Thứ 5, 28/11/2024 16:55 [(GMT +7)]
Tháo gỡ khó khăn phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở Quảng Trị
Thứ 2, 11/05/2015 | 08:06:00 [(GMT +7)] A A
Khu Kinh tế-Thương mại (KT-TM) đặc biệt Lao Bảo, thuộc địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) có diện tích đất tự nhiên là 15.804 ha, gồm hai thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo và năm xã: Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Tân Long và Tân Thành, phân bố dọc theo Quốc lộ 9, với chiều dài 25 km. Trước đây, với địa hình đồi núi lau lách nên Khu KT - TM đặc biệt Lao Bảo được xếp vào khu vực điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được Chính phủ ưu tiên dành cho khu vực các chính sách ưu đãi và cơ chế quản lý đặc thù.
Khu đô thị sôi động phía tây
Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo giờ đã đổi thay, những triền đồi, bờ bụi, lau lách năm xưa không còn nữa mà thay bằng một trung tâm thương mại; nhà máy, xí nghiệp, công sở mọc lên san sát. Bộ mặt huyện miền núi Hướng Hóa đã có những đổi thay đáng kể, mang dáng dấp là khu đô thị sôi động phía tây của tỉnh Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết: Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo là một mô hình khu kinh tế rất mới được Chính phủ cho phép triển khai xây dựng và hoạt động theo một Quy chế riêng, với những chính sách ưu đãi đặc biệt lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Sau hơn 16 năm xây dựng và phát triển, đến nay với hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thành, Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh, với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu của doanh nghiệp tại Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo đã có mặt ở hầu khắp thị trường nội địa Việt Nam và xuất khẩu đến một số nước trên thế giới.
Đến nay, tại Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo có hơn 425 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với 63 dự án đăng ký đầu tư, tổng số vốn đăng ký hơn 4.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, đóng góp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó còn có gần 3.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động kinh doanh, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) năm 2005 là 208 tỷ đồng, đến nay đạt hơn 1.700 tỷ đồng, chiếm gần 40% GTSXCN toàn tỉnh.
Quá trình vận hành Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo trong 16 năm qua đã tạo ra đòn bẩy giúp tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa. Điều quan trọng là tạo cơ hội việc làm, thay bằng việc cho con em tham gia gùi cõng hàng hóa trái phép, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu để kiếm kế sinh nhai như trước đây, nay người dân trong khu vực đã có ý thức động viên con em mình chăm chỉ học tập, mạnh dạn rời bỏ những thành phố lớn sau khi tốt nghiệp để trở về tìm cơ hội việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp ngay tại quê nhà. Cùng với việc giải quyết việc làm, hoạt động của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng miễn thuế, việc đầu tư nâng cấp các chợ biên giới đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ, chiếm hơn 65% tổng giá trị sản xuất các ngành, thúc đẩy quá trình kinh doanh theo hướng văn minh thương mại, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên.
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh cho biết: Khi mới hình thành tại Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo chưa có một cơ sở sản xuất công nghiệp nào, giá trị sản xuất không đáng kể. Sau hơn 16 năm thu hút đầu tư, một số nhà máy, xí nghiệp đã được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động cho sản phẩm như: nước uống tăng lực; săm lốp xe đạp, xe máy; chế biến nông sản xuất khẩu; sản xuất tấm lợp, vật liệu xây dựng; may mặc xuất khẩu…Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp còn hạn chế về quy mô, song đây là bước phát triển rất đáng khích lệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại huyện miền núi có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo, Đảng bộ và nhân dân huyện Hướng Hóa, các hộ kinh doanh phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, chung sức chung lòng, năng động sáng tạo thực hiện các nhóm giải pháp kêu gọi đầu tư. Có sự lựa chọn khu vực và danh mục đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các khu quy hoạch sản xuất kinh doanh tập trung, nhất là cụm cửa khẩu. Cùng với vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn khác (ODA, FDI), quan tâm tạo lập vốn ngân sách địa phương từ vốn đấu giá quyền sử dụng đất, thu phí, lệ phí…
Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, b ên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được,quá trình vận hành Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo gặp không ít những khó khăn, bất cập như: Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo nằm ở địa bàn miền núi, xa trung tâm tỉnh lỵ, sân bay, hải cảng nên trở ngại khó khăn về đi lại, vận chuyển cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mặc dù đã được quan tâm nhưng do thiếu vốn nên hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống dịch vụ tương hỗ (trong đó có dịch vụ hậu cần logistic) và nguồn nhân lực (đặc biệt là nhân lực đã qua đào tạo) còn thiếu, chưa đáp ứng và theo kịp nhu cầu của nhà đầu tư.
Mô hình tổ chức quản lý và cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo còn những tồn tại, vướng mắc. Qua 16 năm hoạt động đã có ba lần bổ sung, sửa đổi mô hình tổ chức quản lý (theo Quy chế 219, Quy chế 11, Quyết định số 72/2013/QĐ – TTg và Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ), kéo theo việc các bộ, ngành phải ban hành văn bản hướng dẫn bổ sung gây khó khăn cho công tác quản lý của tỉnh, các doanh nghiệp; nhà đầu tư phải thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, khi ban hành văn bản hướng dẫn, một số bộ, ngành đã “quên” không tính đến quy chế có tính đặc thù cao của khu vực nên một số chính sách của khu vực bị hạn chế mức ưu đãi làm cho lãnh đạo tỉnh, các ngành và Ban quản lý Khu kinh tế phải mất rất nhiều thời gian đi làm việc với Trung ương để tháo gỡ…
Các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo mong muốn, các cơ quan chức năng tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động tại Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Rà soát nội dung, vận dụng các chính sách ưu đãi dành cho Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo, nhất là các chính sách, thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trong đó, chú ý giải quyết những vướng mắc về thủ tục hải quan, kiểm định chất lượng, đăng ký lưu hành hàng hoá nhập khẩu…
Định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu
Từ thực trạng và kết quả đạt được cho thấy, việc xây dựng và phát triển Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo là đúng định hướng của Bộ Chính trị và Chính phủ, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, tăng cường khả năng hội nhập phát triển của địa phương và khu vực. Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo có vị thế chiến lược trên EWEC nên cần được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục quảng bá vận động các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh để Khu KT – TM đặc biệt Lao Bảo trở thành khu vực kinh tế phát triển, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó tỉnh sẽ mở ra các cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, phát huy tối đa các nguồn lực bên trong và khai thác các nguồn lực bên ngoài, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các tiềm năng và thế mạnh trong khu vực.
Ngày 28-5-2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 813/ QĐ-TTg về việc nâng cấp cửa khẩu quốc gia La Lay thành cửa khẩu quốc tế La Lay có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Trị, là điều kiện, cơ sở để thu hút nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, địa phương và các nhà đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại- dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực miền núi phía tây Quảng Trị. Việc đầu tư nâng cấp cửa khẩu quốc tế La Lay cùng với phía bạn Lào phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông là điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch giữa tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh thuộc nước bạn Lào, Thái Lan, Cam Pu Chia ngày càng phát triển; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Quảng Trị xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa đi qua các tỉnh nói trên thuận lợi hơn.
Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị đề nghị, tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương nghiên cứu, đề xuất về mô hình ban quản lý cửa khẩu phù hợp, đủ điều kiện để chỉ đạo, điều hành hoạt động cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cửa khẩu quốc tế La Lay theo hướng tập trung, thống nhất, đảm bảo khai thác tối đa lợi thế biên mậu, xúc tiến đầu tư, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch phát triển đô thị và các vấn đề liên quan khác. Để tạo điều kiện cho khu kinh tế cửa khẩu phát triển bền vững, lâu dài, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thống nhất, ổn định và có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh mọi hoạt động phát sinh, tránh tình trạng chồng chéo vướng mắc như thời gian qua. Theo đó, cần có sự rà soát, đối chiếu một cách toàn diện cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động khu kinh tế cửa khẩu để có đề án trình Bộ Chính trị, Chính phủ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cho Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo theo hướng theo các hướng sau: Xây dựng cơ chế liên Chính phủ Việt Nam – Lào tạo cơ sở pháp luật thông thoáng và tạo sự tương tác để thúc đẩy sự phát triển của Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo và Khu kinh tế đặc biệt Đen Sa Vẳn (Lào) đúng theo tinh thần, chủ trương của hai Bộ Chính trị và cam kết của hai Chính phủ Việt Nam – Lào đã ký kết. Nghiên cứu, xây dựng mô hình “Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt” đề xuất Bộ Chính trị, Chính phủ cho phép áp dụng cho Khu Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo như mô hình Khu Thẩm Quyến (Trung Quốc) hoạt động rất hiệu quả và hiện đang được vận dụng hình thành tại Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang). Nghiên cứu xây dựng “Luật Khu kinh tế” hoặc “Luật Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt” áp dụng cho Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo để có điều kiện phát triển bền vững trong tương lai…
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết: Để khu kinh tế cửa khẩu phát triển, trong thời gian tới tỉnh huy động nguồn lực hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính. Bên cạnh việc thu hút đầu tư phát triển, tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương; đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục…Chú trọng nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đảm bảo an ninh – quốc phòng trong khu vực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo Nhandan.org.vn
Theo Nhandan.org.vn
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()