Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân xây dựng cơ bản
LSO-Đến cuối tháng 10/2016, tổng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.888 tỷ đồng. Các chủ đầu tư đã giải ngân qua hệ thống kho bạc được 2.018 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 giải ngân đạt 62% kế hoạch). Tiến độ giải ngân đạt khá bởi trong năm 2016, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được các ngành chức năng của tỉnh triển khai đồng bộ.
Thi công lớp cấp phối đá dăm tại dự án đường tránh thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập |
Năm 2016, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được giao kế hoạch vốn hơn 122 tỷ đồng bố trí cho 11 dự án gồm: 1 dự án khởi công mới, 7 dự án chuyển tiếp và 3 dự án thanh toán khối lượng hoàn thành. Đến đầu tháng 10/2016, Ban đã thực hiện giải ngân được 90 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch vốn. Trong đó, riêng công trình đường giao thông khu công nghiệp Đồng Bành giai đoạn 2 là công trình khởi công mới được ghi kế hoạch vốn năm 2016 là 10 tỷ đồng, đến nay chủ đầu tư đã giải ngân đạt 65% kế hoạch vốn.
Tại huyện Bình Gia, việc triển khai các dự án cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư do huyện quản lý được huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt. Năm 2016, huyện được phân bổ hơn 92 tỷ đồng, đến đầu tháng 10/2016, công tác giải ngân các chương trình dự án trên địa bàn đạt 65% kế hoạch, riêng nguồn vốn theo Nghị quyết 54 của HĐND tỉnh, huyện đã giải ngân đạt 71% kế hoạch.
Theo bà Chu Thị Mỹ Nghệ, Phó Trưởng phòng kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước tỉnh: Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước đã có chuyển biến tích cực, khối lượng tăng so với cùng kỳ, bởi các quy định về giải ngân được ban hành kịp thời đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho các chủ đầu tư và nhà thầu thi công, như: Nghị quyết 60 ngày 8/7/2016 của Chính phủ về giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Theo đó, các sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung kiểm tra, giám sát, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2016 của các dự án chậm tiến độ giải ngân sang các dự án khác… Ngoài ra, hồ sơ thanh quyết toán các công trình được giảm bớt và được giải quyết theo đúng thời gian quy định. Đối với nhiều dự án, Kho bạc nhà nước còn thực hiện trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư trao đổi về những phát sinh, vướng mắc từ cơ sở.
Các cơ chế chính sách được ban hành đồng bộ rõ ràng hơn đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Thể hiện rõ nhất là khối lượng giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản tăng khá so với cùng kỳ. Đến cuối tháng 10/2016, các chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân qua hệ thống kho bạc nhà nước tỉnh, huyện được hơn 2.018 tỷ đồng đạt gần 70% kế hoạch vốn. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương quản lý được hơn 1.402 tỷ đồng đạt 73% kế hoạch vốn; chương trình mục tiêu đạt 65% kế hoạch và trái phiếu Chính phủ đạt 59% kế hoạch.
Theo đánh giá của một số chủ đầu tư, do chế tài xử lý khi để dự án thực hiện giải ngân chậm hoặc không thể giải ngân nguồn vốn hiện hành của Chính phủ ban hành rất chặt chẽ, chẳng hạn: theo quy định mới nhất, đối với các dự án đến 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, kiên quyết không bố trí kế hoạch vốn cho dự án đó trong năm 2017. Do vậy, không còn cách nào khác các chủ thể tham gia thực hiện dự án phải tự gồng mình để thực hiện đạt hoặc vượt kế hoạch giao và không để mất vốn kế hoạch năm sau.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()