Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ dứa ở Lào Cai
Dứa ở xã Bản Lầu (Lào Cai) được mùa nhưng tiêu thụ khó khăn. Vào thời gian này năm trước, đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng ở các thôn Na Lốc 1, 2, 3, 4 và Cốc Phương (xã Bản Lầu, tỉnh Lào Cai) vui mừng, hoan hỉ vì dứa trúng mùa lại được giá cao, còn bây giờ, dứa chín đỏ nương, đồi mà chẳng có người mua, nguy cơ thối hỏng mất trắng làm người dân rất lo lắng.Toàn xã Bản Lầu có khoảng 600 ha dứa, tập trung ở mười thôn giáp biên giới là Pạc Bo, Đồi Gianh, Cốc Phương, Na Mạ, Na Lốc 1, 2, 3, 4... Đây là vùng dứa hàng hóa đã có thương hiệu của tỉnh Lào Cai, với giống dứa Queen (hoàng hậu), quả to, nhiều nước, ngọt và thơm ít nơi nào sánh kịp. Theo Chủ tịch UBND xã Bản Lầu Đỗ Duy Phiên, sản lượng vụ dứa năm nay đạt hơn 13 nghìn tấn quả, nhưng đến thời điểm này, đã vào kỳ thu hoạch đại trà nhưng mới thu hoạch, tiêu thụ được khoảng hai nghìn tấn, còn lại hơn 11 nghìn tấn vẫn ở trên nương,...
Dứa ở xã Bản Lầu (Lào Cai) được mùa nhưng tiêu thụ khó khăn. |
Toàn xã Bản Lầu có khoảng 600 ha dứa, tập trung ở mười thôn giáp biên giới là Pạc Bo, Đồi Gianh, Cốc Phương, Na Mạ, Na Lốc 1, 2, 3, 4… Đây là vùng dứa hàng hóa đã có thương hiệu của tỉnh Lào Cai, với giống dứa Queen (hoàng hậu), quả to, nhiều nước, ngọt và thơm ít nơi nào sánh kịp. Theo Chủ tịch UBND xã Bản Lầu Đỗ Duy Phiên, sản lượng vụ dứa năm nay đạt hơn 13 nghìn tấn quả, nhưng đến thời điểm này, đã vào kỳ thu hoạch đại trà nhưng mới thu hoạch, tiêu thụ được khoảng hai nghìn tấn, còn lại hơn 11 nghìn tấn vẫn ở trên nương, đồi. Thời gian thu hoạch dứa là từ đầu tháng hai đến giữa tháng ba, trong đó có khoảng 5.000 tấn chín sớm, buộc phải thu hoạch trong tháng hai; nếu quá thời gian trên, toàn bộ dứa chín sẽ thối, hỏng, ước tính thiệt hại hơn 30 tỷ đồng, gần gấp hai lần số thu ngân sách của cả huyện Mường Khương năm 2011.
Chúng tôi có mặt tại nương dứa nhà ông Giàng Sinh, ở thôn Na Lốc 4. Vụ này, ông Sinh trồng 50 nghìn gốc dứa, sản lượng đạt khoảng 30 tấn dứa quả. Dự kiến có trong tay hơn trăm triệu đồng nào ngờ trắng tay, vì dứa chín đỏ mà không bán được, giá thấp bằng một phần ba năm ngoái mà cũng chẳng có người mua. Cũng với diện tích dứa như thế này, năm ngoái ông Sinh thu được 150 triệu đồng, còn vụ này, ông mới bán được khoảng 30 triệu đồng, còn lại có nguy cơ bỏ thối, hỏng ngoài nương. Số tiền trên không đủ trả tiền phân bón mua chịu của đại lý, chưa nói tiền công chăm sóc, thuê người thu hoạch. Cùng ở thôn Na Lốc 4, hộ ông Vàng Là có khoảng 30 nghìn gốc dứa chín, với sản lượng hơn 20 tấn quả đã chín đỏ nhưng không bán được, đành bỏ trên nương, hiện đã thối, hỏng gần hết. Trưởng thôn Na Lốc 4 Sùng Vần cho biết, thôn có 82 hộ người Mông và Dao trồng dứa, với diện tích khoảng hơn 150 ha, đến thời điểm này mới có hai hộ bán được dứa (bán sớm), còn lại đều đang trông chờ người mua. Trong khoảng 20 ngày nữa, nếu không bán được, dứa để trên nương sẽ thối, hỏng toàn bộ.
Thôn Cốc Phương là “thủ phủ” của vùng dứa Bản Lầu, có 42 hộ đồng bào dân tộc Mông từ nơi khác đến định cư tại đây, lấy cây dứa làm mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo, hộ ít nhất cũng có từ 50 nghìn gốc trở lên, hộ nhiều trồng tới 300 nghìn gốc. Thôn này có tới hơn 200 ha dứa, chiếm gần một phần ba diện tích dứa hàng hóa của xã Bản Lầu. Khác với vụ dứa năm ngoái, ngay từ đầu vụ thu hoạch, khách hàng đã tranh mua với giá từ 4 đến 6 nghìn đồng/kg, loại từ 0,4kg/quả trở lên; vụ này người dân rất lo lắng vì dứa tồn đọng, không bán được. Mỗi ngày qua đi nỗi lo lại lớn theo, vì chỉ một trận mưa to là dứa thối nhũn, người trồng dứa trắng tay. Ngay đến “vua dứa” Thào Dìn, người trồng nhiều dứa nhất thôn, lại có phương tiện vận chuyển và nhiều mối bán hàng nhưng cũng chịu bó tay. Ông Thào Dìn cho biết: Mọi năm, các nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu ở Hà Nội, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa… thu mua dứa ngay từ đầu vụ. Tư thương còn đặt tiền mua dứa từ khi mới ra quả xanh, giá dứa cũng rất cao, khiến mọi người đổ xô vào trồng dứa. Tuy nhiên, năm nay, các nhà máy trong nước và tư thương đều ngừng thu mua, hoặc mua cầm chừng. Giá dứa xuống thấp nhất trong vòng gần chục năm trở lại đây, hộ trồng dứa nào tìm được mối bán, khách cũng chỉ mua loại quả từ 0,5 đến 0,7 kg/quả trở lên, với giá từ 1,7 đến 2,5 nghìn đồng/kg. “Dù có bán được dứa, nhưng với giá rẻ như bèo thì cũng chỉ đủ tiền phân bón, không có công”- ông Thào Dìn nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương Phạm Bá Uyên, nguyên nhân dứa tồn đọng, không có người mua, là do các cơ sở chế biến trong nước thiếu tiền mua nguyên liệu, khó khăn về đầu ra. Các tư thương thu mua dứa Lào Cai chủ yếu để bán quả tươi cho người tiêu dùng, nhưng năm nay thời tiết rét lạnh kéo dài, nên người tiêu dùng không mặn mà với việc ăn dứa tươi. Để tìm đầu ra cho quả dứa Bản Lầu, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo ngành chức năng thực hiện trợ giá cước vận tải cho doanh nghiệp thu mua dứa, tổ chức đoàn công tác xúc tiến quảng bá quả dứa tại các tỉnh miền xuôi… Người trồng dứa ở Bản Lầu hy vọng sẽ tìm được đầu ra cho quả dứa ngọt, thơm đã giúp họ xóa đói, giảm nghèo từ nhiều năm nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()