Tháo gỡ vướng mắc trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 2010. Ðể bảo tồn, phát huy giá trị của di sản quý giá này, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá, khai thác du lịch… Tuy nhiên, đến nay, công tác quản lý Hoàng thành Thăng Long vẫn còn những bất cập, tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm hoặc chưa thể triển khai… Ðiều đó đang khiến giá trị của Hoàng thành Thăng Long chưa được khai thác, phát huy đúng tầm.
Nhiều dự án chưa được triển khai
Di sản Hoàng thành Thăng Long gồm khu khảo cổ học tại số 18 phố Hoàng Diệu và khu Thành cổ (nơi có Kỳ Ðài, Ðoan Môn, thềm điện Kính Thiên… tại số 9 phố Hoàng Diệu). Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị như: Tổ chức khai quật khảo cổ; hợp tác quốc tế thúc đẩy nghiên cứu, bảo tồn; khai thác du lịch; giáo dục di sản… Ðến năm 2019, di tích đón 724 nghìn lượt khách, trong đó, riêng hai năm 2018 và 2019 có 120 nghìn lượt học sinh tìm hiểu, khám phá và tham gia các hoạt động giáo dục di sản. Thành phố cũng triển khai nhiều dự án để thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO như: Dự án bảo tồn Nhà Cục tác chiến; Dự án chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng bàn giao; Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long (gồm nhiều dự án thành phần)… Hiện đơn vị quản lý Hoàng thành Thăng Long là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đề xuất một số dự án mới. Mặc dù TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, song việc bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long còn nhiều vướng mắc, chưa phát huy hết tiềm năng, nguồn lực văn hóa.
Ðến nay, nhiều dự án còn chậm tiến độ hoặc chưa thể triển khai. Trong tám cam kết với UNESCO, Hà Nội mới thực hiện được bảy. Riêng cam kết về thống nhất quản lý, sau 11 năm vẫn dở dang. Hiện nay, Hà Nội đã tiếp nhận gần 16,7 ha trong tổng diện tích 18,353 ha theo hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, chiếm 91% diện tích. Hiện còn hai khu vực là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (nơi có Kỳ Ðài) và một cây xăng trên đường Nguyễn Tri Phương do Bộ Quốc phòng quản lý.
Việc quản lý di vật, hiện vật khảo cổ cũng nan giải không kém. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: Khu 18 phố Hoàng Diệu được bắt đầu khai quật từ năm 2002. Sau đó, còn nhiều đợt khai quật khác tại Nhà Quốc hội, Vườn hồng, khu vực số 62-64 phố Trần Phú, khu Thành cổ. Số lượng di vật, hiện vật khảo cổ vô cùng lớn, với hơn 72 nghìn két, ước chừng vài triệu di vật, gồm nhiều loại hình trang trí kiến trúc, vật liệu xây dựng, đồ dùng cung đình, vũ khí… Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mới được bàn giao số lượng hiện vật rất nhỏ, gồm gần 13 nghìn di vật và 2.886 két. Theo lộ trình, hàng triệu di vật còn lại phải đến năm 2025 mới được bàn giao hết.
Bên cạnh đó, còn có những vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách. Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long là dự án thuộc Nhóm A. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội được giao quản lý Hoàng thành Thăng Long nhưng lại không phải là cơ quan chuyên môn của thành phố, cho nên không có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong khi đó, việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể mất rất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị khác.
Ðể Hoàng thành xứng tầm danh hiệu
Ðể phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long. Ðối với quản lý mặt bằng, Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Quân ủy Trung ương, thống nhất di dời Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sang một địa điểm khác tại phường Mỹ Ðình, quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện khá chậm. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Ðức Tuấn, hiện nay, công trình bảo tàng tại địa điểm mới đang được làm móng. Dự kiến phải ba năm nữa mới hoàn thành. Ðối với quản lý di vật khảo cổ, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô cho rằng, gần 20 năm nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mới chỉ bàn giao được một phần nhỏ di vật cho thành phố. Các bên cần thúc đẩy việc thống nhất quản lý di vật, hiện vật để có thể nghiên cứu, tổ chức trưng bày, giới thiệu tốt hơn.
Ðối với thực hiện Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học cho rằng, đây là dự án rất lớn, việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tốn rất nhiều thời gian, công sức. Việc hoàn thành báo cáo, chờ phê duyệt sẽ khiến dự án nọ phải “chờ” dự án kia. TP Hà Nội nên tách ra làm nhiều dự án thành phần để triển khai có hiệu quả hơn, nhưng nhất thiết phải tuân theo Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500) mà Bộ Xây dựng đã phê duyệt năm 2016.
Theo Quy hoạch nêu trên, phục dựng điện Kính Thiên (nơi thiết triều của các triều đại trước đây) là một hạng mục quan trọng hàng đầu. TP Hà Nội đã đặt vấn đề phục dựng nhưng còn lúng túng khi triển khai. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, định hướng phục dựng điện Kính Thiên thời Lê là đúng đắn, bởi kiến trúc thời Lý, thời Trần đã quá xa, thiếu cơ sở để nghiên cứu; trong khi đó, chúng ta có nhiều tư liệu sách vở lẫn thực địa về kiến trúc thời Lê. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Ðạo Cương đề nghị: “TP Hà Nội nên triển khai ngay một dự án nghiên cứu, phục dựng điện Kính Thiên, tạo cơ sở khoa học cho công tác phục dựng. Sau đó, xây dựng mô hình 3D và tiến hành phục dựng trên thực tế”. Các nhà khoa học cũng đề xuất Hà Nội sớm triển khai các biện pháp bảo tồn lâu dài các hố khai quật khảo cổ tại số 18 phố Hoàng Diệu do những công trình tạm đã xuống cấp.
Trong buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và các nhà khoa học mới đây, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng bám sát thông báo kết luận giữa Quân ủy Trung ương và Thành ủy Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận khu vực bảo tàng khi được bàn giao. Ðồng chí đề nghị phân kỳ đầu tư để tu bổ, tôn tạo Hoàng thành Thăng Long. Riêng với khu khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu và dự án phục hồi điện Kính Thiên, các cơ quan chức năng cần bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư của thành phố.
Ý kiến ()