Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư lưới truyền tải điện ở Hà Nội
Công nhân EVN Hà Nội nâng cấp thiết bị trạm biến áp 110kV Thượng Đình (Hà Nội). Ảnh: HOA VIỆT CƯỜNG Năm 2012, dự kiến, sản lượng tiêu thụ điện của Thủ đô Hà Nội là 10,6 tỷ kW giờ, tăng 11,5% so năm 2011. Nguồn cấp từ lưới điện quốc gia không thiếu, tuy nhiên, lưới truyền tải điện cho Hà Nội chưa phát triển tương xứng để đón bắt nhu cầu tăng trưởng phụ tải, nhất là vào những lúc cao điểm nắng nóng. Nguyên nhân, chủ yếu do vướng từ khâu quy hoạch, bố trí địa điểm cũng như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ nay đến tháng 5 tới, công suất các TBA 220kV cần bổ sung khoảng 400 MVA hoặc cần có giải pháp hỗ trợ cấp điện từ tỉnh lân cận. Theo tính toán, để bảo đảm cấp điện cho Hà Nội năm 2012, các công trình đường dây (ĐD) 220kV Vân Trì-Sóc Sơn phải hoàn thành trong tháng 5 để đưa vào vận hành TBA 220 kV Vân Trì; ĐD 220kV Vân Trì-Chèm hoàn thành trong quý IV; ĐD 220kV Hà Đông-Thành...
Công nhân EVN Hà Nội nâng cấp thiết bị trạm biến áp 110kV Thượng Đình (Hà Nội). Ảnh: HOA VIỆT CƯỜNG |
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ nay đến tháng 5 tới, công suất các TBA 220kV cần bổ sung khoảng 400 MVA hoặc cần có giải pháp hỗ trợ cấp điện từ tỉnh lân cận. Theo tính toán, để bảo đảm cấp điện cho Hà Nội năm 2012, các công trình đường dây (ĐD) 220kV Vân Trì-Sóc Sơn phải hoàn thành trong tháng 5 để đưa vào vận hành TBA 220 kV Vân Trì; ĐD 220kV Vân Trì-Chèm hoàn thành trong quý IV; ĐD 220kV Hà Đông-Thành Công và TBA 220kV Thành Công phải hoàn thành trong tháng 12. Trường hợp TBA 220kV Vân Trì không vào vận hành, công suất cấp điện cho Hà Nội có khả năng thiếu hụt khoảng 10 đến 12%. Nếu phụ tải tăng cao hơn thì mức thiếu hụt sẽ cao hơn. Tổng công suất các TBA 220kV trên địa bàn Hà Nội tối thiểu phải đạt 5.000 MVA.
Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều công trình TBA và ĐD 220kV và 110kV cho Hà Nội bị chậm tiến độ, hoặc chưa thể xây dựng được. Trong các năm 2010 và 2011, đối với các công trình trọng điểm cấp điện cho Hà Nội, mặc dù EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) và Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã nỗ lực, song chủ yếu các công trình được hoàn thành là các dự án cải tạo, nâng công suất các TBA hiện có. Đối với các công trình xây mới, chỉ hoàn thành 1 trong số 6 TBA 220kV và 4 trong số 11 TBA 110kV. TBA 220kV Vân Trì và TBA 110kV Trôi chưa thể đưa vào vận hành do chưa hoàn thành các ĐD 220-110kV đấu nối. Đối với ĐD, chỉ hoàn thành 2 trong số 12 công trình ĐD 110kV (đều là nhánh rẽ ngắn), chưa hoàn thành đóng điện được công trình ĐD 220kV nào.
Trong số các công trình trọng điểm lưới điện Hà Nội, ĐD 220kV Vân Trì-Sóc Sơn chưa giao đủ mặt bằng cho nhà thầu thi công. ĐD 220kV Chèm-Tây Hồ còn chậm tiến độ do UBND thành phố Hà Nội giao công ty Indeco thi công làm tuy-nen hạ ngầm cáp điện 110kV. Indeco đã lập dự án nhưng do vướng khâu quy hoạch, chưa có phương án đi theo tuyến đường nào cho nên đến nay, Indeco vẫn chưa thi công hạ ngầm cáp được. EVNHANOI đang kiến nghị đưa ra phương án trong trường hợp không kịp tiến độ, sẽ cải tạo ĐD 110kV hiện có thành ĐD 220kV để kết nối với TBA này. Đối với TBA 220kV Tây Hồ (An Dương) do EVNHANOI đầu tư, có diện tích xây dựng dự kiến hơn 4.300 m2 vẫn chưa có mặt bằng do Hội đồng đền bù-giải phóng mặt bằng quận Tây Hồ đang họp bàn để đưa ra phương án đền bù, trong khi người dân trong vùng dự án chưa chấp thuận giá đền bù. Vì thế mặc dù, vật tư thiết bị đã được nhập về nhưng vẫn phải lưu kho.
Hơn nữa, do có sự không thống nhất giữa Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 có tính đến năm 2020 đã được Bộ Công thương phê duyệt và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHC) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác thỏa thuận vị trí các TBA 110 kV xây dựng mới và hướng tuyến đường dây cấp nguồn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Gần đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp giao ban tiến độ xây dựng các công trình điện cấp bách, Sở Công thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị ngành điện liên quan rà soát lập danh mục các nội dung để xem xét sự chưa đồng nhất giữa phần Quy hoạch cấp điện (QHĐ) chung của QHC và các quy hoạch chuyên ngành điện (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội). Từ kết quả rà soát, các bên đã thống nhất sẽ điều chỉnh quy hoạch các công trình lưới điện phù hợp QHĐ và QHC, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng ngay từ khâu quy hoạch.
Năm nay, EVNHANOI dự kiến đầu tư xây dựng hệ thống TBA và ĐD với tổng giá trị 1.700 tỷ đồng, trong đó phấn đấu đưa vào vận hành bốn TBA 110kV và nâng công suất 8 TBA 110kV. Cũng trong năm 2012, EVNHANOI tiếp tục thực hiện thay hơn 50 km dây siêu nhiệt để tăng khả năng mang tải của ĐD mà không cần phải đầu tư xây mới thêm vị trí cột. Để chống tình trạng quá tải trong dịp hè 2012, Tổng Công ty đã chỉ đạo các công ty điện lực rà soát lại các TBA trung thế, trạm nào có nguy cơ đầy tải thì phải thực hiện nâng công suất lên ngay trong năm 2012, dự kiến EVNHANOI sẽ ký với Ngân hàng Thế giới (WB) khoản vay 66 triệu USD, là nguồn lực rất quan trọng để đầu tư vào xây dựng mới hệ thống lưới truyền tải điện. Phó Tổng giám đốc EVNHANOI Bùi Duy Dụng đánh giá: Hiện đang là mùa thấp điểm tiêu thụ điện nhưng các TBA và ĐD truyền tải điện cho Hà Nội cũng vận hành từ 70 đến 80% công suất. Đến mùa cao điểm nắng nóng này thì nhiều công trình sẽ phải vận hành ở mức gần đầy tải, thậm chí là quá tải. Trong khi đó, nguồn cung điện cho Hà Nội luôn được EVN ưu tiên nhất. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện cho Hà Nội đang trở nên cấp bách nhưng lại gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất, vẫn là khâu đền bù, GPMB. Thành phố Hà Nội thời gian qua đã tích cực vào cuộc, cùng với ngành điện thúc đẩy tiến độ các công trình lưới điện. Tuy nhiên, sự cố gắng này cũng chưa đồng đều. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt thì sẽ giải quyết nhanh khâu mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án như trường hợp TBA 110kV Quang Minh và nhánh rẽ.
Từ thực tế quá trình này, EVNHANOI nhận thấy, vướng mắc chủ yếu do người dân chưa đồng tình về giá đền bù do Nhà nước quy định. Nhiều trường hợp, trên một mảnh đất của người dân, vị trí cột điện chỉ lấy khoảng 50 hay 100 m2, nhưng lại án ngữ giữa miếng đất đó, dẫn đến người dân tuy không bị lấy hết đất nhưng phần đất còn lại cũng “méo mó”, từ đó nhiều hộ tìm cách “chây ỳ”. Đối với những trường hợp này, nhất là những vị trí cột chiếm gần hết một mảnh đất của người dân thì EVNHANOI cho rằng các cơ quan liên quan cần linh hoạt, tính toán để thanh toán nốt phần diện tích còn lại để người dân đỡ thiệt, từ đó mới khuyến khích những người khác chấp hành chủ trương của Nhà nước. Đối với các tuyến đường dây, phần lớn là những vị trí cột chiếm ít diện tích đất, lại đi qua địa bàn nhiều quận, huyện, để đẩy nhanh tiến độ, EVNHANOI cũng mong muốn TP Hà Nội tạo điều kiện, có cơ chế chính sách để đơn vị được làm việc trực tiếp với các cấp địa phương, nhằm đẩy nhanh tiến độ thủ tục đền bù, GPMB.
Theo Nhandan
Ý kiến ()