Thành viên Chính phủ giải đáp những vấn đề “nóng” của tình hình kinh tế - xã hội
Chiều 8-6, ba thành viên Chính phủ là Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm. Đó là chương trình hỗ trợ đóng tàu cá cho ngư dân, chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam - Trung Quốc năm 2014 và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch…
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:
Chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển đã đi đúng hướng
Ngày 19-6-2014, Quốc hội đã biểu quyết dành 16 nghìn tỷ đồng cho phát triển biển đảo, trong đó có hỗ trợ ngư dân vươn khơi bán biển. Chưa đầy một tháng sau, ngày 7-7-2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014 để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đây là cố gắng đầy trách nhiệm của các bộ ngành, sự tham gia tích cực của địa phương, để chính sách được ban hành nhanh. Mục tiêu của chính sách đã được xác định trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược biển, phấn đấu năm 2020, chúng ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc quyền, chủ quyền quốc gia trên biển đảo.
Chủ trương lớn này đã được Đảng, Chính phủ quan tâm từ nhiều năm nay và có nhiều chính sách liên quan. Trước đó, năm 1997, chúng ta đã có chương trình hỗ trợ đánh bắt cá xa bờ. Sau đó, có chính sách lẻ liên quan chương trình này. Tuy nhiên, sau khi tổng kết, thấy rằng chính sách chưa đồng bộ, chưa toàn diện, có một số điểm chưa phù hợp thực tiễn, và cuối cùng, có một số sơ hở để kẻ xấu lợi dụng. Vì thế, hiệu quả của chính sách còn rất hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng, chính sách mới này khá đồng bộ, toàn diện, thể hiện trên các mặt.
Một là, đầu tư hạ tầng đồng bộ, có các cảng cá, khu tránh trú neo đậu cho tàu thuyền.
Hai là, khuyến khích tổ chức lại sản xuất, phát triển hậu cần nghề cá với số vốn hỗ trợ lớn, tạo cú hích tạo chuyển biến vượt bậc. Thí dụ: miễn giảm thuế, giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ phí duy tu bảo dưỡng, cho vay vốn lưu động, không thế chấp. Hỗ trợ bảo hiểm đối với tàu, trang thiết bị trên tàu, hỗ trợ đến 70% tùy loại tàu, tàu càng to hỗ trợ càng lớn. Hỗ trợ 100% chi phí bảo hiểm cho thuyền viên trên tàu, hỗ trợ 100% chi phí đào tạo cho thuyền viên tàu vỏ sắt và tàu vận tải lớn. Hỗ trợ chi phí vận chuyển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hai chiều: vận chuyển nguyên liệu ra ngoài biển và thu mua vận chuyển hải sản trở về. Hỗ trợ cả tàu nâng cấp và tàu đóng mới, nhưng khuyến khích đóng tàu công suất lớn, từ 400 mã lực trở lên, tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới để tham gia bảo vệ biển đảo. Mức cho vay hỗ trợ từ 90-95% tổng giá trị của con tàu. Trong quá trình cho vay không phải thế chấp các tài sản khác mà thế chấp ngay từ giá trị con tàu hình thành từ vốn vay.
Lãi suất tại thời điểm thiết kế chính sách, lãi suất từ 7-9%/năm, nhưng chủ tàu và ngư dân chỉ trả 1-2% lãi suất cho suốt 11 năm, còn lại chênh lệch do ngân sách TƯ hỗ trợ từ nguồn Quốc hội phân bổ.
Theo số liệu đến ngày 21-5-2015, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp từ 28 địa phương có biển, đã có 648 con tàu được đăng ký. Trong đó, tàu mới vỏ thép chiếm gần 60%, công suất lớn hơn 800 mã lực là xấp xỉ 60%, có 78 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Trong số này, có 52 tàu đã ký hợp đồng, đang giải ngân 522 tỷ đồng. Có 10 tàu giải ngân hơn 50%, hai tàu giải ngân xong. Thời gian đóng tàu vỏ thép công suất lớn mất từ bảy tháng đến một năm, tùy theo công suất tàu. Trong khi đó, Nghị định mới có hiệu lực được chín tháng, thời gian đủ đóng một con tàu. “Vì thế, chính sách này đi đúng hướng và việc thực hiện chính sách không hề chậm”, Phó Thủ tướng nói.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã điều chỉnh một số điểm lớn của chính sách như sau: Cho phép sử dụng máy đã qua sử dụng khi nâng cấp tàu 400 mã lực trở lên, kể cả tàu gỗ. Giao các bộ nghiên cứu kéo dài thời gian cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới, vì theo phản ánh của địa phương, tàu vỏ thép và vật liệu mới giá trị đắt hơn rất nhiều so với tàu vỏ gỗ. Đồng ý hỗ trợ thiết kế tàu vỏ gỗ, tàu vật liệu mới có công suất lớn từ 400 mã lực trở lên và giao cho địa phương thực hiện, vì ngư dân quen đóng tàu vỏ gỗ nhiều đời nay, nhưng tàu vỏ gỗ lớn cần được thiết kế để bảo đảm an toàn.
Với sự giám sát của Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của bà con ngư dân, và sự nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng của Chính phủ, chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển sẽ mang lại nhiều kết quả.
Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh:
CPI khó dự báo trong trường hợp bất thường
Một số ý kiến của đại biểu nêu việc cần làm rõ về dự báo chỉ số CPI: Tại sao năm 2014 đưa ra kế hoạch là 7% nhưng đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII thì Chính phủ dự báo CPI ở mức 4,6%. Và kết thúc năm 2014, chỉ số CPI ở con số 1,84%.
Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, các tổ chức quốc tế thường dự báo theo tăng trưởng theo quý và quý sau có thể thay đổi theo tình hình biến động của thị trường. Trong khi đó, chúng ta thường lập kế hoạch cho năm, nên mọi dự báo tính toán ở thị trường hiện nhiều biến động như hiện nay là rất khó. Bên cạnh đó, các cơ quan làm dự báo của Việt Nam không có điều kiện thường xuyên tiếp cận trực tiếp với các tổ chức dự báo quốc gia trên thế giới mà chủ yếu thông qua hệ thống internet.
“Chúng ta xây dựng kế hoạch 7%, lý do tại sao? Mấy năm nay Chính phủ luôn đưa ra dự báo lạm phát ở khoảng 5-7%, bởi vì kết cấu nền kinh tế của chúng ta với nền công nghiệp lắp ráp, gia công và xuất khẩu rất lớn. Chính vì cơ cấu nền kinh tế như vậy nên các cơ quan dự báo mức tăng ở 5-7% là hợp lý. Đây là khoảng mức tăng tốt nhất cho mức tăng trưởng hiện nay”, ông Vinh lý giải.
Thời gian qua chúng ta phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng cần bảo đảm tăng trưởng của nền kinh tế. Mức điều chỉnh như vậy để chúng ta tạo dư địa cho chính sách tiền tệ và tín dụng, để bảo đảm cho đầu tư và để cho doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngay sau họp kỳ thứ tám, giá dầu thế giới đã có biến động giảm mạnh (60-70%), liên quan trực tiếp tới giá thành hàng loạt sản phẩm hàng hoá giảm theo và giá tiêu dùng theo đó cũng giảm. Trong khi cuối năm 2014, ngành nông nghiệp được mùa lớn, giá ổn định và không tăng, ngay cả giáp Tết Nguyên đán cũng không có sự tăng giá. Bên cạnh đó, một số dịch vụ công, một số mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục chưa tính vào trong giá thành; trong khi giá điện không tăng vào quý 4. Do không có tăng cơ học nên CPI 1,84% năm 2014 là bình thường, ông Vinh nói.
“Báo và dự báo trong trường hợp bình thường đã khó, còn trong trường hợp bất thường thì không thể dự báo được”, ông Vinh nhìn nhận.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng khẳng định những con số thống kê về giá trị xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc mà đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) dẫn ra tại nghị trường là hoàn toàn chính xác.
Theo ông Vinh, đúng là có sự chênh lệch số liệu giữa xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc, nhưng lý giải về vấn đề này chưa có sự thống nhất! Cho rằng việc các mặt hàng của Trung Quốc vào Việt Nam rất nhiều, tuy nhiên chênh lệch số liệu lớn như vậy hoàn toàn không được suy luận như vậy.
Số liệu xuất nhập khẩu hằng năm do Tổng cục Thống kê lấy số liệu từ Tổng cục Hải quan. Sau đó, khi xử lý số liệu do hải quan cung cấp gồm có Tổng cục Thống kê, Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước phối hợp để xử lý các số liệu này.
Theo ông Vinh, hiện nay tất cả các số liệu về xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước đều có sự chênh lệch này, chứ không riêng Trung Quốc. Thí dụ, số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore: thống kê của Việt Nam năm 2014 là 9,18 tỷ USD, trong khi Singapore thống kê là 16,1 tỷ USD.
Do cách thống kê của các nước khác nhau. Nhiều nước quy định xuất khẩu theo giá FOB, nhập khẩu theo giá CIF. Bên cạnh đó, hàng hoá đưa vào mỗi quốc gia tính một khác. Thí dụ, Trung Quốc không tính giá trị xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu nông sản (chủ yếu là gạo) 2,14 tỷ USD nhưng Trung Quốc ghi nhận mặt hàng này 0,71 tỷ USD thôi.
Trong bảy triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam thì thị trường Trung Quốc nhập khẩu 2,5 triệu tấn (chiếm gần 30%). Tuy nhiên, ông Vinh cho biết, nhập khẩu gạo từ Việt Nam của Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, tập trung ở Bát Xát (Lào Cai).
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh:
Mở rộng miễn thị thực du lịch và ngăn nạn chặt chém
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đưa ra ba giải pháp.
Thứ nhất, mở rộng miễn thị thực cho khách du lịch. Theo Bộ trưởng, Thái-lan hiện nay miễn thị thực cho 61 nước (trong đó miễn đơn phương 49 nước), Malaysia miễn thị thực đơn phương cho 155 nước, Singapore miễn thị thực cho 180 nước (trong đó miễn đơn phương 80 nước).
Thứ hai, đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá. Các nước đang thực hiện việc này rất mạnh. Thái-lan đầu tư 80 triệu USD/năm, Malaysia 100 triệu USD, Singapore đầu tư 130 triệu USD. Trong các năm qua, nhà nước ta đã tập trung cho công tác này, nhưng nguồn lực còn hạn chế. Hiện nay mỗi năm chúng ta có khoảng ba triệu USD, so với các nước còn khiêm tốn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
“Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội ủng hộ Chính phủ bằng cách tiếp tục miễn thị thực đơn phương cho một số nước nữa. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký Nghị quyết miễn thị thực đơn phương cho các nước này vào tháng 7 tới. Các nước còn lại, trên cơ sở các mối quan hệ sẵn có, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao sẽ nghiên cứu đề xuất và báo cáo Chính phủ xem xét”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.
Thứ ba, cần ngăn chặn nạn ăn chặn, chặt chém trong môi trường du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 18 nêu các việc cần phải làm, tập trung quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh dịch vụ niêm yết giá công khai, thành lập và duy trì đường dây nóng trực tiếp nhận, phản ánh vi phạm, xử lý kịp thời…
Bộ trưởng cho biết, ở các vùng trọng điểm du lịch, chính quyền địa phương đã quan tâm đến việc này. Lào Cai đã phạt tám khách sạn theo Nghị định 109 về vi phạm quản lý giá khách sạn khi niêm yết giá khách sạn ba sao lên 46 triệu đồng/đêm. Đà Nẵng phạt sáu khách sạn. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, một bữa ăn phải trả 22 triệu đồng ở quán Hàu Long Sơn đã bị xử lý về tội chặt chém khách, đưa vào danh sách khuyến cáo du khách không nên đến, rút giấy phép kinh doanh. Tại Quảng Bình, buộc khách sạn trả lại tiền cho khách du lịch vì tự ý nâng giá quá niêm yết…
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()