Tháo gỡ khó khăn trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật
Những năm qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật được tỉnh Kon Tum quan tâm, hỗ trợ.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 1961/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013 – 2020. Ngoài ra, tỉnh ban hành các công văn về việc chỉ đạo công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh với một số nghề cơ bản như đan lát, dệt thổ cẩm, làm chổi, đan lưới…, qua đó góp phần định hướng nghề nghiệp, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách còn bất cập dẫn đến việc tổ chức thực hiện dạy nghề cho người khuyết tật trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến người khuyết tật chưa được thụ hưởng nhiều về chính sách dạy nghề, trong khi nhu cầu việc làm để ổn định cuộc sống của họ ngày càng cao.
Cụ thể, công tác dạy nghề cho người khuyết tật gặp khó khăn do phải đáp ứng các yêu cầu như: Đảm bảo tối thiểu 25 học viên trở lên, phải có giáo án, giáo trình, trình độ của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu… mới mở được lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Thực tế cho thấy, việc truyền nghề, dạy nghề nhỏ lẻ phù hợp với người khuyết tật hơn là các lớp tập trung bởi người khuyết tật đi lại khó khăn, đường xá, nơi ăn, ở không thuận tiện.
Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: Để hỗ trợ người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, ngoài chính sách chung của Nhà nước, sự chung tay từ cộng đồng, việc tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người khuyết tật rất quan trọng. Tại Kon Tum, trong khi các ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, mây tre đan xuất khẩu… đang dần bị mai một do những người khỏe mạnh muốn tìm công việc khác có thu nhập cao hơn thì đối với người khuyết tật đây lại là những ngành nghề tương đối phù hợp. Vì vậy, Sở sẽ tập trung dạy nghề thủ công truyền thống, giúp người khuyết tật có thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong đó, Sở dành khoảng 20% kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn toàn tỉnh hàng năm để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, hướng đến mục tiêu 10% số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người khuyết tật.
Cũng theo ông Thuận, Sở sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động “Ngày hội việc làm”, “Sàn giao dịch việc làm” lồng ghép cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng, năng lực của bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên, tham gia bình đẳng vào hoạt động kinh tế – xã hội; đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội cùng tham gia giúp đỡ để người khuyết tật có thêm động lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống…
Toàn tỉnh Kon Tum có hơn 5.300 người khuyết tật ở cả 3 mức độ đặc biệt nặng, nặng và nhẹ, trong đó nữ chiếm trên 44% đang được hưởng chính sách xã hội./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()