tle=”Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long” on click=”$('#gallery_144832578_1_347205').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> Lúa và thủy sản là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn vùng ĐBSCL đạt 4 tỷ USD, chiếm hai phần ba tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, kế hoạch xuất khẩu thủy sản của nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn và đang cần những giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời.
Khó khăn chồng chất
TP Cần Thơ hiện có 35 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là mặt hàng cá tra. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, dù thời gian qua, một số doanh nghiệp tự đầu tư vùng nuôi cá nhưng chỉ đáp ứng từ 30 đến 40% công suất nhà máy, còn lại phụ thuộc vào nguồn cá thu mua bên ngoài. Thế nhưng giá cá tra hiện đang giảm, nên người nuôi không có lãi, trong khi ngân hàng thận trọng trong việc cho vay lĩnh vực thủy sản. Bởi vậy, không chỉ với các hộ nuôi cá, mà kể cả các trang trại và các doanh nghiệp nuôi cá cũng cạn vốn, không thể tiếp tục nuôi cá. Chỉ một số ít doanh nghiệp thủy sản có tiềm lực tài chính thì duy trì hoạt động với 50% công suất, nhằm bảo đảm chi phí vận hành. Phần lớn các doanh nghiệp thủy sản hoạt động cầm chừng, co cụm lại trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, cuối năm 2011, dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản (gồm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu) hơn 6.841 tỷ đồng, chiếm gần 17% tổng dư nợ cho vay, tăng hơn 26% so với cuối năm 2010. Đến tháng 2-2012, dư nợ cho vay giảm xuống còn 6.283 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cuối năm 2011. Với nguồn vốn giảm như vậy, thời gian vay ngắn hạn, lãi suất khá cao là gánh nặng khó vượt qua với doanh nghiệp thủy sản. Từ tình hình này, các doanh nghiệp thủy sản ở Cần Thơ đang có sự phân hóa rõ nét. Một số doanh nghiệp có khả năng tiếp tục vay vốn ngân hàng nhưng chưa muốn vay ngay vì lãi suất còn cao mà chỉ sử dụng vốn tự có, vốn của các cổ đông, đối tác truyền thống… tái cơ cấu lại doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều doanh nghiệp muốn tiếp tục vay vốn nhưng không thỏa mãn được điều kiện vay của ngân hàng vì thời gian qua đã sử dụng vốn vay đầu tư không đúng mục đích (đầu tư bất động sản, chứng khoán), dẫn đến doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
Tại An Giang, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp thủy sản đều “khát” vốn tín dụng nhằm tiếp tục duy trì, phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Thế nhưng, số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang lại cho thấy, hai tháng đầu năm 2012, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại, nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với người nuôi cá tra xuất khẩu hơn 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp chế biến hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn phát vay trên đều áp dụng mức trần lãi suất cho vay trước khi Ngân hàng Nhà nước cho hạ trần lãi suất cho vay nên việc có hay không hạ trần lãi suất, nguồn vốn vay ưu đãi… thì cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều lực bất tòng tâm để tiếp cận.
Từ số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang về nguồn vốn phát vay hai tháng đầu năm 2012, minh chứng, ngay từ đầu năm, nguồn vốn phát vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã khá cao, người nuôi cá lẫn doanh nghiệp hiện vẫn đang gồng mình với lãi suất mức khoảng 20%/năm. Nợ cũ chưa đến kỳ thanh toán, các tài sản thế chấp cũng không còn, người nuôi lẫn doanh nghiệp không thể nào tiếp tục yêu cầu ngân hàng hỗ trợ vốn vay theo lãi suất mới. Mặt khác, nghề nuôi và chế biến cá tra luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn, do vậy, tất cả các tổ chức tín dụng hiện nay đều không thể cho vay theo hình thức tín chấp. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, Lê Trọng Nghĩa cho rằng, nợ xấu, nợ quá hạn đối với nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu luôn là nỗi lo cho các ngân hàng. Do vậy, ngân hàng chỉ có thể phát vay khi có tài sản thế chấp hoặc hợp đồng xuất khẩu đã ký kết với đối tác nước ngoài làm chứng từ để hỗ trợ. Mặt khác, dẫu hiện nay, một số doanh nghiệp và người nuôi ký kết hợp đồng liên kết trong thu mua cá nhưng nếu xét kỹ hầu như tính ràng buộc rất thấp, khi biến động giá cả doanh nghiệp lẫn người nuôi phá hợp đồng rất nhiều. Do vậy, nếu lấy các hợp đồng liên kết tiêu thụ cá tra như hiện nay để xét vay, các tổ chức tín dụng chẳng thể áp dụng do tính rủi ro quá cao. Vậy nên, dẫu các tổ chức tín dụng có hạ trần lãi suất cho vay đến mức 14%/năm thì hai con đường cả doanh nghiệp, người nuôi cá tra và ngân hàng vẫn mãi là hai con đường song song.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Sóc Trăng Phạm Kim Hùng cho biết, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn đều “khát” vốn và rất cần vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động. Thế nhưng, hiện phía ngân hàng đang thắt chặt cho vay đối với doanh nghiệp thủy sản. Lý do là nhiều doanh nghiệp đang nợ nần chồng chất chưa trả hết và nhất là không có tài sản thế chấp. Nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn Sóc Trăng rất dồi dào nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận. Yêu cầu tất yếu là doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm tiền vay và chứng minh được sử dụng khoản tiền vay đó vào mục đích gì? Vì khi cho vay, ngân hàng cũng muốn doanh nghiệp sử dụng đồng vốn có hiệu quả thì mới không xảy ra tình trạng nợ xấu. Phần lớn doanh nghiệp thủy sản hiện nay thế chấp bộ chứng từ xuất nhập khẩu có bảo đảm thanh toán (qua hình thức L/C – Letter of Credit) để vay những khoản tiền tương ứng. Tuy nhiên, những món vay loại này chiếm tỷ lệ không lớn.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến xuất khẩu thủy sản Phú Thạnh Phan Thị Minh Tuệ cho biết: Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang đứng bên bờ vực phá sản, đã tác động đến việc ngân hàng ngán ngại giải ngân nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp khác. Nếu doanh nghiệp không chủ động được nguồn vốn sẽ gặp khó, vì người nuôi thủy sản bây giờ khi xuất bán đều yêu cầu trả tiền mặt ngay chứ không như trước nữa. Mặt khác, cơ chế chính sách quy định về phí bảo vệ môi trường cũng gây khó cho doanh nghiệp, khi mà lâu nay vẫn quen sử dụng bao bì ni-lông trong đóng gói. Trong khi đó, khách hàng của công ty (chủ yếu là ở thị trường châu Âu) cắt giảm sản lượng nhập khẩu và không quan tâm nhập khẩu dự trữ hàng như trước đây. Vì vậy, công ty phải căn cứ vào nhu cầu thị trường thông qua hợp đồng để sản xuất, chắc chắn quy mô sản xuất sẽ giảm theo nhu cầu thực tế.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Vì giá thành đầu tư cho mọi hoạt động tăng, lãi suất cao (15,5%/năm). Do đó, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản khó có thể cạnh tranh được với các nước như Thái-lan, Ấn Độ… Tháng 5, tháng 6 này là thời điểm kho dự trữ tôm phục vụ cho xuất khẩu cạn nguyên liệu, doanh nghiệp lại hết vốn, mặt khác còn phải tự đầu tư thả nuôi tôm để chủ động cho chế biến xuất khẩu (khoảng 20% tổng lượng tôm xuất khẩu). Nếu ngân hàng giải ngân “nhỏ giọt” như vậy thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Để khắc phục khó khăn, trước mắt, các doanh nghiệp tự gỡ khó cho mình bằng cách rà soát lại mọi hoạt động để giảm tối đa những chi phí không cần thiết; kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chi phí điện, nước, hóa chất, những tài sản không liên quan trực tiếp đến việc sinh lợi của doanh nghiệp. TP Cần Thơ còn chủ động kiến nghị Bộ Công thương đưa hai mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Cần Thơ và vùng ĐBSCL là gạo và thủy sản (tôm và cá tra) vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại các thị trường lớn, mới nổi trên thế giới; xem xét miễn thuế bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp sử dụng túi nhựa để bao gói sản phẩm thủy sản xuất khẩu… để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Sở Công thương TP Cần Thơ hiện đang chủ động phối hợp các bộ ngành trung ương tăng cường mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đồng thời thông tin kịp thời về chính sách thị trường của nước nhập khẩu mặt hàng nông thủy sản, gắn với phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài gặp gỡ đối thoại theo định kỳ, từ đầu năm 2012 đến nay, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ trực tiếp khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động để có hướng giải quyết. Đây là bước chủ động của lãnh đạo TP Cần Thơ, mong rằng các địa phương khác cũng có những cách làm hay nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp chế biến thủy sản nói riêng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()