Thành ủy Hà Nội: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7
Ngày 30/8, tại Hà Đông, Thành ủy Hà Nội tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; "về công tác dân tộc"; "về công tác tôn giáo" trên địa bàn Thủ đô.
Ngày 30/8, tại Hà Đông, Thành ủy Hà Nội tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “về công tác dân tộc”; “về công tác tôn giáo” trên địa bàn Thủ đô.
Thành ủy Hà Nội trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc |
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) và các văn bản hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Tây trước đây, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.
Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị – xã hội ngày càng được nâng lên. Thông qua việc tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân và Hội nghị đại biểu nhân dân hằng năm, MTTQ đã mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Cùng với đó, các đoàn thể chính trị – xã hội không ngừng được quan tâm, tạo điều kiện phát triển đoàn viên, hội viên. Năm 2003, toàn Thành phố có 89 hội thì đến năm 2008 tăng lên 127 hội và đến nay là 134 hội; tại quận, huyện, thị xã có trên 200 hội và xã, phường, thị trấn là trên 3.000 hội. Các hội nhìn chung hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Đối với công tác dân tộc, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm… Điển hình trong 2 năm 2009 – 2010, Thành phố đã dành 155 tỷ đồng cho các chương trình phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ xã, thôn, hỗ trợ các dịch vụ nâng cao đời sống nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi. Cùng với đó, Thành phố đã thành lập 4 phòng dân tộc tại 4 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức và Quốc Oai; thực hiện cấp không thu tiền một số báo, tạp chí như báo Dân tộc và Phát triển, báo Thiếu niên nhi đồng miền núi, Tạp chí Dân tộc… giúp đồng bào dân tộc và miền núi nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đến nay, số cán bộ chủ chốt của xã là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 82 – 85%…
Từ năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo Thành phố và các quận, huyện, thị xã được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tôn giáo trên địa bàn. Công tác phát triển Đảng trong đồng bào có đạo cũng được quan tâm, hiện toàn Thành phố có trên 1,9 nghìn đảng viên là người có đạo, trong đó có 97 đồng chí tham gia cấp ủy, 164 đồng chí tham gia công tác trong các cơ quan Đảng các cấp; số lượng người có đạo tham gia vào bộ máy chính quyền nhà nước các cấp có gần 4.300 người. Hầu hết các cán bộ, đảng viên này đều phát huy được vai trò là hạt nhân trong các phong trào thi đua tại cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, triển khai Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX); chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, chưa gắn kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương với phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó vẫn còn những vấn đề dân sinh bức xúc, những vấn đề liên quan đến tôn giáo chậm được giải quyết, để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người. Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo có lúc có nơi còn buông lỏng, lúng túng, chưa phối hợp giải quyết kịp thời…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái lưu ý, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở nghiên cứu, quán triệt Kết luận 57, ngày 3/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chương trình hành động 23 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức với phương châm “gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp trong công tác tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân…
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã tặng bằng khen cho 46 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX).
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()