Từ tháng 6-2011 đến nay, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá cá tra liên tục rớt, khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn. Hiện cá tra có trọng lượng từ 650g đến 850g/con được thương lái thu mua với giá từ 21 nghìn đồng đến 23 nghìn đồng/kg, giảm từ năm nghìn đồng đến bảy nghìn đồng/kg so cuối tháng 4-2011. Với giá này, hàng loạt hộ nuôi cá tra lỗ nặng.Không chỉ thế, người nuôi còn khốn đốn vì cá tồn đọng. Theo khảo sát, ở ĐBSCL, lượng cá tra còn tồn lên tới hơn 30 nghìn tấn. Đây là gánh nặng lớn cho người nuôi, bởi chi phí thức ăn cho cá rất tốn, trong khi cá càng lớn giá bán càng rẻ, thậm chí thương lái cũng như nhà máy từ chối không mua cá tra nặng hơn một kg. Đó là chưa kể giá thức ăn hiện đã tăng từ 30 đến 40% so cùng kỳ năm 2010. Trong quý I- 2011, giá thành sản xuất mỗi kg cá nguyên liệu từ 16.500 đến 20 nghìn đồng/kg, đến quý II tăng lên từ 18 nghìn đồng đến 24 nghìn đồng/kg, người nuôi...
Từ tháng 6-2011 đến nay, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá cá tra liên tục rớt, khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn. Hiện cá tra có trọng lượng từ 650g đến 850g/con được thương lái thu mua với giá từ 21 nghìn đồng đến 23 nghìn đồng/kg, giảm từ năm nghìn đồng đến bảy nghìn đồng/kg so cuối tháng 4-2011. Với giá này, hàng loạt hộ nuôi cá tra lỗ nặng.
Không chỉ thế, người nuôi còn khốn đốn vì cá tồn đọng. Theo khảo sát, ở ĐBSCL, lượng cá tra còn tồn lên tới hơn 30 nghìn tấn. Đây là gánh nặng lớn cho người nuôi, bởi chi phí thức ăn cho cá rất tốn, trong khi cá càng lớn giá bán càng rẻ, thậm chí thương lái cũng như nhà máy từ chối không mua cá tra nặng hơn một kg. Đó là chưa kể giá thức ăn hiện đã tăng từ 30 đến 40% so cùng kỳ năm 2010. Trong quý I- 2011, giá thành sản xuất mỗi kg cá nguyên liệu từ 16.500 đến 20 nghìn đồng/kg, đến quý II tăng lên từ 18 nghìn đồng đến 24 nghìn đồng/kg, người nuôi lỗ hai nghìn đồng đến ba nghìn đồng/kg.
Trước tình hình này, nhiều hộ thu hoạch xong đã không tiếp tục thả nuôi do thiếu vốn và lo ngại thua lỗ. Về nguyên nhân rớt giá và tồn đọng cá, các doanh nghiệp chế biến thủy sản lý giải, do thị trường châu Âu đang vào giai đoạn nghỉ hè, vì vậy các nhà nhập khẩu giảm mạnh lượng hàng nhập, từ đó số lượng xuất khẩu giảm theo và giá cũng giảm nhẹ. Từ tháng 9, tháng 10 trở đi, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới mới tăng trở lại.
Tìm cách tăng giá cá tra là một yêu cầu đặt ra tại thời điểm này. Thực tế, vào cuối tháng 6, Ủy ban Cá nước ngọt thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã họp với 25 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam và cam kết từ đầu tháng 7-2011, sẽ nâng giá mua cá tra nguyên liệu lên 26 nghìn đồng/kg (cá loại 0,8 kg/con). Đồng thời, cố gắng mua hết lượng cá quá lứa (cá từ 1 kg/con trở lên) nhằm chia sẻ khó khăn với người nuôi cá ở ĐBSCL. Tuy nhiên, cam kết đã không được thực hiện. Đến cuối tháng 7, giá cá tra vẫn rớt trầm trọng.
Cá tra được coi là sản phẩm chiến lược trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Trong tình cảnh hiện nay, nếu “bỏ rơi” người nuôi và để tái diễn tình trạng “treo ao” thì không chỉ người nông dân thiệt thòi, mà ngành xuất khẩu thủy sản nước nhà cũng đứng trước những thách thức nghiêm trọng cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, có cần các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ cá tra. Theo đó, trong sáu tháng cuối năm 2011, các tỉnh ĐBSCL phải tháo gỡ khó khăn về vốn giúp người nuôi tiếp tục đầu tư vụ mới. Duy trì thị trường đã có, mở rộng thị trường mới và hình thức xuất khẩu tại Đông Âu, các nước SNG, ven Địa Trung Hải. Xây dựng các mô hình thí điểm thực hiện quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (Viêt GAP) đối với cá tra. Áp dụng các quy trình tiên tiến như Global GAP, SQF, HACCP trong nuôi và chế biến. Bên cạnh đó, các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra doanh nghiệp và người nuôi ký hợp đồng theo Quyết định 80 của Chính phủ và xử lý nghiêm, bảo đảm đầu ra cho người nuôi cá tra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()