Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Đất đai
LSO- Sau 4 năm tổ chức đưa Luật Đất đai 2013 áp dụng vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập, phát sinh những vướng mắc cần được tháo gỡ.
Trong quá trình thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã tác động tích cực tới thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và môi trường của tỉnh. Trên phương diện phát triển nông nghiệp, nông thôn, công tác quy hoạch sử dụng đất đã đảm bảo cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, người dân yên tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất. Trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, hạ tầng kinh tế, thông qua thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tỉnh đã tạo được quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Mặc dù vậy, vẫn còn những nhóm vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013, từ đó hình thành những “nút thắt” trong khai thác, quản lý tài nguyên đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chẳng hạn như Luật quy định “Hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa…”. Thực tế, hộ gia đình, cá nhân mặc dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, song đã được cấp giấy chứng nhận đối với nhóm đất nông nghiệp không phải là đất lúa (đất rừng sản xuất, vườn, đất trồng cây hằng năm khác), thông qua hình thức công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận quyền sử dụng đất có được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa không? Vấn đề này chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc tích tụ hoặc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để đầu tư hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Người dân xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình nhận kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng
Hay đối với lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với Lạng Sơn, do công tác quản lý đất đai tại cấp xã còn hạn chế, tình trạng người dân làm nhà ở trên đất nông nghiệp có chiều hướng phức tạp, mặc dù công trình nhà đó được xây dựng phù hợp quy hoạch sử dụng đất, phát triển khu dân cư thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng khi người dân làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở là không thực hiện được. Vì theo quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì thửa đất đó phải là nguyên trạng. Về vấn đề này hiện luật vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, còn nhiều nhóm vướng mắc khác khi thực thi Luật Đất đai 2013 như: xây dựng giá đất cụ thể; trình tự thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh…
Ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Từ những vướng mắc bất cập trong quá trình thực thi Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn của trung ương, Sở Tài nguyên Môi trường đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản đề nghị Trung ương hướng dẫn tháo gỡ. Mặt khác, trước những vướng mắc phát sinh từ thực tế trong việc áp dụng luật, tỉnh linh hoạt trong việc xử lý bảo đảm hợp tình, hợp lý.
Bên cạnh đó, để quản lý đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Mới đây nhất, cuối tháng 7/2018, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 22-CT/TU ngày 27/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền về quản lý đất đai, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý sử dụng đất đai…
Dựa trên các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý đất đai tại cơ sở, khai thác hiệu quả tài nguyên đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
TRANG NINH
Ý kiến ()