Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành xây dựng
Năm 2011, phần lớn các doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng, từ các DN sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), kinh doanh bất động sản, nhà ở đến các đơn vị xây lắp đều gặp khó khăn. Chỉ tiêu về lợi nhuận, sản lượng tiêu thụ... của nhiều DN đều không đạt kế hoạch đề ra, trong khi nhiều dự án sử dụng vốn vay ngân hàng đã đến chu kỳ trả nợ. Tình hình khó khăn này đòi hỏi các DN ngành xây dựng cần triển khai những giải pháp đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm 2012.Khó khăn chồng chấtNăm 2011, giá cả các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và lãi suất ngân hàng tăng cao, đồng thời việc cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã khiến DN ngành xây dựng chao đảo. Tổng công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam (Vicem) cho biết, tổng sản phẩm tiêu thụ năm 2011 của đơn vị ước đạt kế hoạch đề ra (khoảng 19 triệu tấn). Kết quả này có thể được xem là một nỗ lực lớn của Vicem trong bối cảnh và tình hình cạnh tranh xi-măng...
Khó khăn chồng chất
Năm 2011, giá cả các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và lãi suất ngân hàng tăng cao, đồng thời việc cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã khiến DN ngành xây dựng chao đảo. Tổng công ty Công nghiệp xi-măng Việt Nam (Vicem) cho biết, tổng sản phẩm tiêu thụ năm 2011 của đơn vị ước đạt kế hoạch đề ra (khoảng 19 triệu tấn). Kết quả này có thể được xem là một nỗ lực lớn của Vicem trong bối cảnh và tình hình cạnh tranh xi-măng căng thẳng hiện nay, tuy nhiên mức tiêu thụ được kỳ vọng là 20,7 triệu tấn là khó khả thi. Sức ép tiêu thụ và lợi nhuận đè nặng lên những tháng cuối năm vì sáu tháng đầu năm, tất cả tám công ty xi-măng thuộc Vicem đều chỉ đạt mức lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ, thậm chí một số DN lỗ, trong khi đó thị phần giảm 1,3% so cùng kỳ, xuống còn 35,1%. Trong sáu tháng cuối năm, nhiều nhà máy của Vicem đã phải điều tiết kế hoạch sản xuất bằng cách không chạy hết công suất thiết kế. Hơn nữa, do các dây chuyền sản xuất đã đến chu kỳ trả nợ nên mục tiêu lợi nhuận dự kiến 1.251 tỷ đồng theo kế hoạch khó đạt được, thậm chí con số lỗ của Vicem dự kiến không dưới 300 tỷ đồng. Hiện nay, lượng tồn kho của Vicem khoảng gần hai triệu tấn (1,6 triệu tấn clanh-ke), tương đương một dây chuyền xi-măng lò quay.
Cùng chung cảnh ngộ với Vicem, Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các công trình trọng điểm có nhiều thời điểm thiếu vốn triển khai xây dựng. Đơn cử là công trình Thủy điện Lai Châu. Những tháng đầu năm, khối lượng thi công của các đơn vị đã đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong khi chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới chỉ thanh toán khoảng 280 tỷ đồng nên tình trạng xe, máy không có tiền để mua nhiên liệu chạy; lương, thưởng của cán bộ, công nhân viên bị chậm. Đến khi vấn đề tài chính được tháo gỡ thì việc giữ chân lao động lại gặp khó khăn vì công trường nằm ở vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, hai lĩnh vực Tập đoàn tham gia là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và sản xuất công nghiệp đều chịu tác động từ tình hình bất động sản ảm đạm và lãi suất ngân hàng tăng cao nên khả năng đóng góp vào tình hình sản xuất, kinh doanh chung của tập đoàn không nhiều.
Ngay cả những nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp như Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đứng trước những khó khăn, buộc Tập đoàn phải chủ động rà soát, đánh giá kỹ thị trường, khả năng kinh doanh, tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, khả năng thu xếp các nguồn vốn đầu tư để có sự điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh cho phù hợp, hạn chế tối đa đầu tư dàn trải, ưu tiên đầu tư cho các dự án có hiệu quả cao thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn…
Cấp bách tái cấu trúc doanh nghiệp
Có thể nói, những khó khăn nêu trên một phần do những yếu kém nội tại của các DN xây dựng. Trong đó, công tác quản trị DN. Nhất là công tác xây dựng chiến lược kinh doanh, kế hoạch phát triển, quản lý tài chính của một số DN còn yếu. Với mục tiêu tăng trưởng phấn đấu đạt 12% – 15%/năm, chiếm tỷ trọng đầu tư toàn xã hội năm năm khoảng 33,5% – 35% GDP… Bên cạnh những chính sách tháo gỡ khó khăn từ phía các bộ, ban, ngành liên quan, các DN ngành xây dựng cần sớm triển khai những giải pháp quyết liệt, đồng bộ ngay từ những ngày đầu năm 2012.
Trước mắt, tập trung tái cấu trúc DN trên tất cả mọi mặt, từ tổ chức nhân sự, nguồn vốn… đồng thời xác lập rõ ràng ngành nghề kinh doanh chính, chống đầu tư dàn trải, gây thất thoát, thua lỗ. Hiện nay, mới chỉ có VNIC đang xây dựng đề án tái cấu trúc DN, tuy nhiên công việc còn hết sức “ngổn ngang” vì việc cổ phần hóa các DN thành viên trong Tập đoàn còn chậm.
Với mục tiêu hoàn thành 1,5 triệu m2 sàn trong năm 2012, nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn HUD là đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa các tổng công ty thành viên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo hướng sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên. Các đơn vị có lĩnh vực chính là xây lắp như Tổng công ty Hà Nội, Bạch Đằng và VIWASEEN là nòng cốt thúc đẩy chương trình phát triển nhà ở của Tập đoàn. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và VLXD, Tập đoàn tập trung ổn định và phát huy các sản phẩm truyền thống, tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tăng cường xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển và sản xuất các sản phẩm mới theo xu hướng hạn chế khai thác tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường, tiết kiệm năng lượng và các sản phẩm phục vụ nhu cầu xây dựng nhà cao tầng. Bên cạnh đó, trong năm 2012, các đơn vị thành viên Tập đoàn tiếp tục tăng cường các hoạt động theo Chương trình phối hợp phát triển trong Tập đoàn, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư và sản xuất, kinh doanh, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là chiến lược đào tạo nguồn cán bộ quản trị, điều hành phù hợp định hướng chiến lược phát triển của Tập đoàn.
Khó khăn hơn cả có lẽ là Vicem do phải chịu áp lực cạnh tranh cao. Vì vậy, giải pháp trước mắt cần tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực điều hành, quản trị DN của các đơn vị, nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị, công nghệ sản xuất chính, nhất là phát huy tối đa công suất các dự án vừa mới được đầu tư. Là một ngành tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, việc triệt để tiết kiệm các loại chi phí, giảm lượng hàng hóa tồn kho được đặt ra hết sức cấp bách. Đồng thời, chỉ đạo tập trung, hợp lý việc điều phối nguồn xi-măng, clanh-ke trong nội bộ, giữa các vùng, miền hợp lý, khắc phục tối đa tình trạng “bắc thừa nam thiếu” xi-măng, tiếp tục kiện toàn hệ thống phân phối xi-măng, mở rộng khảo sát, tìm kiếm thị trường, đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, Vicem cần tiếp tục chỉ đạo sự phối hợp đồng bộ hoạt động của các công ty thành viên để nâng cao kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, từng bước hoàn thiện mô hình một Vicem thống nhất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()