Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ, cơ cấu lại doanh nghiệp
Vinalines là một trong những doanh nghiệp được DATC hỗ trợ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại thành công.
Bổ sung thêm quyền hạn
DATC là tổ chức được thành lập để thực hiện đồng thời hai chức năng, vừa là công cụ của Chính phủ để hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) (thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận), đồng thời là tổ chức kinh doanh theo cơ chế thị trường (thực hiện các hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc thị trường vì mục tiêu lợi nhuận, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước đầu tư). Ngoài ra, DATC còn thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao. DATC hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước; tự chủ, tự chịu trách nhiệm; công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật; kiểm soát, hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính bổ sung một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của DATC so với cơ chế hiện nay. Đáng lưu ý, về các quyền của DATC, bên cạnh việc bổ sung quyền hạn trong hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cơ bản phù hợp với quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, DATC cũng được thực hiện các biện pháp phục hồi DN cơ cấu lại dưới hình thức cung cấp tài chính tương tự như Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), quyền bảo lãnh vay vốn tín dụng. Đây là các quyền liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán, bán, xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ nhằm tạo điều kiện cho DATC thúc đẩy nhanh việc mua nợ và tài sản; xử lý thu hồi tài sản bảo đảm khoản nợ, bao gồm cả việc hoàn tất các hồ sơ pháp lý liên quan tài sản bảo đảm trước khi xử lý theo các hình thức quy định.
Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quyền như trên là cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các DN khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ cơ cấu lại, xử lý tài chính cho DN, tạo điều kiện để DN sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện các nghiệp vụ nêu trên phải gắn với phương án tái cơ cấu được phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp các quy định hiện hành của pháp luật.
Mở rộng đối tượng được xử lý nợ
Một trong những nội dung quan trọng được Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo là mở rộng đối tượng tham gia xử lý nợ và tài sản sang các tổ chức, cá nhân thuộc thành phần kinh tế khác. Tại Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn do Bộ Tài chính ban hành, phạm vi xử lý nợ, cơ cấu lại DN của DATC chỉ tập trung ưu tiên cho khối DNNN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu. Theo tiến trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN giai đoạn 2016 – 2020, đối tượng hỗ trợ của DATC trong giai đoạn này không còn nhiều, khoảng 240 DN. Trong khi đó, quy mô nợ xấu và số lượng các DN thuộc thành phần kinh tế khác, bao gồm cả khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần sự hỗ trợ xử lý nợ, cơ cấu lại của DATC trong thời gian tới ngày càng tăng với tính chất sở hữu và hoạt động khác biệt so với DNNN. Thực tế này đòi hỏi phải có những quy định pháp lý mới cho DATC hoạt động phù hợp tình hình mới. Bên cạnh đó, nhu cầu DATC tham gia xử lý nợ xấu giai đoạn tới còn khá lớn vì theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nợ xấu phát sinh hằng năm vào khoảng 1,3 đến 1,5% trên tổng dư nợ cho vay. Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 16% năm, dự kiến số nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm 2017 – 2022 là khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Để duy trì nợ xấu dưới ngưỡng 3% như mục tiêu đề ra, tổng số nợ xấu phải xử lý trong giai đoạn nêu trên là khoảng 640 nghìn tỷ đồng, tương ứng với con số bình quân phải xử lý khoảng 130 nghìn tỷ đồng/năm. Vì vậy, phải có những thay đổi theo hướng nâng cao năng lực pháp lý cho DATC để DN này có thể hoạt động một cách có hiệu quả và tránh rủi ro về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện. Có như vậy, DATC mới có thể tiếp tục đảm nhận vai trò là công cụ hữu hiệu của Chính phủ hỗ trợ các DN, tập đoàn, tổng công ty đánh giá nợ, đàm phán, giải quyết công nợ tồn đọng phục vụ quá trình CPH theo yêu cầu của Chính phủ, kể cả việc xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém. Đồng thời vẫn được mở rộng xử lý nợ tới DN thuộc các thành phần kinh tế khác như một cơ quan tái thiết DN, hỗ trợ cho mục tiêu phát triển DN nói chung, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.
DATC tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN, được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Từ khi thành lập và chính thức đi vào hoạt động năm 2004 đến nay, về cơ bản DATC đã hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ được giao, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các nhiệm vụ mới trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, qua đó hỗ trợ gần 3.000 doanh nghiệp xử lý được công nợ và tài sản tồn đọng trước, trong và sau cổ phần hóa cũng như để cơ cấu lại, phục hồi kinh doanh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()