Thảo luận chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015; dự án Luật bảo hiểm xã hội
Sáng ngày 18-4, tiếp tục chương trình làm việc, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH năm 2015.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Về dự kiến chương trình, tính đến ngày 10-4-2014, Văn phòng Quốc hội đã nhận được 215 nội dung kiến nghị của các cơ quan, tập trung vào một số nhóm vấn đề chính: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế; tái cấu trúc nền kinh tế; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; quản lý và sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường, đất trồng lúa; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; việc triển khai thi hành Hiến pháp; cải cách tư pháp; cải cách hành chính…
Cho ý kiến về Tờ trình, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đề nghị cần cân nhắc, lựa chọn vấn đề giám sát phù hợp để đạt hiệu quả, hiệu lực cao nhất. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và một số đại biểu đề nghị, trong năm 2015 nên lựa chọn hai chuyên đề giám sát tối cao, còn Ủy ban TVQH chỉ cần một chuyên đề; các ủy ban nên lựa chọn tiến hành một cuộc giám sát.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mục đích của hoạt động giám sát nhằm đánh giá thực tế, đồng thời là cơ sở để QH quyết định xây dựng pháp luật. “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc giám sát là rất quan trọng, qua đó QH thể hiện quyền giám sát tối cao,nâng cao hơn nữa quyền hạn và trách nhiệm của mình”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Chủ tịch QH nhận xét, lâu nay thường một nội dung lớn giao cho một ủy ban làm, công việc nặng quá. Ủy ban vừa làm giám sát của QH, vừa làm giám sát của Ủy ban TVQH, vừa làm giám sát theo chương trình của ủy ban… Vì thế, sắp tới nên chọn bốn chuyên đề lớn của QH, của Ủy ban TVQH giao cho bốn ủy ban. Thành phần một ủy ban chủ trì, và các ủy ban đều tham gia giám sát. Phân công các ủy viên Ủy ban TVQH, các Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn giám sát tại các bộ quan trọng, các địa phương lớn.
Hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, theo Chủ tịch QH, “Các ủy ban tăng cường chọn chủ đề cho báo cáo giải trình. Qua giám sát, dứt khoát phải kết luận đúng, sai, hay, dở”.
Bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí
Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày tờ trình của Chính phủ, nêu quá trình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa qua bộc lộ những hạn chế, bất cập. Theo đó, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHXH còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động). BHXH tự nguyện mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng, tuy nhiên trên thực tế, số người tham gia loại hình này chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia.
* Số người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Nếu như năm 1996 có 217 người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004, 14 người vào năm 2007, 11 người vào năm 2009, 9,9 người vào năm 2011 và đến năm 2012 chỉ có 9,3 người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu (Báo cáo của Chính phủ).
Lãnh đạo ngành nêu tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động – Nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH, tìm cách “lách luật” và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH, Bộ trưởng cho biết.
Nhiều đại biểu cho ý kiến chung quanh những nội dung quan trọng được đề cập trong dự thảo luật. Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 53), để bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phương án này, phải đến năm 2031 (sau 15 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau sáu năm), tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi.
Loại ý kiến thứ hai: cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam. Vấn đề tuổi nghỉ hưu là thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động.
* Nếu như các quốc gia đã phát triển mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển vào giai đoạn già hóa dân số (dân số 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số) sang giai đoạn dân số già (dân sô 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số) như: Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Australia: 73 năm, Hoa Kỳ: 70 năm, Canada: 65 năm, Nhật Bản: 26 năm…. thì Việt Nam dự báo chỉ mất 16-18 năm. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới.
Theo kết quả nghiên cứu, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện đang thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, khoảng 80% các nước quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới như nhau: Nhật Bản, Hàn Quốc: 65 cho cả nam và nữ; Lào và Philippines: 60 cho cả nam, nữ; Trung Quốc: 60 cho nam giới và 50 tới 60 cho nữ giới… Theo báo cáo thẩm tra, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.
Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động đã đạt tới 52,3 triệu người, đồng thời cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh hơn so với các nước trong khu vực và thế giới (năm 2011, nhóm dân số 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số). Do vậy, để ngăn ngừa khả năng mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất, Thường trực Ủy ban thấy rằng việc quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu như Chính phủ trình là cần thiết. Tuy nhiên, để có thể quyết định vấn đề này, Ban soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện về kinh tế, xã hội, tài chính… làm cơ sở cho việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Cần thiết có thanh tra bảo hiểm xã hội
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cảnh báo nếu BHXH không ổn định có thể dẫn tới bất ổn trong xã hội, vì thế xây dựng luật lần này cần nhìn xa cho tương lai. Hướng tăng tuổi nghỉ hưu, kéo dài tuổi làm việc cần xem xét cẩn trọng, có lộ trình, tính toán khả năng cân đối dài hạn.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng trong tổng thể điều chỉnh, sửa đổi luật lần này, cần nghiên cứu cơ chế thanh tra, kiểm tra lĩnh vực BHXH, như thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về thuế, lĩnh vực hàng không… “Bản thân BHXH nếu không có thanh tra, kiểm tra thì không ổn, sẽ khó giải quyết tồn tại, hạn chế lớn vừa qua. Tới đây, Ban soạn thảo cần nghiên cứu có cơ chế phù hợp với Luật Thanh tra, tăng cường công tác quản lý, kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo nếu có”, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Trong khi đó, trong báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị bỏ Chương khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH (Chương VIII) để bảo đảm các nguyên tắc chung về xây dựng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo quan điểm của Ủy ban, dự thảo Luật Quy định việc ủy quyền cho tổ chức BHXH thực hiện thanh tra chuyên ngành, như thế không phù hợp với quy định tại Điều 29 Luật Thanh tra. Tổ chức BHXH là đơn vị sự nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có chức năng thanh tra.
Để khắc phục, những hạn chế, bất cập trong việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực BHXH, cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa BHXH Việt Nam và thanh tra ngành lao động, thương binh và xã hội – báo cáo thẩm tra nêu rõ.
* Theo báo cáo của Chính phủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh, nếu như năm 2007, tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì đến năm 2013 là khoảng 76,6%. Do vậy, cần phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên cao hơn so với quy định hiện hành. (Báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội).
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()