tle=”Kỳ 2: Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi” on click=”$('#gallery_32877888_1_341750').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> yerText”>
* Thu hoạch lúa ở Bắc Hà (Lào Cai).
Các hệ thống công trình thủy lợi trong cả nước nói chung và vùng Tây Bắc, Tây Nguyên nói riêng nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, sản lượng lúa cả nước năm sau thường cao hơn năm trước, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục; nhất là cần có một chiến lược đầu tư, phát triển, phát huy hiệu quả nhất năng lực các công trình.
Từ phát triển cơ sở hạ tầng…
Ở Lào Cai, phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng trên sườn đồi núi dốc, tưới ruộng bậc thang, diện tích manh mún, cho nên tuyến kênh thường dài, đầu mối xa khu dân cư. Nhiều công trình xây dựng trong bối cảnh vốn đầu tư hạn hẹp, không đồng bộ, khả năng chống chịu với thiên tai mưa lũ thấp, cùng với sự tác động của người sử dụng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tập quán sử dụng nước chủ yếu là lợi dụng khai thác tự nhiên, cho nên công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình gặp không ít khó khăn. Tính đến cuối tháng 12-2011, toàn tỉnh có 114 danh mục công trình thủy lợi bị hư hỏng, ảnh hưởng nước tưới tới 4.845 ha lúa ruộng. Theo đó, tổng nhu cầu kinh phí cần sửa chữa lên tới 412 nghìn 371 triệu đồng. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lào Cai Nguyễn Chính Cương cho biết: Qua kiểm tra, còn nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hệ thống hồ chứa chưa đủ điều kiện đăng ký an toàn hồ chứa, do kinh phí địa phương hạn hẹp. Đó là chưa kể đến đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tưới tiêu ở đây từ trước đến nay mới chỉ quan tâm việc cấp nước tưới tiêu cây lúa ruộng; còn phần lớn diện tích cây trồng cạn chưa được đầu tư và chưa có quy hoạch thủy lợi cho cây trồng cạn, trong khi tỉnh đang quy hoạch phát triển mạnh chương trình sản xuất hàng hóa cây trồng cạn. Vì vậy, cần rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi định hướng tưới tiêu cho loại cây trồng này.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Điện Biên Mai Thế Sử cho biết: UBND tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; ban hành quy định về phân cấp quản lý, khai thác, phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương loại III; đồng thời, ban hành các hướng dẫn về thành lập, củng cố và phát triển tổ chức hợp tác dùng nước… Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp như huyện, xã cụ thể hóa thành chương trình hành động hằng năm và từng giai đoạn để quy hoạch vùng sản xuất lương thực. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 trở về trước (trước khi có chính sách miễn thủy lợi phí), tình trạng công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng xảy ra khá phổ biến do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình, ngoài ra, những hư hỏng nhỏ không được sửa chữa kịp thời, dẫn đến hư hỏng nặng thêm…
Đác Lắc được coi là tỉnh có tiềm năng đất đai dồi dào để xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh các loại cây trồng đã khẳng định vị thế của mình như cà-phê, cao-su, ngô lai, bông vải… thì cây lúa cũng dần được đánh giá là cây trồng mũi nhọn, có tính đột phá ở một số địa phương trong vùng. Sản lượng lúa hằng năm đạt hơn 450 nghìn tấn và cùng với các loại cây trồng có hạt khác quy ra thóc đã chạm mục tiêu đặt ra một triệu tấn/năm. Kết quả này không chỉ đáp ứng vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, mà bước đầu còn được bán ra thị trường bên ngoài. Thế mạnh đó sẽ được phát huy gấp nhiều lần nếu như sản xuất ở vùng nông thôn Đác Lắc tiếp tục được cải thiện theo hướng thâm canh, tăng năng suất một cách đồng bộ và hiệu quả hơn. Chủ tịch UBND xã Ea Lê, huyện Ea Súp Đặng Phú Bình đánh giá: Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân địa phương đã đóng góp thêm hàng trăm triệu đồng để hoàn chỉnh hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng lúa làm ra mỗi năm đạt hơn 2.000 tấn/năm.
Với đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt mạnh cho nên hệ thống hồ, đập, công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt trong mùa mưa bão, đồng thời tích trữ nước phục vụ tưới tiêu cho hàng chục nghìn ha cây trồng góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển. Tuy nhiên, theo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đác Nông, qua điều tra, đánh giá hiện trạng tại 154 công trình thì có đến 125 công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; trong đó có 84 công trình bị hư hỏng, xuống cấp phần đầu mối, 30 công trình bị hư hỏng, xuống cấp phần kênh mương và 11 công trình bị lấn chiếm hành lang bảo vệ… Từ đó cho thấy năng lực tưới, tiêu của các hồ, đập thấp hơn rất nhiều so với thiết kế. Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đác Nông Hoàng Trung Thơ kiến nghị: Tỉnh cần có nguồn kinh phí để tiến hành cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, còn nếu để kéo dài tình trạng công trình không bảo đảm, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ, đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân, cũng như không tích trữ được nguồn nước phục vụ tưới tiêu trong mùa khô. Tuy nhiên, hiện kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập, công trình thủy lợi còn hết sức hạn chế. Theo tính toán của công ty thì tổng kinh phí phục vụ công tác sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập, công trình thủy lợi này lên đến 637 tỷ đồng, trong khi đó bình quân mỗi năm đơn vị chỉ được tỉnh cấp trên dưới 20 tỷ đồng, chủ yếu là tiền cấp bù phí thủy lợi.
…Đến tổ chức quản lý, khai thác
Tổ chức quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi là một trong những yêu cầu nhằm bảo đảm cho các hệ thống công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác. Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Duy Hiển cho biết: Hiện cả nước có 93 công ty khai thác công trình thủy lợi (trong đó có ba công ty liên tỉnh trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn lại là các công ty trực thuộc UBND cấp tỉnh), một số tổ chức sự nghiệp và hàng chục nghìn Tổ chức hợp tác dùng nước. Để phát huy hiệu quả của các hệ thống công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá trên cả ba mặt: Vận hành công trình, an toàn và quản lý vốn, tài sản.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đác Lắc, hiện tỉnh có 643 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, gồm 516 hồ chứa, 81 đập dâng, 45 trạm bơm, một hệ thống đê bao cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi trên địa bàn chỉ mới phát huy khoảng 65-75% năng lực thiết kế, thậm chí có nhiều công trình như hồ Buôn Jơn (Lắc), hồ Dak Minh (Buôn Đôn)… chỉ đạt dưới 40% năng lực thiết kế. Những nguyên nhân khiến các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh không phát huy hết công suất thiết kế là do khâu tổ chức, khai thác chưa tốt, đầu tư không đồng bộ; và do UBND tỉnh phân quản lý một số công trình thủy lợi nhỏ cho UBND huyện, sau đó UBND huyện giao cho phòng nông nghiệp địa chính hoặc UBND xã quản lý, dẫn đến không có cơ quan quản lý một cách trực tiếp.
Không như Đác Lắc, hình thức về tổ chức quản lý của tỉnh Điện Biên lại khác hơn, thực hiện theo hai hình thức. Thứ nhất, các công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi của Nhà nước quản lý các công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Cho nên, các công trình thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp một cách thường xuyên. Hình thức thứ hai là các tổ hợp tác dùng nước của các xã, bản làm nhiệm vụ quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Điện Biên Mai Thế Sử thì vẫn còn một số công trình chưa thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng. Việc triển khai thực hiện chính sách thủy lợi phí còn yếu, cho nên hiệu quả các công trình thủy lợi chưa cao.
Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi là một trong những yêu cầu cần thiết, nhằm bảo đảm cho các hệ thống công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các hệ thống công trình thủy lợi có phát huy hết hiệu quả mới nâng cao được sản lượng lương thực, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như nước ta hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()