việc giám sát hoạt động của Kiểm toán là thuộc quyền hạn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tổ chức giám sát.
Về công khai kết quả kiểm toán, có ý kiến cho rằng quy định về thực hiện kết luận kiểm toán chưa chặt chẽ; đề nghị đẩy mạnh công tác công khai báo cáo kiểm toán, quy định cụ thể hơn về phạm vi, nội dung, thời hạn công khai, chế tài xử phạt.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành đã quy định về công khai trong hoạt động kiểm toán và quá trình triển khai không có gì vướng mắc, do đó không thể hiện nội dung này trong dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trên cơ sở kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính Ngân sách phối hợp Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng hoàn chỉnh báo cáo, tờ trình và dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh dự án luật, cũng như báo cáo, tờ trình đầy đủ, có tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Phiên họp thứ 37 vào tháng 9 tới.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình./.
Ý kiến ()