Tháo gỡ các “điểm nghẽn” để thị trường bất động sản phát triển an toàn
Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình phát triển thị trường bất động sản, cân đối cung cầu, tạo môi trường hài hòa, lành mạnh, trong đó ưu tiên phân khúc dành cho an sinh xã hội.
Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối Trụ sở Chính phủ với Ủy ban Nhân dân 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm để bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; lãnh đạo các Bộ, ngành: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (Tư pháp, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thanh tra Chính phủ); đại diện Hiệp hội bất động sản, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản; lãnh đạo các thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
Ngành bất động sản đóng góp khoảng 4,5% GDP
Báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị cho biết trong những năm qua, thị trường bất động sản có những đóng góp hết sức quan trọng trong toàn nền kinh tế; đóng góp của ngành bất động sản trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác chiếm khoảng 4,5% GDP.
Trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định.
Sang đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng hiện nay hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi.
Việc lập và phê duyệt Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở còn chậm và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định.
Nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất. Giá bất động sản nhà ở tăng cao so với thu nhập của người dân.
Cùng với đó, các sàn giao dịch bất động sản hình thành, hoạt động mang tính tự phát, thiếu ổn định; còn có hiện tượng câu kết với nhau “ôm hàng,” “thổi giá,” gây “sốt ảo” làm nhiễu loạn thị trường; hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt; giao dịch bất động sản chưa được minh bạch; việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro; công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế; hoạt động chia tách quyền sử dụng đất, “phân lô, bán nền” còn có một số tồn tại…
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá và dự báo thị trường bất động sản Việt Nam, đề xuất định hướng, giải pháp về cơ cấu sản phẩm và nguồn cung để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; chính sách vĩ mô, tác động của chính sách pháp luật về đất đai đối với thị trường bất động sản; đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản và công tác thực thi pháp luật…
Các đại biểu cũng thảo luận nhiều vấn đề liên quan như: chính sách và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản; tác động, ảnh hưởng của thị trường vốn, thị trường chứng khoán đến thị trường bất động sản; về chính sách và tình hình đấu giá, định giá quyền sử dụng đất ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; tình hình, diễn biến dòng vốn vào thị trường bất động sản; tình hình, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, dự án nhà ở, khu đô thị, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở các thành phố; những khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp khắc phục…
Tháo gỡ các “điểm nghẽn” để thị trường bất động sản phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian qua, tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, khó lường, tác động tới nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị, trật tự xã hội; bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.
Thủ tướng khẳng định việc các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương, Chính phủ, quy định của pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành, các giải pháp, chính sách của Chính phủ về thị trường bất động sản góp phần cho tình hình kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường bất động sản dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhìn tổng thể, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như hiện nay. Trong thành tích chung đó của đất nước có đóng góp của thị trường bất động sản. Qua đó có thể khẳng định chính sách phát triển thị trường bất động sản của chúng ta cơ bản đúng đắn; tuy nhiên do là đất nước đang phát triển nên nảy sinh những bất cập, hạn chế.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập của thị trường và một số “điểm nghẽn” quan trọng cần tập trung tháo gỡ để hệ sinh thái thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh trong thời gian tới.
Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tạo nhiều công ăn việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, vùng miền khác nhau, vì có nhiều công ăn việc làm mới có người đến ở, làm việc và mới phát triển thị trường bất động sản.
Đặc biệt, phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để có điều kiện phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình phát triển thị trường bất động sản, cân đối cung cầu, tạo môi trường hài hòa, lành mạnh, trong đó ưu tiên phân khúc dành cho an sinh xã hội; tôn trọng quy luật thị trường nhưng phải có vai trò quản lý của Nhà nước, không để tiêu cực, thao túng thị trường.
Rà soát lại các quy định của pháp luật tháo gỡ những vấn đề vừa có tính chất trước mắt, vừa lâu dài.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nghiên cứu thí điểm cơ chế, chính sách mới để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời tạo ra động lực mới cho thị trường bất động sản.
Thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược để tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới cho thị trường bất động sản. Xây dựng chính sách phù hợp, an toàn, hiệu quả, liên thông giữa thị trường vốn với thị trường bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện sớm sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để các quan hệ phát triển theo quy luật thị trường, song phải kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ người, đơn vị làm đúng pháp luật, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; không hợp thức hóa những sai phạm, song phải nghiên cứu cơ chế chính sách để tháo gỡ phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, chỉ đạo phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả; yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân liên quan thị trường bất động sản.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đối với nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Nghiên cứu, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của pháp luật, thủ tục pháp lý của dự án.
Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường bất động sản; hàng quý có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Bộ Tài Chính chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính giao theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường.
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đảm bảo đúng quy định pháp luật, cho vay đối với các dự án bất động sản đầy đủ tính pháp lý; ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế.
Thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo đúng pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường. Theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm bắt tình hình kinh tế vĩ mô; xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản và hoạt động môi giới bất động sản vi phạm pháp luật, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính thức, chính xác về tình hình hoạt động thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
Các địa phương được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; rà soát quỹ đất, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án lựa chọn chủ đầu tư để thúc đẩy phát triển, tăng nguồn cung bất động sản, nhà ở phục vụ tiêu dùng.
Trong đó, rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản đang chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai thực hiện trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân khó khăn vướng mắc đối với từng dự án, đặc biệt là các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.
Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững./.
Ý kiến ()