Thảo luận dự án Luật Hợp tác xã
* Thông qua một số Luật và Nghị quyết quan trọng Ngày 17-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XII sang ngày làm việc thứ 24. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận tại tổ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Khoáng sản (sửa đổi); Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.Để HTX phát triển đúng bản chấtThảo luận dự án Luật Hợp tác xã, đa số ý kiến phát biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Hợp tác xã (HTX) mới, đồng thời định hướng phát triển cho các HTX hiện đang hoạt động theo đúng bản chất HTX. Việc sửa đổi nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều...
Để HTX phát triển đúng bản chất
Thảo luận dự án Luật Hợp tác xã, đa số ý kiến phát biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Hợp tác xã (HTX) mới, đồng thời định hướng phát triển cho các HTX hiện đang hoạt động theo đúng bản chất HTX. Việc sửa đổi nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều đại biểu đề nghị, dự án Luật không nên quy định cơ cấu tổ chức quản lý HTX, liên hiệp HTX gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên. Nếu quy định như vậy sẽ không thể hiện được tính đặc thù của HTX và giống với mô hình tổ chức của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số đại biểu lại đề nghị quy định rõ cơ cấu, tổ chức của các loại hình HTX theo nhóm HTX dịch vụ, HTX sản xuất… Một số đại biểu cho rằng, với đặc thù là nước nông nghiệp, dự án Luật cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của HTX nông nghiệp, tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững. Nhiều đại biểu đề nghị, không nên quy định quỹ tín dụng nhân dân là một loại hình HTX như trong dự án Luật. Theo các đại biểu này, quỹ tín dụng nhân dân về bản chất cũng là kinh doanh tiền tệ, do vậy nó phải chịu sự quản lý và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Một số đại biểu cũng đề nghị dự án Luật quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của Liên minh các HTX Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của các HTX.
Nhiều đại biểu cho rằng, qua bảy năm thực hiện Luật HTX đã bộc lộ nhiều hạn chế như: chưa làm rõ bản chất của mô hình HTX; chưa làm nổi bật tính chất phục vụ xã viên của tổ chức HTX; hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước đối với HTX chưa được xác định rõ và tổ chức thống nhất với một đầu mối; một số quy định chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần có Báo cáo tổng kết hoạt động của các HTX trong thời gian qua, để QH và các cơ quan chức năng có căn cứ đưa ra hướng phát triển HTX trong thời gian tới.
Thông qua hai dự án Luật và một Nghị quyết
Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011.
Các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Báo cáo cho biết, tại phiên họp chiều 29-10, QH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Sau đó, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật phối hợp Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu QH. Báo cáo nêu rõ những vấn đề được tiếp thu, chỉnh lý như tên gọi, phạm vi và đối tượng điều chỉnh; trách nhiệm trong việc quảng cáo hàng hóa, dịch vụ; các hành vi bị cấm, tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD); trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi NTD; bảo vệ quyền lợi NTD trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; giải quyết tranh chấp tại tòa án; yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi NTD… Thí dụ về tên gọi của Luật, có ý kiến đề nghị lấy tên của Luật là 'Luật bảo vệ người tiêu dùng' vì luật này bảo vệ không chỉ quyền lợi mà còn cả tính mạng, sức khỏe của NTD. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị được giữ tên gọi là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì tên gọi này thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn, phù hợp với phạm vi điều chỉnh và phản ánh được cơ bản nội dung của dự thảo Luật, phù hợp với tên của Dự án Luật ghi trong chương trình xây dựng pháp luật mà QH đã thông qua. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trình QH thông qua tại phiên họp này gồm sáu chương với 51 điều. Các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua ba điều với phần lớn số phiếu tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với 406 đại biểu tán thành, chiếm 82,35% tổng số đại biểu QH.
Trước khi xem xét, thông qua dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Báo cáo nêu rõ việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu QH và việc chỉnh lý vào dự thảo, cùng những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo. Trong đó, về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị trong Luật Khoáng sản (sửa đổi) chỉ quy định mang tính nguyên tắc về việc Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cho địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ căn cứ vào quy định của luật này và các luật có liên quan để quy định cụ thể phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng dự án khai thác khoáng sản. Sau đó, các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua ba điều cụ thể với số phiếu ít nhất là 77,28 % tổng số đại biểu QH tán thành. Trên cơ sở kết quả đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật này với 391 đại biểu tán thành, bằng 79,31% tổng số đại biểu QH.
Tiếp theo, Ủy viên Đoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Đức Hiền trình bày dự thảo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết; QH tiến hành giám sát tối cao các nội dung: xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án NDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH (nếu có) tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII; Xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ Kỳ họp thứ tám, QH khóa XII đến Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII tại Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII. Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII, sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH và giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề'.
Trên cơ sở nội dung hoạt động giám sát tối cao của QH và căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình; có kế hoạch chi tiết cho từng quý, từng tháng để phục vụ việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát; thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào các nội dung giám sát tối cao của QH, chương trình giám sát của các cơ quan của QH và tình hình, điều kiện thực tế, các Đoàn đại biểu QH, các đại biểu QH chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, tiến hành hoạt động giám sát và báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.
QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết với 410 đại biểu tán thành, bằng 83,16% tổng số đại biểu QH.
Theo Nhandan
Ý kiến ()