Thảo luận: Bao giờ bóng đá Việt Nam có "Messi"?
Khi VTC Newsđăng tải bài viết “ 10 lý do giải thích vì sao Messi vĩ đại nhất thế giới”, có rất nhiều độc giả đã quan tâm gửi phản hồi để bình luận và tranh luận.
Trong hàng chục bình luận của độc giả, có một ý kiến khiến người viết phải trăn trở. Đó là ý kiến của độc giả Đỗ Thành Tuấn, với tiêu đề “ Xem Messi của Barca – hy vọng một Messi Việt Nam”.
Khi nào Việt Nam mới có một “Messi”? |
“Điều tôi nghĩ khi đọc bài này là khi nào Việt Nam ta có một Messi? Messi chứng minh rằng không cần to cao cũng có thể xuất sắc nhất thế giới. Tôi nghĩ Việt Nam có thể có Messi nếu chúng ta cùng thay đổi, từ những người làm bóng đá, HLV, cha mẹ cầu thủ, bạn bè, người hâm mộ và cả báo chí. Chúng ta không thể cứ đặt câu hỏi: Bao giờ, rồi thì phê phán nọ kia mà không thử thay đổi. Messi trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, thử nghĩ nếu cậu ta ở Việt Nam, có lẽ đang đá V.League và mắc bệnh ngôi sao trầm trọng. Tôi nghĩ, bắt đầu tạo ra một Messi thì công việc đầu tiên là hãy tạo ra một “Tư cách” như Messi đã!” – độc giả Đỗ Thành Tuấn viết.
Là bạn, bạn có cảm nghĩ gì khi đọc được ý kiến này? Bạn có cảm thấy một sự đồng điệu trong cách suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề? Messi, hay cả tập thể Barcelona nói chung, là một đội bóng của những người không quá vượt trội về hình thể, nếu không muốn nói là thấp bé. Messi chỉ cao có 1m69; Iniesta, Xavi và Bojan Krkic đều cao 1m70 nhưng họ là những cầu thủ xuất chúng của thế giới bóng đá; Pedro Rodriguez (1m69) và Jeffren Suarez (1m75) chắc chắn sẽ là những ngôi sao lớn trong tương lai;…
Những đại gia như bầu Hiển không tiếc khi đổ tiền vào làm bóng đá. |
Dĩ nhiên, bạn có thể có ý kiến của riêng mình, rằng các cầu thủ Barcelona đều là những người có sẵn trong mình dòng máu bóng đá, được tuyển chọn kỹ càng trước khi được đào tạo bởi ngôi trường bóng đá số 1 thế giới La Masia. Các cầu thủ nhí của Barca đều được đào tạo bài bản với cơ sở vật chất vượt trội và những chuyên gia huấn luyện hàng đầu thế giới.
Người viết không định sử dụng lối so sánh mang hơi hướng AQ: Messi thấp lùn mà chơi bóng tuyệt hay thì người Việt Nam vóc dáng nhỏ cũng có thể chơi hay như vậy. Điều khiến người viết luôn trăn trở, cũng giống như độc giả Đỗ Thành Tuấn, là: Chúng ta không thể cứ đổ lỗi sự yếu kém của thành tích và chất lượng nền bóng đá cho sự hạn chế của thể hình. Và chúng ta cũng không thể quy trách nhiệm đó cho sự lạc hậu của nền kinh tế.
Ở luận điểm thứ nhất, tài năng chơi bóng của Messi, Iniesta, Xavi,…, và thành công của Barcelona là sự phủ nhận xác đáng nhất.
Ở luận điểm thứ 2, hãy nhìn vào hầu bao của những bầu Đức (HAGL), bầu Hiển (Hà Nội T&T), bầu Trường (V.Ninh Bình), bầu Kiên (Hà Nội ACB), bầu Thắng (Đồng Tâm Long An),…, họ đều là những tỷ phú có máu mặt và tất cả đều có mặt trong Top 100 người giàu nhất Việt Nam. Họ không thiếu tiền và không thiếu khát khao.
Bầu Đức, người giàu nhất Việt Nam với đống tài sản suýt soát 1 tỷ USD từng đưa ra một kế hoạch khá sốc: Chi 100 triệu bảng (khoảng 3.000 tỷ đồng) để mua lại 20% số cổ phiếu của Arsenal và trở thành cổ đông lớn thứ ba của đội bóng này. Đó hoàn toàn không phải một lời nói dối trong ngày 1/4 hay một động thái ngông cuồng. So sánh với sự kiện Porstmouth, một CLB hạng trung nước Anh có nguy cơ phá sản vì khoản nợ chưa đến 100 triệu bảng, hay việc chủ tịch Mike Ashley của Newcastle United, đội bóng 4 lần vô địch nước Anh không thể bán lại CLB vì không ai trả quá 100 triệu bảng, Ba Đức xứng đáng là người làm bóng đá có máu mặt trên bình diện quốc tế.
Bầu Hiển, một đại gia khác, từng phong thanh nói về kế hoạch đưa Van Nistelrooy, Guti tới chơi bóng ở V.League và thành công trong việc gửi Công Vinh, một cầu thủ mà nói trắng ra là chỉ xứng đáng chơi ở hạng 2 Bồ Đào Nha tới giải vô địch thuộc Top đầu châu Âu này chơi bóng. Trong khi đó, XM Hải Phòng từng gây xôn xao với câu chuyện cười ra nước mắt bằng bản hợp đồng với cầu thủ đắt nhất thế giới một thời Denilson…
Tất cả những ví dụ ấy chỉ ra rằng V.League và những người làm bóng đá ở V.League không thiếu tiền. Thống kê của Báo Thể thao 24h chỉ ra rằng sau 10 năm, tổng mức đầu tư cho tất cả các đội ở V.League đã gấp 10 lần, lên đến trên 500 tỷ đồng và Thể Công đã chi tới hơn 70 tỷ cho mùa giải 2009 nhưng vẫn thất bại.
V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam đang phát triển quá nóng. Ngày nay, chuyện các ông bầu rút 1 tỷ đồng thưởng nóng cho cầu thủ sau mỗi chiến thắng đã là chuyện thường ngày ở huyện và là thước đo cho tham vọng. Khi báo chí Anh đưa tin tiền vệ Fabregas được Arsenal “lót tay” 3 triệu bảng để gia hạn hợp đồng đã gây xôn xao dư luận (bởi các nền bóng đá mạnh ở châu Âu không bao giờ công khai những khoản phụ phí dạng này). Trong khi đó, ở V.League, những khoản “lót tay” này luôn được công khai và được xem là thước đo cho giá trị: Công Vinh 7 tỷ, Vũ Phong 7 tỷ, Tấn Trường, Hồng sơn 5 tỷ,…
Vì sao các ông bầu lại có thể hào phóng chi tiền tỷ dễ dàng đến thế (Con số một tỷ đồng là quá lớn với 99% dân số Việt Nam)? Phải chăng, V.League là minh họa hùng hồn cho tuyên bố của Tỷ phú George Soros: con người đang sống trong một “Thời phá của” (Period of wealth destruction)?
Những ngôi sao như Công Vinh không duy trì được phong độ trong một thời gian đủ dài. (Ảnh: VSI) |
Phong cách làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi” đã ám ảnh V.League cũng như cả nền bóng đá nước nhà suốt những năm qua và “tuổi thọ” của các ngôi sao là cực kỳ ngắn. Lê Công Vinh đã có một AFF Cup 2008 tuyệt vời và một V.League 2009 tương đối thành công, nhưng đã làm được gì trong năm 2010, cho tới khi ngừng thi đấu vì scandal ở Cao Lãnh và sau đó là chấn thương đầu gối? Trước đó, Văn Quyến đang ở đỉnh cao thì bỗng chốc dính vào scandal bán độ tại SEA Games 23.
Dẫu sao, người hâm mộ vẫn nên giữ lại niềm tin và phải vững tin vào tương lai của bóng đá nước nhà, bởi các đại diện của những nền bóng đá hàng đầu như Man City, thậm chí Real Madrid vẫn còn nuôi tư duy ăn xổi. Hơn nữa, những vấn đề tồn tại hôm nay là xu thế tất yếu trong bối cảnh quá độ từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp, từ phát triển bề rộng sang phát triển có chiều sâu.
Vài năm nữa, những học viên đầu tiên của Học viện bóng đá HAGL và Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ sẽ “xuất xưởng”. Đó mới là thời điểm thích hợp để đưa ra đánh giá chính xác về sự thành công của bóng đá nước nhà những năm qua.
Ý kiến ()