Tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường
Nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chăm sóc mía. Trước áp lực giá đường trong nước đang "tụt dốc" đã kéo theo giá mía giảm, các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp khó, phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có nhà máy phải ngừng hoạt động... Hàng nghìn nông dân đã bao năm gắn bó với cây mía, nay bắt đầu chuyển sang trồng lúa và một số cây trồng khác.Nông dân thua lỗ Về xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang trong những ngày này điều dễ bắt gặp là nhiều rẫy mía của bà con đang bị trổ cờ, khô héo. Còn những rẫy mía vừa thu hoạch xong, bà con đốt lá mía, rồi đưa xe cuốc đến để ban liếp xuống trồng lại lúa. Niên vụ mía 2012-2013, gia đình ông Trương Văn Việt ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn trồng gần hai ha mía, đến khi thu hoạch không có thương lái mua, gia đình phải thuê ghe chở ra tận nhà máy để bán, nhưng cũng chỉ được gần 800 đồng/kg, do chữ đường thấp. Với giá này, mỗi ha mía gia...
Nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chăm sóc mía. |
Trước áp lực giá đường trong nước đang “tụt dốc” đã kéo theo giá mía giảm, các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp khó, phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có nhà máy phải ngừng hoạt động… Hàng nghìn nông dân đã bao năm gắn bó với cây mía, nay bắt đầu chuyển sang trồng lúa và một số cây trồng khác.
Nông dân thua lỗ
Về xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang trong những ngày này điều dễ bắt gặp là nhiều rẫy mía của bà con đang bị trổ cờ, khô héo. Còn những rẫy mía vừa thu hoạch xong, bà con đốt lá mía, rồi đưa xe cuốc đến để ban liếp xuống trồng lại lúa. Niên vụ mía 2012-2013, gia đình ông Trương Văn Việt ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn trồng gần hai ha mía, đến khi thu hoạch không có thương lái mua, gia đình phải thuê ghe chở ra tận nhà máy để bán, nhưng cũng chỉ được gần 800 đồng/kg, do chữ đường thấp. Với giá này, mỗi ha mía gia đình ông lỗ khoảng 30 triệu đồng. Anh Nguyễn Minh Trung, ở ấp 7 cho biết: Nếu như vụ mía năm vừa qua, năng suất đạt hơn 70 tấn/ha, giá bán ở mức 800 đồng/kg thì cũng có lãi. Nhưng năm nay năng suất, giá đều giảm, cho nên mỗi ha lỗ hơn 30 triệu đồng. Điều đáng buồn là Công ty mía đường Cồn Long Mỹ Phát đứng ra bao tiêu cho bà con, nhưng đến khi thu hoạch, chỉ thu mua cho bà con một phần nhỏ, sau đó ngừng hoạt động.
Toàn xã có hơn 250 ha mía, đến thời điểm này đã có hơn 40 ha chuyển sang trồng lúa, trồng màu và dự báo con số này sẽ còn tăng lên. Ở vùng mía của huyện Phụng Hiệp hơn chín nghìn ha đã thu hoạch xong, hiện còn khoảng 37 ha bà con chuyển sang trồng lúa, màu. Còn ở TP Vị Thanh có khoảng 2.700 ha mía, đã thu hoạch hơn 1.300 ha. Trong số diện tích chưa thu hoạch có hơn 200 ha mía bị trổ cờ. Các rẫy mía bị trổ cờ sẽ làm cho cây mía nhanh chóng bị khô đọt, khô lá, rỗng ruột, không tăng trưởng được, chữ đường và năng suất mía giảm dần. Nếu thu hoạch muộn cây mía sẽ chết. Trưởng phòng Kinh tế TP Vị Thanh Hồ Hồng Lâm cho biết: Năm nay, do thời tiết diễn biến thất thường kết hợp với người dân có tâm lý neo mía chờ giá cho nên nhiều diện tích mía bị trổ cờ làm giảm năng suất và chữ đường chỉ còn khoảng 15%. Hiện giá mía được thương lái mua tại rẫy đang dao động từ 750 đến 950 đồng/kg tùy theo giống mía và chữ đường, số lượng thương lái tìm mua mía cũng ít hơn các năm trước. Với giá này, năm nay người trồng mía của Vị Thanh không có lãi hoặc lãi rất thấp. Vì thế, nhiều bà con trồng mía tỏ ra chán ngán với cây mía và khả năng chuyển sang trồng các loại cây khác là điều khó tránh khỏi.
Tại tỉnh Sóc Trăng có hơn 13 nghìn ha mía. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% diện tích được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nhà máy, số còn lại, nông dân phải tự tìm đầu ra. Đến lúc thu hoạch, nhà máy mua giá cao thì nông dân được nhờ, mua giá thấp cũng đành chịu. Hiện giá mía tại nhà máy chỉ có 1.100 đồng/kg, thấp hơn năm trước khoảng 200 đồng/kg. Thương lái mua mía tại rẫy chỉ có 700 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Tự, nông dân trồng mía ở ấp Phước Hòa, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung buồn bã nói: Lúc này, mía bắt đầu vào vụ. Bà con thu hoạch gần 20% diện tích. Nếu nhà máy thu mua với giá này, người trồng mía khó tránh khỏi thua lỗ, vì chi phí sản xuất đều tăng, chi phí đầu tư sản xuất mất cả trăm triệu đồng/ha. Suốt một năm, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ biết trông cậy vào một vụ mía, nhưng giá “rớt” như vậy không biết rồi sẽ ra sao! Tại hai huyện Mỹ Tú và Long Phú (Sóc Trăng), nhiều nông dân đang bỏ mía để trồng lúa, cây ăn trái và các loại hoa màu khác, diện tích lên đến hàng trăm ha.
Tại tỉnh Trà Vinh, người trồng mía đang phải tự vận chuyển mía đến các nhà máy để bán, nhưng phải sau hơn một tuần mới nhận được tiền bán mía. Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV mía đường Trà Vinh, công suất nhà máy chỉ hai nghìn tấn mía cây/ngày, nhưng quanh nhà máy lúc nào cũng có khoảng mười nghìn tấn mía chờ cân mía, cho nên phải chờ từ bốn đến năm ngày mới được đến vòng đưa vào chế biến là giảm chữ đường nghiêm trọng; điều này rất bất lợi cho chế biến, càng bất lợi cho nông dân (chữ đường giảm thấp, giá mua thấp).
Nhà máy lao đao
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) Nguyễn Hoàng Ngoan cho biết: Hiện nay, giá đường vẫn ở mức 14.500 đồng/kg, trong khi công ty vẫn áp dụng giá thu mua 1.045 đồng/kg mía 10 chữ đường tại cầu cảng Nhà máy đường Vị Thanh và 1.020 đồng/kg mía 10 chữ đường tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp. Với giá này, để sản xuất ra 1 kg đường công ty chịu lỗ từ 400 đến 500 đồng. Dù vậy, công ty vẫn phải duy trì hoạt động, nhằm tiêu thụ mía cho bà con. Tuy nhiên, do có một nhà máy trên địa bàn ngừng hoạt động, cho nên lượng mía của nông dân chở về nhà máy rất nhiều, dẫn đến tiến độ thu mua có phần chậm, dự kiến đến Tết Âm lịch mới thu mua hết mía của bà con trên địa bàn.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Cổ Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng chia sẻ, mỗi năm, nhà máy tiêu thụ gần 400 nghìn tấn mía của nông dân Sóc Trăng. Nhưng hiện nay, do hạn hẹp về vốn, tiêu thụ đường khó khăn, nhà máy hoạt động chưa tới 90% công suất. Ở ĐBSCL, nhà máy hoạt động hiệu quả nhất cũng chỉ ở mức hòa vốn, còn phần lớn đều lỗ. Nếu đường nhập lậu tiếp tục tràn vào, giá đường xuống thấp hơn nữa, thì các nhà máy đường chắc sẽ lỗ nặng. Các nhà máy cũng đã tính toán đến phương án hạ giá mía trong thời gian tới. Để giảm bớt khó khăn trong thời điểm này, Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng sắp xếp, bố trí lại nhân sự; tính toán hạ quỹ lương so với năm trước; tiết giảm mạnh các chi phí, hóa chất nhằm hạ giá thành sản xuất; tăng thu hồi vốn sản xuất…
Hiện Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng còn tồn kho tám nghìn tấn đường. Ngành mía đường mua bán quanh năm nhưng sản xuất theo thời vụ, cho nên chuyện tồn kho không có gì lạ. Điều bất thường ở đây là lượng đường tồn kho quá lớn, mặc dù giá đường đã xuống rất thấp nhưng vẫn không tiêu thụ được. Giá đường hiện nay chỉ còn 14 nghìn đồng/kg, thấp hơn giá năm ngoái từ ba nghìn đồng đến bốn nghìn đồng/kg, trong khi đó giá đường Thái-lan nhập lậu chỉ khoảng 13.500 đồng/kg. Đường nhập lậu, trốn thuế tràn vào Việt Nam hàng trăm nghìn tấn/năm, giá bán rẻ như “bèo”, khiến cho đường trong nước khó tiêu thụ. Dù đang cận Tết nhưng tình hình kinh tế khó khăn, các mặt hàng bánh, kẹo lấy đường làm nguyên liệu tiêu thụ giảm. Nguyên nhân khác khiến giá đường “rớt” thê thảm là trong thời điểm khó khăn, khan hiếm vốn, áp lực lãi suất ngân hàng, các đại lý, quầy hàng bán lẻ không mua đường dự trữ như mọi năm, để quay nhanh đồng vốn, mua đến đâu bán đến đó, xu hướng chung là chờ giá xuống thấp hơn nữa.
Cần những giải pháp quyết liệt
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Hải cho biết, mặc dù hiệp hội đã tích cực nghiên cứu các giải pháp, phối hợp các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường, gian lận thương mại thông qua việc tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Hằng năm, lượng đường nhập lậu khoảng 300 – 400 nghìn tấn và giá thấp hơn giá đường trong nước từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg (bằng số tiền trốn thuế nhập khẩu và VAT). Theo quy luật tự nhiên, đường thừa dẫn đến giá đường giảm, khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng và thiệt thòi chủ yếu đè nặng lên vai người nông dân trồng mía.
Ngành mía đường hiện nay chưa điều hành theo luật như một số quốc gia trên thế giới, các giải pháp xử lý mang tính đối phó tình huống chỉ giải quyết khó khăn tạm thời, không đủ tính đồng bộ, cho nên thường xuyên xảy ra các vấn đề phát sinh mới… Theo Tổng Công ty Mía đường I, người nông dân trồng mía, thương lái và các nhà máy cần phải liên kết chặt chẽ với nhau sản xuất và chế biến tiêu thụ. Đồng thời, cần bám sát thông tin thị trường; thực hiện quyết liệt các chính sách tiết giảm để hướng tới mục tiêu Việt Nam phải là nước xuất khẩu đường, hướng tới ổn định lâu dài và phát triển bền vững.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị, trong năm 2012 – 2013, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần ban hành nghị định về mía đường; tạo cơ chế về đấu thầu quota nhập khẩu đường; cơ chế về xuất nhập khẩu linh hoạt; đồng thời kiên quyết ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại trong việc tạm nhập tái xuất. Để giải quyết vấn nạn đường lậu, hiệp hội đang hợp tác Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan và các cơ quan hữu quan khác để ngăn chặn tình trạng đường nhập lậu vào nước ta, nhằm tăng giá đường trong nước, góp phần ổn định tình hình sản xuất… Ngoài ra, cần có cơ chế dự trữ bình ổn giá đối với mặt hàng đường; cơ chế kiểm tra việc áp dụng quy chuẩn quốc gia nguyên liệu mía; cơ chế quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với đường ăn trên thị trường; chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu và tăng cường hoạt động Nhà nước nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật sản xuất mía và đường, cùng các chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ mới… Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét cơ chế để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn đối với ngân hàng nông nghiệp; tạo cơ chế thoáng cho nhà máy đường về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT trong thời điểm khó khăn này.
Với thực trạng ngành mía đường ở ĐBSCL gặp khó khăn như hiện nay, nếu không được cải thiện sẽ khó tránh khỏi việc người dân quay lưng lại với cây mía. Và khi nông dân trồng mía và nhà máy không còn mối quan hệ như “cá với nước”, thì ngành mía đường khó có thể ổn định và phát triển bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()