Thành ủy Lạng Sơn: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử
(LSO) – Song song với việc tập trung nghiên cứu, biên soạn các cuốn lịch sử, những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống trên địa bàn thành phố đã được Thành ủy Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, đôn đốc các đảng bộ, chi bộ, các ban, ngành đẩy mạnh biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống ngành. Theo đó, đến nay, thành phố đã biên soạn được 8 cuốn lịch sử đảng bộ xã, phường; 2 cuốn lịch sử truyền thống ngành quân sự, công an và lịch sử Đảng bộ thành phố giai đoạn 1945 – 2015. Sau khi phát hành, các cuốn sách này được gửi đến các chi bộ trực thuộc và được bày tại tủ sách của các đơn vị để phục vụ công tác tuyên truyền.
Thanh niên thành phố Lạng Sơn tham gia học tập chuyên đề Bác Hồ với Nhân dân Lạng Sơn
Bà Liễu Thị Diệp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: Hằng năm, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị lựa chọn một số nội dung liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử để đưa vào tuyên truyền lồng ghép trong các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng kết nạp đảng viên mới. Trung tâm cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các học viên đi thực tế, trải nghiệm hoặc tổ chức các hoạt động dâng hương, tri ân tại các di tích lịch sử trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, trung tâm mở từ 12 đến 15 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 800 học viên.
Bên cạnh đó, xác định giáo dục lịch sử địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho thế hệ trẻ, thời gian qua, Thành ủy đã chỉ đạo, định hướng ngành giáo dục đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy cho phù hợp. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là giáo viên tổng phụ trách Đội, giáo viên dạy bộ môn lịch sử và giáo dục công dân về một số chuyên đề lịch sử địa phương.
Trên cơ sở đó, nhiều trường đã đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử, điển hình là Trường THCS Hoàng Văn Thụ. Thầy Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong những năm qua, nhà trường đã tổ chức các chuyên đề giáo dục ngoài giờ lên lớp, linh hoạt trong tổ chức các tiết học lịch sử địa phương thông qua các chuyến thực tế về nguồn; mời các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử đến nói chuyện; tổ chức các cuộc thi để tìm hiểu về các sự kiện, nhân vật lịch sử… Qua đó, giúp các em học sinh hiểu và tự hào hơn về lịch sử vẻ vang của địa phương.
Cùng với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hằng năm, đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn cũng tổ chức các buổi nói chuyện, hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa; tổ chức tuyên truyền, giáo dục đoàn viên về các di tích, danh thắng trên địa bàn, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng các cuộc thi viết tìm hiểu về các nhân vật lịch sử của địa phương…
Các hình thức tuyên truyền giáo dục đa dạng, phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống cách mạng vẻ vang, hào hùng của mảnh đất, con người Lạng Sơn. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân, tạo khí thế thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Ý kiến ()