Tháo gỡ khó khăn các dự án giao thông, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công
Mặc dù trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải đạt 33,7%, cao hơn bình quân chung của cả nước (30,2%). Chất lượng các công trình được cải thiện; thất thoát, lãng phí từng bước được hạn chế; hiệu quả đầu tư ngày càng nâng cao.
Tháo gỡ khó khăn các dự án giao thông, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công. |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, cùng với Bộ Giao thông vận tải tập trung, chủ động tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành Giao thông vận tải đã chủ động, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, triển khai các dự án quan trọng nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư. Mặc dù trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải đạt 33,7%, cao hơn bình quân chung của cả nước (30,2%). Chất lượng các công trình được cải thiện; thất thoát, lãng phí từng bước được hạn chế; hiệu quả đầu tư ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả nêu trên, việc triển khai nhiệm vụ của Ngành Giao thông vận tải vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như hạ tầng giao thông còn chậm phát triển, thiếu đồng bộ…
Nhiệm vụ của ngành Giao thông vận tải trong thời gian tới rất nặng nề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành cần tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công; chủ động thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2020 giữa các dự án để đảm bảo tiến độ giải ngân; tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ thể liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng từ Trung ương đến địa phương.
Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, cùng với Bộ Giao thông vận tải tập trung, chủ động tháo gỡ những khó khăn liên quan đến cơ chế, thủ tục, bảo đảm giải ngân hết vốn đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển Ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn để tập trung tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng lực hạ tầng giao thông Việt Nam.
Về nhiệm vụ trước mắt, Bộ Giao thông vận tải cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Các dự án phát triển hạ tầng hàng không; tập trung triển khai các dự án quan trọng như: Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ, Bến Lức – Long Thành, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, các dự án nâng cấp đường sắt Bắc – Nam, các dự án nâng cấp đường thủy nội địa và các dự án cấp bách khác.
Về nhiệm vụ trung hạn và dài hạn, Bộ Giao thông vận tải cần tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đối với các dự án đường cao tốc, đường kết nối liên vùng cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư (vốn ODA, vốn xã hội hóa…); làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng dự án, thiết kế kỹ thuật…; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư./.
Ý kiến ()