Tháo gỡ vướng mắc trong xây nhà ở cho người nghèo tại An Giang
Nhà 167 mới được xây dựng tặng gia đình anh Nguyễn Văn Huệ ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hữu, huyện An Phú. Xây nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo gặp khó khăn về nhà ở là chủ trương lớn nhằm giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, giúp người dân các địa phương an cư lạc nghiệp. Thế nhưng, nhiều địa phương trong tỉnh An Giang, từ chủ trương đến quá trình thực hiện đang gặp nhiều bất cập từ việc xét cấp, làm nhà, đến việc người được nhận nhà không mặn mà với ngôi nhà mới.Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 được các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia với trách nhiệm cao và quyết tâm thực hiện hoàn thành sớm kế hoạch. Mỗi căn nhà trị giá từ 20 triệu đồng trở lên, giúp hộ nghèo có nhà ở ổn định, góp phần an cư lạc nghiệp, giảm nghèo bền vững. Theo kế hoạch năm 2011, số hộ nghèo ở các địa bàn An Giang được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 167 là...
Nhà 167 mới được xây dựng tặng gia đình anh Nguyễn Văn Huệ ở ấp Phú Nhơn, xã Phú Hữu, huyện An Phú. |
Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 được các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia với trách nhiệm cao và quyết tâm thực hiện hoàn thành sớm kế hoạch. Mỗi căn nhà trị giá từ 20 triệu đồng trở lên, giúp hộ nghèo có nhà ở ổn định, góp phần an cư lạc nghiệp, giảm nghèo bền vững. Theo kế hoạch năm 2011, số hộ nghèo ở các địa bàn An Giang được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 167 là 6.602 căn, trong đó có 1.629 hộ thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Nguồn vốn ngân sách T.Ư và tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2009-2011 là hơn 90,1 tỷ đồng. Nhưng qua rà soát nhu cầu thực tế, còn 4.298 căn, giảm 2.304 căn do phát sinh hộ nghèo theo chuẩn cũ; không đủ điều kiện cất nhà buộc đưa ra ngoài danh sách hỗ trợ như: Không có nền đất, nhà vi phạm lộ giới, vệ sinh môi trường, khu sạt lở, trùng hộ, bỏ địa phương,… Trong đó, số nhà bỏ địa phương chiếm đa phần do các hộ được xét phần lớn là hộ nghèo, không đất sản xuất, nên bỏ lên trung tâm tỉnh, khu công nghiệp, thành phố lớn để mưu sinh.
Tại huyện An Phú, đồng chí Phùng Thị Cẩm Hối, Chủ tịch MTTQ huyện chia sẻ, An Phú là một trong những huyện nghèo của tỉnh, việc xét cất nhà rất cần thiết để hỗ trợ địa phương xóa nhà tre lá tạm bợ, giúp người dân an cư lạc nghiệp. Thế nhưng, khi bắt tay vào triển khai gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là những hộ được xét nhưng không mặn mà do số tiền đối ứng cần phải vay ngân hàng vượt quá khả năng trả nợ. Mặt khác, nhiều hộ sau khi được xét, làm xong nhà lại bỏ nhà đi nên địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội không thể hoàn tất thủ tục và mọi chuyện lại ách tắc, khiến việc xét theo đúng chỉ tiêu rất khó. Năm 2011, An Phú chỉ mới xây được 28 căn nhà/205 căn theo chỉ tiêu, trong khi nguồn vốn đối ứng của MTTQ huyện đang giữ rất lớn. Với việc ngập lụt như hiện nay và những vướng mắc trên, An Phú không thể hoàn thành việc xây nhà mới theo Quyết định 167 theo chỉ tiêu năm đề ra.
Theo các ngành chức năng cho biết, từ đầu năm đến nay, An Giang mới hỗ trợ xây được 2.518 căn/4.298 căn nhà cho các hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ, trong đó các huyện thực hiện 1.580 căn, còn lại do các đơn vị khác tài trợ (đạt 58,59% so kế hoạch). Như vậy, đã có 8.120 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở, đạt 82,19% kế hoạch và đạt 67,35% so đề án được duyệt (12.057 căn), trong đó có 1.389 căn cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua giám sát việc thực hiện Quyết định 167 tại An Phú và Chợ Mới cho thấy, còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, như việc bình xét xây nhà được tổ chức tại xã, ấp nhưng trong biên bản họp thành phần chủ yếu là trưởng, phó ấp, đoàn thể, các tổ trưởng, nhiều nơi không công khai cho dân biết nên dư luận trong dân cho rằng việc bình xét chưa đúng đối tượng. Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nguyễn Thị Kim Cương, tại huyện An Phú, việc làm nhà cho hộ nghèo do UBND huyện hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp. Khi làm nhà, doanh nghiệp không thông báo cho xã biết thời gian, địa điểm, số lượng làm tại xã, nên quá trình theo dõi tiến độ và giám sát chất lượng xây dựng gặp khó khăn. Đồng thời, thủ tục giải ngân của ngân hàng cũng khó khăn, nhiều hộ làm rồi chưa được vay vốn (do dân chưa ký tên, thủ tục chưa đầy đủ, sai họ tên và năm sinh…). Ngoài ra, không niêm yết công khai danh sách công nhận hộ nghèo, được hỗ trợ nhà ở tại văn phòng các ấp, vì thế người dân chung quanh không biết gì về chủ trương hỗ trợ xây nhà cho người nghèo.
Cũng tại huyện An Phú, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Minh Hải cho biết, trong quá trình rà soát xét, cấp nhà, xã chưa phân tích, sắp xếp đối tượng cụ thể, như: Hộ đủ điều kiện làm trước, hộ quá khó khăn không khả năng vay vốn ngân hàng, không có vốn đối ứng, chưa có đất ở…
Bên cạnh đó, một hạn chế khác mà hầu hết các địa phương trong tỉnh gặp phải là công tác điều hành, triển khai từ huyện đến xã còn nhiều lúng túng, chưa làm tốt công tác vận động tuyên truyền… và nhất là xây nhà theo tiêu chuẩn nghèo cũ, mới còn chồng chéo, nên việc triển khai vướng mắc. Cùng với đó, do cán bộ phụ trách chương trình các địa phương, nhất là cấp xã đều kiêm nhiệm hoặc thay đổi liên tục nên quản lý và triển khai công tác này còn lỏng lẻo, sai sót.
Theo Nhandan
Ý kiến ()