Tháo gỡ nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng để phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2023 đã đưa ra kết quả nghiên cứu bức tranh kinh tế vùng chậm hồi phục, do ảnh hưởng tiêu cực chung của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, báo cáo cũng xác định: thể chế, quản trị và liên kết vùng là nội dung then chốt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển vùng.
Quang cảnh Lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2023. |
Sáng 12/12, tại thành phố Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Báo cáo được thực hiện bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM). Đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh hàng trăm chuyên gia kinh tế, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự.
Đặc biệt, Ban tổ chức đã lựa chọn trình diễn tiết mục giao hưởng với nhạc phẩm Bài ca Đất phương Nam để mở màn cho chương trình, gây ấn tượng với đại biểu tham dự.
Theo Chủ tịch Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, trước ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới, thì mức tăng trưởng 8% của Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự suy giảm sức cầu cả trong và ngoài nước khiến tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng 2023 chỉ đạt 4,2% so với cùng kỳ. Hệ quả là dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 chỉ trên dưới 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra.
Tương tự, kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng đồng bằng sông Cửu Long gần như không có sự thay đổi. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do vùng này phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi.
Vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn, chất lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng.
Các đại biểu tham dự buổi lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2023. |
Khu vực này đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của đồng bằng sông Cửu Long đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình khu vực này đã thấp hơn so với cả nước. Tăng trưởng đầu tư tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022.
Tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế vùng. Ngành này hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ hai (khoảng 32 nghìn tỷ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới mức trung vị (3%). Thể chế và mô hình nông nghiệp hiện tại không còn nhiều không gian tăng trưởng và cần phải được thay đổi một cách cơ bản.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp chủ đạo, là nơi sản xuất lương thực thực phẩm lớn, đóng góp quan trọng vào kinh tế cả nước. Tuy nhiên, khu vực này lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Hai thập niên trước, đồng bằng sông Cửu Long còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Sự tương phản đó cho thấy, đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này ra bên lề hành trình phát triển của đất nước.
Báo cáo Kinh tế Thường niên năm 2023 xác định: thể chế, quản trị và liên kết vùng là nội dung then chốt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long trong hiện tại và dài hạn. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Báo cáo cũng chỉ ra sáu nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư-kinh doanh; cơ chế quản trị-hợp tác-liên kết vùng.
Các nguyên nhân trực tiếp này lại là kết quả của nhiều thể chế, chính sách, và các quá trình kinh tế đan xen được tạo thành từ những nguyên nhân thể chế có tính nền tảng. Các nút thắt thể chế đang làm cản trở phát triển kinh tế vùng trong hiện tại và nếu không được điều chỉnh, cả trong dài hạn thì vùng này sẽ khó phát triển nhanh và bền vững.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()