Tháo gỡ khó khăn cho các dự án thua lỗ ngành dầu khí
Sản xuất sợi DTY tại Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ (Hải Phòng).
Từng bước hồi sinh
Tại Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ (thuộc Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí – PV Tex), hàng chục kỹ sư, người lao động luôn khẩn trương vận hành, điều chỉnh hệ thống máy móc cũng như cung ứng các nguyên liệu để mau chóng sản xuất ra sản phẩm. Toàn bộ người lao động tại đây đều có chung tâm trạng mong nhà máy sớm trở lại hoạt động 100% công suất, vực lại dự án đã bị “đắp chiếu” trong những năm qua. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc PV Tex Ðào Văn Ngọc cho biết, sau quá trình lựa chọn và ký hợp đồng hợp tác sản xuất với Tổ hợp An Phát Holdings (APH), đến nay, PV Tex đã đưa 12 dây chuyền sản xuất sợi xơ dài (DTY) vào hoạt động ổn định, sản xuất được gần 5.000 tấn sợi DTY, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng, bước đầu đem lại lợi nhuận, góp phần bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 230 người lao động. Sản phẩm của nhà máy cũng khẳng định về chất lượng và được thị trường chấp nhận, đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, Thái-lan,… PV Tex và APH cơ bản thống nhất được một số nội dung chính, đang tiếp tục trao đổi, hoàn thiện một số nội dung để tiến tới vận hành toàn bộ nhà máy. Hai bên cũng đã thống nhất xây dựng hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm (2020-2024) và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới.
Cũng theo Tổng Giám đốc PV Tex Ðào Văn Ngọc, ngoài việc tìm kiếm, thương thảo với đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh, năm qua PV Tex đã xử lý xong tranh chấp pháp lý liên quan hợp đồng EPC bằng phương thức hòa giải. Qua đó, PV Tex không phải trả 22,1 triệu USD cho nhà thầu EPC bao gồm 12,4 triệu USD tiền thanh toán mốc cuối và 9,7 triệu USD tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng, được nhà thầu EPC hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật trong một năm khi vận hành trở lại và được nhận bàn giao 700 hạng mục vật tư với trị giá ước tính hàng trăm nghìn USD; đồng thời, tránh được rủi ro nếu thua kiện phải trả toàn bộ chi phí lên hơn năm triệu USD và bồi thường hàng chục triệu USD cho nhà thầu EPC. Công tác quyết toán dự án được tái triển khai từ tháng 12-2018, đến nay đã cơ bản hoàn thành, dự kiến quý III tới sẽ trình các cấp phê duyệt.
Ðánh giá về sự phát triển của thị trường xơ sợi trong thời gian tới, ông Ðào Văn Ngọc cũng cho biết, hiện nay nhu cầu cả nước cần khoảng từ 700 nghìn đến 800 nghìn tấn xơ sợi, trong khi năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ, mới chỉ có PV Tex công suất 175 nghìn tấn và Formosa cung cấp khoảng 145 nghìn tấn/năm.
Ngoài ra, khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hàng dệt may muốn được hưởng ưu đãi về thuế quan bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ “sợi” trở đi, do đó, đây là dư địa rất lớn để các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh phát triển. Tuy nhiên, vừa qua, mặt hàng sợi polyester filament nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng (từ tháng 10-2018 đến tháng 4-2019 tăng 26,6% so với cùng kỳ) đã và đang gây nhiều khó khăn cho DN sản xuất trong nước. Với các diễn biến bất lợi của thị trường, các khó khăn về nguồn nhân lực, về vốn; khó khăn về cơ chế, chính sách,… vẫn luôn hiện hữu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, người lao động tại PV Tex phải kiên trì, suy nghĩ tìm tòi các phương án tháo gỡ.
Không chỉ Nhà máy Xơ sợi Ðình Vũ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền trung – BSR-BF) cũng đã vận hành lại sản xuất sau nhiều năm bị “đắp chiếu”. Theo lãnh đạo BSR-BF, phân xưởng lò hơi được khởi động thành công cuối năm 2018 là tiền đề để nhà máy khởi động các phân xưởng như: nghiền, tách cát, nhà máy chính,… Sau khi hoạt động trở lại, trong năm nay, BSR-BF dự kiến sản xuất khoảng 35 nghìn m3 ethanol cho đối tác là Công ty cổ phần đầu tư và thương mại tạp phẩm (Tocontap) cung cấp ra thị trường. Ngoài hai nhà máy nêu trên, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã xử lý xong các khâu liên quan, sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi.
Tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhiệt điện
Trưởng ban quản lý dự án (BQLDA) Nhà máy Nhiệt điện (NMNÐ) Thái Bình 2 Nguyễn Ngọc Hải cho biết, dự kiến dự án sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nay đã nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32 nghìn tỷ đồng, tiến độ đạt hơn 84%, thiết kế đạt hơn 90%, mua sắm hơn 95%,… Tuy nhiên, do dòng tiền chậm cho nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án. Nhân sự tại công trường cũng ngày càng giảm, từ chỗ có 800 người giờ chỉ còn 300 – 400 người. Nhiều cán bộ kỹ thuật xin nghỉ việc. Dự án còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế tổng thầu trong nước, quá trình triển khai xảy ra nhiều bất cập,… Ðại diện Tổng thầu EPC, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) Nguyễn Ðình Thế cho biết thêm, phần xây dựng bằng đồng Việt Nam đã thực hiện được 80%, giải ngân 84%. Tuy nhiên, nhiều khoản chưa giải ngân được do chưa có hướng dẫn. Mặt khác, trong quá trình tái cơ cấu các đơn vị, hầu hết các đơn vị thua lỗ, nhiều dự án có vướng mắc, cho nên tổng thầu không có nguồn bổ sung. Quá trình thực hiện đã phải dùng nguồn khác bù vào, trong đó có cả tiền tổng thầu tự chi ra, thậm chí còn nhiều hơn tiền từ chủ đầu tư giải ngân. Do đó, nếu không có cơ chế, chính sách, đặc biệt về tài chính thì dự án phải đóng cửa sớm là điều hiện hữu.
Chủ tịch HÐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh khẳng định, trong quá trình làm, tổng thầu là PVC có nhiều sai phạm đã và đang được các cơ quan chức năng xử lý khiến các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay vốn được nữa. Hiện nay, tập đoàn đã trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn và lên kế hoạch triển khai tiếp khi có tiền, trong đó vấn đề về tài chính là quan trọng nhất. Nếu không có các quyết sách sớm, dự án sẽ phải đóng cửa sớm. Chính vì vậy, PVN kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho PVN được dùng nguồn vốn chủ sở hữu giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. PVN sẽ chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật bảo đảm nhà máy vận hành và phát điện. Khi thu xếp được vốn vay bổ sung sẽ hoàn trả lại phần vốn chủ sở hữu sử dụng vượt tỷ lệ. Ðối với dự án NMNÐ Long Phú 1, xem xét thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chủ trì, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan về dự án để chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ PVN giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án. Cho phép PVN được sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định để tiếp tục triển khai các hạng mục đang thi công dở dang của dự án đến các điểm dừng kỹ thuật và thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo quản cho vật tư, thiết bị nhằm bảo đảm chất lượng công trình,…
Dự án NMNÐ Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW (2 x 600 MW), có tổng mức đầu tư điều chỉnh lần hai là 41.799 tỷ đồng. Tiến độ cam kết ban đầu hoàn thành Tổ máy 1 dự kiến vào tháng 6-2020. Tổ máy 2 hoàn thành vào tháng 10-2020. Dự án NMNÐ Long Phú 1 có công suất 1.200 MW (2 x 600 MW), có tổng mức đầu tư được phê duyệt (sau thuế) là 29.581 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư điều chỉnh hiện nay đã trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (tiến độ cam kết ban đầu: hoàn thành Tổ máy 1 vào ngày 30-10-2018 và Tổ máy 2 vào ngày 30-2-2019).
Theo Nhandan
Ý kiến ()