Thảo luận ba dự án luật
Đại biểu Quốc hội các đoàn Hải Phòng, Nghệ An và Đà Nẵng thảo luận ở tổ. - Ngày 6-6, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 14. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nướcThảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, các đại biểu tập trung thảo luận ba nội dung: Về quy hoạch phát triển điện lực; về chính sách giá điện và các loại phí; về giải pháp hoạt động điện lực. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cho rằng, việc lập quy hoạch phát triển điện lực phải căn cứ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và chiến lược...
Đại biểu Quốc hội các đoàn Hải Phòng, Nghệ An và Đà Nẵng thảo luận ở tổ. |
– Ngày 6-6, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 14. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, các đại biểu tập trung thảo luận ba nội dung: Về quy hoạch phát triển điện lực; về chính sách giá điện và các loại phí; về giải pháp hoạt động điện lực. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cho rằng, việc lập quy hoạch phát triển điện lực phải căn cứ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước để tránh lãng phí tiền của, thời gian. Về chính sách giá điện, trong thời gian vừa qua, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý, do đó chưa thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện, đồng thời chưa tạo động lực cho việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, giá bán điện cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Quy định như vậy là phù hợp chủ trương chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường, vừa bảo đảm cho giá bán điện được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, mà vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện.
Các ý kiến cho rằng, ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Mặt khác, điện là mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế – xã hội của cả nước. Do vậy, Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức bán lẻ điện điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp và Nhà nước vẫn kiểm soát giá điện.
Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, phần lớn ý kiến phát biểu đều nhất trí các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật là những vấn đề cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện chế định luật sư, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.
Thảo luận về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cùng một số đại biểu cho rằng, người làm luật sư phải có hiểu biết rộng, có kiến thức tranh tụng trước phiên tòa, do vậy cần phải có giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư. Để bổ nhiệm được các chức danh tố tụng như: thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) thì các đối tượng này phải trải qua thời gian đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bắt buộc từ ba đến sáu tháng và thời gian công tác thực tiễn nhất định.
Về các trường hợp đã bị kết án không được hành nghề luật sư, theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng không cấm hành nghề luật sư đối với những người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Trung (Hà Nội), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, với tính chất đặc thù của hoạt động luật sư, ngoài đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư trong đời sống xã hội là yếu tố rất quan trọng. Do đó, Ban soạn thảo không nên đưa vào dự thảo luật vấn đề trên, cần có quy định cấm hành nghề luật sư đối với những người đã từng phạm tội nghiêm trọng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Về quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cùng nhiều đại biểu tán thành với dự thảo luật và cho rằng, những viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật trong các trường vẫn thuộc diện được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) và đại biểu Huỳnh Nghĩa lại cho rằng, việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được “kiêm nhiệm” hành nghề luật sư, sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp.
Phát triển hoạt động của hợp tác xã
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Tại các tổ có phóng viên Báo Nhân Dân dự, qua thảo luận, nhận thấy, hầu hết ý kiến phát biểu đều bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi luật lần này nhằm mục đích thể chế hóa đầy đủ hơn quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế hợp tác xã, góp phần hoàn thiện khung pháp lý để hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời khuyến khích người dân, hộ gia đình hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, cùng tham gia hợp tác xã để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo về quy định đối tượng tham gia hợp tác xã là “người nước ngoài cư trú tại Việt Nam” vì quy định như vậy phù hợp nguyên tắc “kết nạp rộng rãi” của hợp tác xã, để hợp tác xã có cơ hội tiếp cận với trình độ quản lý, tư liệu sản xuất hiện đại, tăng khả năng huy động vốn, mở rộng thị trường và phù hợp xu thế hội nhập quốc tế, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về bản chất của tổ chức hợp tác xã, có ý kiến đề nghị giữ như quy định luật hiện hành, quy định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) và một số đại biểu khác cho rằng, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, do các thành viên có chung nhu cầu, lợi ích tự nguyện hợp tác, thành lập và tự quản lý nhằm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho thành viên tham gia cùng phát triển. Bản chất của hợp tác xã thể hiện ở mục đích hoạt động vì lợi ích thành viên và quản lý theo nguyên tắc đối nhân, khác với doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu là tối đa lợi nhuận và quản lý theo nguyên tắc đối vốn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần có cơ sở khoa học trong việc quy định số lượng ít nhất có bảy cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tham gia thành lập hợp tác xã, nhất là đối với loại hình hợp tác xã nông nghiệp…
Điều 7 của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) quy định Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Về vấn đề này, có đại biểu đồng ý với dự thảo Luật, quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) và một số đại biểu khác đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định chính sách ưu đãi thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, vùng, miền, địa bàn, khu vực đặc thù… của từng hợp tác xã, không nên quy định chính sách ưu đãi chung đối với tất cả các loại hình hợp tác xã và chỉ quy định riêng đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…
Theo Nhandan
Ý kiến ()