Tháo gỡ khó khăn trong dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hà Nội
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã tổ chức 901 lớp dạy nghề cho 31.130 lao động nông thôn, đạt gần 80% kế hoạch năm. Con số này được các nhà quản lý đánh giá là kết quả cao vượt bậc so với những khó khăn thách thức đặt ra từ nhiều năm trước.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã tổ chức 901 lớp dạy nghề cho 31.130 lao động nông thôn, đạt gần 80% kế hoạch năm. Con số này được các nhà quản lý đánh giá là kết quả cao vượt bậc so với những khó khăn thách thức đặt ra từ nhiều năm trước.
Để đạt kết quả này, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phải tự “xoay xở” để tìm mọi cách thu hút đông số lao động nông thôn tự nguyện tham gia học nghề.
* Thích làm thầy hơn thợ
Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Đức, lâu nay việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hà Nội thường không đạt chỉ tiêu đề ra là do tư tưởng coi trọng bằng cấp của người dân, thích làm thầy hơn làm thợ, chỉ muốn con em mình đi học đại học mà không muốn đi học làm công nhân. Mặt khác, tâm lý chung của người dân là đi học nghề nông nghiệp tốn thời gian, sợ đi học phải nghỉ làm việc, ảnh hưởng đến thu nhập đang có. Thậm chí, có người còn cho rằng không cần thiết phải học nghề cũng có thể làm việc được thông qua học hỏi kinh nghiệm, rằng học nghề ra cũng chẳng biết có kiếm nổi việc làm hay không …
Dạy nghề may gia công cho lao động nông thôn tại xã Phú Nam An, |
Thêm vào đó, Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” mặc dù đã có hiệu lực gần 4 năm, nhưng nhiều lao động khu vực nông thôn ở Hà Nội vẫn chưa biết đến. Tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều đã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, song không phải ai cũng nắm rõ về chương trình này. Không xa trung tâm Thủ đô là mấy, nhưng chị Vương Thị Hường (ở thôn Nội, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lại khá “lơ mơ” về khái niệm học nghề. Khi được hỏi, chị Hường nói không biết và cũng không có nhu cầu học nghề vì chị chỉ quen làm ruộng. Chị bảo không muốn học thêm nghề cũng như bỏ làm ruộng chuyển sang làm nghề khác. Trong khi trước đó, huyện Phú Xuyên cũng vừa mới mở lớp học về cấy lúa chất lượng cao và về lúa SRI ba tăng ba giảm, phục vụ ngay chính công việc làm ruộng của nông dân.
Ở cùng thôn với chị Hường, bà Lương Thị Bốn có nhà ngay gần trụ sở UBND xã Văn Hoàng, nhưng các thông tin về các lớp học nghề thì bà gần như không nắm được. Bà Bốn cho biết, gia đình bà có một cháu năm nay 17 tuổi, sắp học xong THPT, nhưng gia đình cũng không biết xã có mở các lớp nghề để định hướng cho cháu đi học. Bà bày tỏ, sắp tới cháu tốt nghiệp phổ thông, nếu xã thông báo có lớp học nghề cũng sẽ cho cháu đi học để kiếm lấy một cái nghề nuôi sống bản thân.
* Trong cái khó, ló cái khôn
Nhằm tháo gỡ tâm lý ngại học nghề của người dân, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương tuyên truyền rộng rãi nội dung đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho người dân tham gia các lớp học nghề. Sở đã tiến hành in tờ rơi tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án phát tới người dân, tư vấn nội dung các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trên hệ thống thông tin truyền thông của địa phương. Đồng thời, tùy theo đặc thù của từng địa phương, Sở khuyến khích các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, thị xã chủ động áp dụng sáng tạo đề án theo hướng phù hợp với nhu cầu của người dân từng nơi. Trong số các huyện, thị xã trên địa bàn, huyện Gia Lâm được đánh giá là một địa phương làm tốt việc thực hiện sáng tạo đề án này. Ông Đào Ngọc Hiền – Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Gia Lâm cho biết: Qua nghiên cứu thấy tâm lý người dân ngại đi học vì sợ mất thời gian, huyện Gia Lâm đã chủ động mở các lớp học nghề vào buổi tối, ngày nghỉ để khuyến khích người dân theo học. Mặt khác, huyện cũng chủ động tìm hiểu, nắm bắt nguyện vọng học nghề của người dân, từ đó mở các lớp học nghề cho phù hợp với yêu cầu. Trong đó, các nghề học nấu ăn, điện dân dụng, chăm sóc cây cảnh, trồng lúa… được người dân thích theo học bởi rất thiết thực với công việc của họ. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, huyện Gia Lâm đã mở được 41 lớp học nghề cho trên 1.300 lao động nông thôn, vượt kế hoạch năm đề ra. Trong khi năm ngoái, cả huyện mới chỉ đào tạo được 900 lao động nông thôn, đạt 70% kế hoạch năm.
Tương tự như huyện Gia Lâm, nhiều địa phương cũng đã tự chủ động, vận dụng tối đa các quy định của Nhà nước và thành phố nhằm tìm ra “con đường riêng” để khuyến khích, thu hút người nông dân tham gia học nghề. Huyện Hoài Đức chú trọng dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn theo phương châm “dạy nghề dân cần, giúp dân sống được bằng nghề”. Huyện Ba Vì tổ chức “ngày hội dạy nghề” tư vấn cho hàng nghìn người tham gia, góp phần tác động sâu sắc đến nhận thức người dân về học nghề. Quận Hà Đông hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề lái xe ô tô cho 1.000 lao động . Ngoài ra, Trung tâm giới thiệu việc làm quận còn liên tục tổ chức tư vấn, phân công cán bộ về giám sát các lớp đào tạo và theo dõi, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân ở từng phường. Kết thúc các khóa học nghề, Trung tâm tiếp tục tư vấn, giới thiệu nghề mới, việc mới cho những người chưa tìm được việc làm phù hợp…
Với cách làm mới, thiết thực, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hà Nội đang được tiến hành từng bước hiệu quả, giúp người lao động nông thôn tìm được công việc ổn định, tăng thu nhập, cải thiện mức sống. Mục tiêu đến năm 2015, sẽ có 215.000 lao động nông thôn trên địa bàn Hà Nội được đào tạo nghề, trong đó có 205.000 người được đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, 10.000 lao động nông thôn được đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng nghề…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()