LSO-Vụ trồng rừng 2012 chưa kết thúc nhưng tới thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng mới được 8.326ha, vượt 4,1% so với kế hoạch. Đây là kết quả đã được dự báo trước, bởi điều kiện cho vụ trồng rừng năm nay thuận lợi hơn rất nhiều so với năm 2011. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án hỗ trợ trồng rừng phát triển sản xuất đã nảy sinh. Trồng gừng dưới tán rừng non, mô hình nông lâm kết hợp ở xã Quang Lang, huyện Chi LăngVụ trồng rừng năm nay, huyện Hữu Lũng được phân bổ kế hoạch trồng 320 ha rừng hỗ trợ sản xuất từ nguồn ngân sách Trung ương. Để có thể triển khai dự án, theo chủ trương chung, Phòng NN&PTNT huyện đã nhanh chóng kiện toàn ban quản lý dự án. Điều thuận lợi của Hữu Lũng là Ban quản lý dự án có 5 người thì trong đó đã có 2 kỹ sư và 1 thạc sỹ chuyên ngành lâm nghiệp. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa Phòng NN&PTNT với Ban quản lý dự án trồng rừng 661...
LSO-Vụ trồng rừng 2012 chưa kết thúc nhưng tới thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng mới được 8.326ha, vượt 4,1% so với kế hoạch. Đây là kết quả đã được dự báo trước, bởi điều kiện cho vụ trồng rừng năm nay thuận lợi hơn rất nhiều so với năm 2011. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án hỗ trợ trồng rừng phát triển sản xuất đã nảy sinh.
Trồng gừng dưới tán rừng non, mô hình nông lâm kết hợp
ở xã Quang Lang, huyện Chi Lăng
Vụ trồng rừng năm nay, huyện Hữu Lũng được phân bổ kế hoạch trồng 320 ha rừng hỗ trợ sản xuất từ nguồn ngân sách Trung ương. Để có thể triển khai dự án, theo chủ trương chung, Phòng NN&PTNT huyện đã nhanh chóng kiện toàn ban quản lý dự án. Điều thuận lợi của Hữu Lũng là Ban quản lý dự án có 5 người thì trong đó đã có 2 kỹ sư và 1 thạc sỹ chuyên ngành lâm nghiệp. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa Phòng NN&PTNT với Ban quản lý dự án trồng rừng 661 trước kia vẫn rất chặt chẽ. Chính vì thế mà chỉ trong tháng 7/2012, chỉ tiêu trồng rừng hỗ trợ sản xuất đã hoàn thành. Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện phân tích: ngoài các yếu tố kể trên, Hữu Lũng còn điểm thuận lợi nữa là người dân rất hồ hởi đón nhận dự án. Ngay khi Ban quản lý triển khai, nhân dân các địa phương đã đăng ký thực hiện ngay. Với việc hoàn thành sớm kế hoạch trồng rừng hỗ trợ sản xuất, năm nay vụ trồng rừng ở Hữu Lũng tiếp tục giành được thắng lợi quan trọng.
Nhắc lại vụ trồng rừng năm 2011, nguồn ngân sách Trung ương chỉ đủ cho kế hoạch quản lý, bảo vệ, còn trồng rừng thì hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách địa phương và phong trào trồng cây nhân dân. Nhưng đến vụ trồng rừng năm nay, nguồn ngân sách Trung ương đã cấp 15 tỷ đồng, trong đó 13 tỷ đồng dành cho trồng rừng hỗ trợ sản xuất. Đây là thuận lợi cơ bản để Lạng Sơn tiếp tục phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 8.000ha rừng trong năm 2012. Thực tế tới tháng 9/2012, toàn tỉnh đã trồng mới 8.326ha, vượt 4,1% so với kế hoạch. Tuy về đích trước thời hạn, nhưng xét tổng thể, thì các chỉ tiêu thực hiện lại chưa đều. Trong khi trồng cây phân tán đạt hơn 5.000ha, vượt 68% so với kế hoạch, thì trồng rừng tập trung lại chỉ đạt hơn 3.200ha, chỉ đạt 65% kế hoạch. Ông Hoàng Mạnh Chức, Chi cục trưởng Chi cục phát triển lâm nghiệp phân tích: trồng rừng tập trung chưa đạt kế hoạch, phần lớn là do việc triển khai dự án trồng rừng hỗ trợ sản xuất còn chậm, không phải địa phương nào cũng triển khai thực hiện được như Hữu Lũng. Ngay khi được Trung ương phân bổ vốn cho dự án trồng rừng hỗ trợ sản xuất, tỉnh đã giao cho Phòng NN&PTNT các huyện làm Ban quản lý dự án. Trong điều kiện các Ban quản lý dự án trồng rừng 661 không còn và nguồn kinh phí cho quản lý hạn hẹp, thì hướng đi này là phù hợp. Nhưng thực tế hiện nay, ở hầu hết phòng NN&PTNT các huyện chỉ có 1-2 cán bộ phụ trách về lâm nghiệp. Chính vì vậy sẽ khó đảm nhiệm được nhiệm vụ của dự án. Theo bà Hà Thị Thủy, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, vừa làm công tác quản lý, vừa tiến hành triển khai dự án trồng rừng hỗ trợ sản xuất, mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng tới thời điểm này, huyện mới chỉ hoàn thành được hơn 80% kế hoạch trồng rừng hỗ trợ sản xuất, số còn lại phải điều chuyển sang các địa phương khác. Không chỉ riêng ở Chi Lăng, mà phần lớn các địa phương triển khai dự án trồng rừng hỗ trợ sản xuất đều trong tình trạng tương tự.
Với sự linh hoạt điều chuyển chỉ tiêu trồng rừng hỗ trợ sản xuất từ địa phương này sang địa phương khác, dự kiến từ nay đến cuối năm, dự án trồng rừng hỗ trợ sản xuất sẽ đạt kế hoạch. Tuy nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi lẽ hiện nay đã vào cuối vụ trồng rừng, việc điều chuyển sẽ gây bị động trong việc chuẩn bị con giống, hiện trường trồng rừng có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng rừng. Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển lâm nghiệp, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và của ngành, hiện nay đơn vị đang khẩn trương xây dựng đề án “thành lập Ban quản lý thực hiện kế hoạch phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 và chủ thể rừng phòng hộ”, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2013. Đây sẽ là bước ngoặt, tháo gỡ khó khăn lớn nhất trong việc triển khai trồng rừng của tỉnh hiện nay, kết hợp với việc tiếp tục phát huy công tác xã hội hóa trồng rừng, Lạng Sơn hoàn toàn có cơ sở vững chắc để hoàn thành kế hoạch trồng rừng trong cả nhiệm kỳ 2011-2015.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()