Tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện phát triển khu vực Hành lang kinh tế Ðông - Tây
Chiều 25-5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp liên ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện phát triển khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và các địa phương: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.EWEC được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 (tháng 10-1998). Đến nay, một số cơ chế hợp tác đã được hình thành, một số dự án hỗ trợ đã được triển khai và nhiều sự kiện liên quan đến EWEC đã được tổ chức, mà gần đây nhất là Tuần lễ EWEC 2007 tại Đà Nẵng; Diễn đàn hợp tác EWEC năm 2010 tại Quảng Trị... Song song với điều kiện hạ tầng cứng của EWEC như giao thông, viễn thông, năng lượng tiếp tục được nâng cấp; hạ tầng mềm như cải tiến chính sách, thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho lưu thông của người và hàng hóa,...
Chiều 25-5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp liên ngành nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện phát triển khu vực Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC). Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và các địa phương: Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng.
EWEC được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 (tháng 10-1998). Đến nay, một số cơ chế hợp tác đã được hình thành, một số dự án hỗ trợ đã được triển khai và nhiều sự kiện liên quan đến EWEC đã được tổ chức, mà gần đây nhất là Tuần lễ EWEC 2007 tại Đà Nẵng; Diễn đàn hợp tác EWEC năm 2010 tại Quảng Trị… Song song với điều kiện hạ tầng cứng của EWEC như giao thông, viễn thông, năng lượng tiếp tục được nâng cấp; hạ tầng mềm như cải tiến chính sách, thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho lưu thông của người và hàng hóa, cũng đã được Chính phủ các nước rất quan tâm. Các động thái này đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các nhà tài trợ quốc tế, của Chính phủ các nước, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên hành lang về những cơ hội phát triển, góp phần đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và hàng chục triệu người dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ban đầu, EWEC còn gặp nhiều khó khăn trong tiến trình trở thành một hành lang kinh tế. Giá trị hàng hóa, số lượng phương tiện, người lưu thông trên tuyến chưa tương xứng với hạ tầng trên tuyến hành lang. Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương đã kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác và phát triển khu vực EWEC.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kiến nghị của các địa phương, bộ, ngành; cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét, giao các bộ, ngành chức năng giải quyết với lộ trình cụ thể. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, bộ, ngành nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của EWEC với rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Trên tinh thần đó, các bộ, ngành trung ương tập trung tháo gỡ các vướng mắc hiện có tại khu vực này, xử lý từng kiến nghị của địa phương. Bộ trưởng mong muốn các tỉnh, thành phố thuộc dự án tích cực hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan để giải quyết các bất cập, xây dựng quy hoạch phát triển phù hợp với lộ trình xây dựng EWEC. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, tranh thủ hợp tác quốc tế để đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển khu vực EWEC, không chỉ hạ tầng giao thông mà cả về xây dựng đô thị, phát triển dịch vụ, văn hóa, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia trong vùng dự án.
Theo Nhandan
Ý kiến ()