Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đầu tư hạ tầng giao thông
Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT trong 8 dự án, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất 5 dự án dùng ngân sách để mua lại toàn bộ, 3 dự án hỗ trợ mức độ dưới 5% theo đúng quy định.
Giải quyết những vướng mắc trong đầu tư hạ tầng giao thông đã gây được sự chú ý của dư luận khi vấn đề này được đề cập và thảo luận rất sôi nổi tại Quốc hội.
Đầu tư PPP, nên linh hoạt vốn Nhà nước
Theo đại biểu Phạm Thuý Chinh (Hà Giang), việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước so với quy định hiện hành là chưa đủ để tăng sức hấp dẫn đối với các dự án PPP giao thông, thậm chí có thể trở thành một hình thái mới về đầu tư công.
Bà Phạm Thuý Chinh cho rằng, vấn đề các nhà đầu tư trăn trở nhất hiện nay chính là việc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ hợp đồng được quy định trong Luật PPP và hợp đồng ký kết, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Bên cạnh đó, các bên liên quan tại các dự án PPP cần chú trọng tới cả vòng đời dự án, trong đó có công tác vận hành, bảo trì, thu phí hoàn vốn… tránh tình trạng chỉ tập trung vào giai đoạn xây dựng.
Chia sẻ với nhận định trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước không phải là yếu tố quyết định đến sức hấp dẫn của các dự án PPP hạ tầng giao thông.
Hiện nhiều nước không quy định về trần vốn góp, về tỷ lệ vốn góp của Nhà nước. Điều này cho phép Nhà nước có thể tham gia tới 70-80% tổng mức đầu tư đối với dự án vùng sâu, vùng xa có lưu lượng phương tiện thấp. Nhưng cũng có dự án lưu lượng phương tiện cao, tỷ lệ vốn góp Nhà nước cũng chỉ dao động từ 20-30%.
Đối với vấn đề này, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, tỷ lệ vốn góp không nên quy định cứng mà phải căn cứ vào tính chất của các dự án và giai đoạn triển khai cụ thể khi triển khai công trình.
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị sắp tới Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, các dự án PPP, mà rất nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế cũng đang khó triển khai.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, từ trước đến nay quy định liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP cho hạ tầng giao thông cũng chưa được hấp dẫn, tối đa là Nhà nước hỗ trợ 50%. Nhiều dự án chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn, chính vì thế cho nên phần vốn Nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không được nhiều và đây cũng là một bất lợi. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút chúng ta cũng phải nhìn nhận và điều chỉnh.
Giải quyết dứt điểm bất cập các dự án BOT
Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc này Bộ đã triển khai từ lâu nhưng nhiều vấn đề phức tạp chưa thể tháo gỡ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải làm rõ bên cạnh 8 dự án của Trung ương, cấp địa phương còn bao nhiêu dự án BOT gặp vướng mắc tương tự. Hiện chưa quyết định được nguồn vốn để xử lý 8 dự án này, từ tăng thu hay đầu tư công trung hạn.
Cả 8 dự án được triển khai trước khi Luật Đầu tư PPP có hiệu lực. Các dự án không chỉ liên quan nhà đầu tư mà còn cả ngân hàng. Ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư hy sinh lợi nhuận, nhưng nhà đầu tư lại mong muốn ngân hàng hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải, dự kiến sẽ báo cáo nội dung này với Chính phủ và trình Quốc hội tháo gỡ cho 8 dự án BOT này. Trong 8 dự án này, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất 5 dự án dùng ngân sách để mua lại toàn bộ, 3 dự án hỗ trợ mức độ dưới 5% theo đúng quy định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, quá trình đàm phán được thực hiện trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, khó khăn chia sẻ, đồng thuận không áp đặt nhà đầu tư và các bên đang khẩn trương hoàn tất quá trình xây dựng phương án tối ưu để sớm xử lý dứt điểm 8 dự án BOT gặp khó khăn.
Ý kiến ()