Tháo gỡ vướng mắc trong giao đất, giao rừng ở Thừa Thiên - Huế
Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về tiếp cận mô hình giao rừng tự nhiên cho cộng đồng, thực hiện thành công việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao sản lượng rừng trồng, góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, bởi người dân chưa được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ việc quản lý, bảo vệ rừng.
Từ “ăn của rừng” đến nhận thức “chủ rừng”
Thừa Thiên – Huế là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, chiếm hơn 63% tổng diện tích tự nhiên. Nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều chính sách giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, nhóm hộ gia đình sử dụng lâu dài, từng bước cải thiện, ổn định cuộc sống của người dân miền núi và góp phần bảo vệ, phát triển rừng. Từ năm 2003, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, như Chương trình về lâm nghiệp (PROFOR Vietnam), Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Dự án hỗ trợ phổ cập và đào tạo phục vụ nông, lâm nghiệp vùng cao (ETSP), bốn trong số tám huyện, thị xã trong tỉnh gồm: Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và Phú Lộc đã triển khai giao hơn 15 nghìn ha rừng tự nhiên cho các tổ chức thôn, cụm, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý và hưởng lợi, trong đó cộng đồng là đối tượng chính. Như vậy, qua hơn 10 năm thực hiện, đến nay Thừa Thiên – Huế đã giao hơn 28 nghìn ha rừng tự nhiên cho hàng trăm cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình quản lý.
Mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý được thực hiện từ năm 2000, ở thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), với diện tích hơn 400 ha rừng. Từ những người “ăn của rừng”, người dân Thủy Yên Thượng đã trở thành những chủ rừng thật sự, họ chuyên tâm chăm sóc, bảo vệ từng gốc cây, con thú. Đổi lại, bà con được hưởng lợi từ những nguồn lâm sản phụ, vì thế đời sống được cải thiện nhiều hơn. Nhiều năm qua, rừng được giao khoán tại các tiểu khu 1156 và 1174 chưa từng xảy ra một vụ phá rừng nào, sinh khối rừng tăng trưởng tốt. Từ năm 2004, đây là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh cho phép khai thác 50% sản lượng gỗ từ quy chế hưởng lợi trong quản lý và bảo vệ rừng, tương ứng gần100 m3 gỗ tròn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, cộng đồng thật sự khẳng định vai trò của mình thông qua phương án quản lý, bảo vệ rừng và hương ước của thôn, cho nên mọi người chấp hành nghiêm. Quá trình thực hiện, mô hình này đã gắn kết vai trò, trách nhiệm, từng bước nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ rừng. Việc triển khai tuần tra bảo vệ rừng tiến hành thường xuyên theo định kỳ. Người dân sống gần rừng, được giao rừng, chính là những “tai, mắt” phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng. Đến nay, người dân Thủy Yên Thượng đã khai thác hàng trăm m 3gỗ theo hình thức hưởng lợi từ rừng phục vụ mục đích phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tại huyện miền núi Nam Đông, đến nay, 10 trong số 11 xã, thị trấn trong huyện có rừng tự nhiên đều triển khai giao rừng, với tổng diện tích hơn 6.750 ha. Ở thôn 3, xã Hương Lộc được giao rừng tự nhiên sản xuất để quản lý bảo vệ với tổng diện tích hơn 173 ha. Trong tổng số 213 hộ dân của thôn, có 29 hộ đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Họ đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực từ chính quyền địa phương; các ban, ngành. Rừng của các nhóm hộ quản lý đã tốt hơn sau hơn ba năm được giao. Ngay từ giai đoạn đầu, cộng đồng đã trồng bảy ha rừng keo, 3.000 cây bản địa, 500 gốc tre lấy măng, 1.600 cây trầm hương, xây dựng một vườn ươm cộng đồng và chăm sóc 12 ha rừng tự nhiên. Từ khi nhận rừng đến nay, chưa có hiện tượng xâm lấn rừng và khai thác lâm sản trái phép.
Làm rõ quyền lợi giữ rừng
Hơn 10 năm được nhận rừng từ sự hỗ trợ của dự án SNV, UBNDhuyện Nam Đông đã bàn giao 350 ha rừng tự nhiên cho 58 hộ dân ở xã Hương Lộc quản lý, bảo vệ. Nhưng đến nay, nhiều hộ dân đã bỏ cuộc, không tham gia bảo vệ rừng. Ông La Lạc, một hộ dân ở thôn 3, được giao quản lý 9,6 ha rừng tự nhiên cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bà con không còn gắn bó rừng là người dân đã bỏ nhiều công sức, nhưng không được hưởng lợi gì. Trong gần 10 ha rừng Nhà nước giao cho gia đình tôi, phần lớn đều là rừng nghèo kiệt, chỉ toàn dây leo, bụi rậm. Tôi cùng 29 hộ dân khác trong thôn tự tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, chăm sóc rừng suốt 10 năm qua, nhưng không hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ, giúp đỡ nào từ các cấp chính quyền. Vì vậy, hai năm qua, gia đình tôi không muốn quay lại thăm rừng được giao để xem cây phát triển chừng nào!”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lộc Mai Yên cho biết, ngoài việc người dân phải nhận chăm sóc, bảo vệ rừng nghèo, thì từ năm 2001, địa phương không thể triển khai Quyết định 178 của Chính phủ để hỗ trợ người bảo vệ rừng, bởi quá nhiều bất cập. Chính quyền xã muốn tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng rừng sản xuất, rừng kinh tế nhưng lại thiếu chủ trương, văn bản hướng dẫn nên khó thực hiện.
Cần có chính sách đột phá để người dân hưởng lợi nhiều hơn khi được giao rừng, tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Trong ảnh: Người dân huyện Nam Đông trồng cây mới, cải tạo diện tích rừng nghèo kiệt.
Từ năm 2010, thực hiện đề án giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình và nhóm hộ quản lý của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, các huyện đã giao mới hoặc hoàn thiện thủ tục để giao 44.418 ha rừng tự nhiên cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng dân cư. Đến nay, huyện A Lưới đã hoàn tất mọi thủ tục và tiến hành giao 15.690 ha rừng tự nhiên, trong đó có 9.625 ha rừng sản xuất; huyện Nam Đông giao khoảng 6.756 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc quy hoạch sản xuất cho hộ và nhóm hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư. Nhưng, nghịch lý là, khi các hộ được bàn giao rừng lại không được giao đất. Riêng tại xã Sơn Thủy (A Lưới) đã bàn giao cho năm hộ gia đình và 11 nhóm hộ dân quản lý, bảo vệ 524,4 ha rừng tự nhiên, trong đó có 409 ha rừng phòng hộ và 114 ha rừng sản xuất. Sau hơn ba năm nhận rừng, các hộ dân này chưa được cấp giấy chứngnhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, mặc dù đã hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu.
Đột phá tiếp vào chính sách
Nguyên nhân chính dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa hiệu quả, do các cơ quan chức năng gặp vướng mắc trong thực hiện các quy định của Nhà nước. Đặc biệt là Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, đến nay không còn phù hợp như tình trạng giao rừng không gắn với giao đất; chưa có chính sách hưởng lợi phù hợp cho người bảo vệ rừng; bất cập trong chính sách đền bù, đổi đất lâm nghiệp do quy hoạch dự án thủy điện… Thậm chí, nhiều hộ dân phải tự bỏ tiền để phục vụ công tác tuần tra, giữ rừng. Đây là những hạn chế, vướng mắc, rất cần các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ, rà soát, bổ sung các chính sách về lâm nghiệp, giúp người dân yên tâm với việc bảo vệ, quản lý rừng được giao.
Ngoài các chính sách từ trung ương, theo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cần những chính sách đột phá từ phía tỉnh, như sớm ban hành quy chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, làm cơ sở chi trả chế độ cho người quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định 99/2010 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp xã và xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của xã. Hai việc này cần thực hiện đồng bộ, gắn liền nhau, nhằm bảo đảm các hoạt động bảo vệ phải gắn với phát triển rừng; giao đất lâm nghiệp gắn với phát triển kinh kế của địa phương, góp phần giải quyết bài toán “lấy ngắn nuôi dài” trong quản lý bảo vệ rừng, phù hợp tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cần rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng của từng chủ rừng để hoàn chỉnh hồ sơ giao rừng, đối với rừng tự nhiên đã giao trước năm 2010; kiến nghị thu hồi diện tích rừng được giao đối với những chủ rừng không tổ chức quản lý, bảo vệ có hiệu quả, hoặc giao không đúng thẩm quyền; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng cơ chế hưởng lợi cho người dân nhận rừng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương… có chính sách hỗ trợ cây giống cho đồng bào miền núi để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đi đôi với việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản lý rừng cộng đồng cho người dân, nhất là những đối tượng được giao rừng. Đào tạo đội ngũ truyền thông viên địa phương, người có kỹ năng về truyền thông cũng cần phải am hiểu văn hóa địa phương, đặc biệt cần nói, nghe được tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số để có thể truyền đạt, hướng dẫn, giải thích các chính sách cho đồng bào hiệu quả.
Giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý và sử dụng lâu dài là một trong những hình thức trao quyền hưởng dụng hợp pháp tài nguyên rừng cho cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế người dân chưa được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ việc quản lý bảo vệ rừng, vì phần lớn rừng giao cho cộng đồng thuộc loại nghèo kiệt.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()