Thành tựu và khó khăn trong phát triển
Học sinh cấp THPT tham gia hội thi thực hành thí nghiệm các môn khoa học tự nhiên |
Mặt bằng mới về chất lượng
Bằng công tác đào tạo, bồi dưỡng, trong 5 năm qua, chất lượng đội ngũ giáo viên đã được nâng lên. Đến năm học 2015-2016, toàn cấp học có 1.629 cán bộ giáo viên và đã có 100% đạt chuẩn đào tạo, trong đó có 2 tiến sĩ, 179 thạc sĩ. Về chất lượng giáo dục, năm học 2014-2015, tỷ lệ học sinh giỏi đã ở mức 7,65% (gấp 2 lần), tỷ lệ học sinh khá là 45,39% (gấp 1,5 lần) kế hoạch đề ra; tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm; tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt 94,18% (đạt kế hoạch).
Thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của từng năm học, các trường THPT đã nêu cao quyền tự chủ của mình về vấn đề chất lượng; thực hiện “3 công khai” và dân chủ hóa trường học. Ngành đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục của cấp học. Tổ chức các hội thi đối với giáo viên, học sinh như các hội thi giáo viên dạy giỏi; hội thi khoa học kỹ thuật, thi kỹ năng thực hành… nhằm nâng cao kỹ năng thực hành đối với học sinh theo hướng “học đi đôi với hành”. Phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền nhằm trang bị kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh trung học. Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh có nhiều tiến bộ, số học sinh vi phạm kỷ luật nhà trường, vi phạm pháp luật giảm trên 10% so với giai đoạn 2005-2010.
Chưa đáp ứng quy mô phát triển
Thành phố Lạng Sơn có 3 trường THPT công lập với tổng số 3.500 học sinh (trừ 2 trường thuộc loại hình chuyên biệt là THPT dân tộc Nội trú và THPT chuyên Chu Văn An với tổng số 1.464 học sinh). Nhu cầu xây thêm trường để “giãn” học sinh của Trường THPT Việt Bắc là cấp bách. Trong quy hoạch, giai đoạn 2011-2015 sẽ có thêm Trường THPT thành phố với quy mô 24 lớp; tuy vậy, do Trường THPT chuyên Chu Văn An phải di chuyển nên chưa trở thành hiện thực. Hệ lụy tất yếu là Trường THPT Việt Bắc luôn trong tình trạng quá tải, năm học 2015-2016, nhà trường có đến 60 lớp với 2.036 học sinh. Thầy giáo Đặng Hùng Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: mặc dù đã được “chồng” thêm tầng để có phòng học, nhưng do số lớp quá đông nên chưa hội đủ các điều kiện để trở thành trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Được công nhận chuẩn quốc gia từ năm 2012, song từ nhiều năm nay, Trường THPT Cao Lộc vẫn có quy mô 52 lớp với trên 1.900 học sinh (vượt quy định của trường chuẩn quốc gia 12 lớp). Cô giáo Nguyễn Lương Hằng, Hiệu trưởng nhà trường vẫn mong “từng ngày từng giờ” về tiến độ của Trường THPT khu vực Ba Sơn nhằm “giãn” số lớp, số học sinh để nhà trường giữ chuẩn một cách thực chất.
Quy hoạch giáo dục giai đoạn 2011-2015, ngành GD&ĐT sẽ có thêm các trường: THPT thành phố Lạng Sơn, Hội Hoan (Văn Lãng); thị trấn Cao Lộc, Ba Sơn (Cao Lộc) và Tân Thành (Hữu Lũng). Trong những năm 2013-2015, nguồn vốn chương trình mục tiêu bị cắt giảm và đến nay không còn nên toàn tỉnh mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được 2 trường: gồm THPT thị trấn Cao Lộc và THPT Tân Thành (Hữu Lũng). Trong 3 trường còn lại thì có 2 trường chưa được khởi công (Trường THPT thành phố và Trường THPT Hội Hoan) hoặc trong tình trạng kéo dài và nợ vốn doanh nghiệp như Trường THPT Ba Sơn.
Quy hoạch nêu rõ là thu hút trên 80% học sinh tốt nghiệp vào lớp 10 THPT và thực tế những năm qua, tỷ lệ thu hút đã vượt quá 80%, năm học 2015-2016 đã đạt 84,35%. Tỷ lệ vào lớp 10 hệ chính quy cao, tiến độ thành lập và xây dựng trường mới chậm so với kế hoạch. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng “quá tải” ở một số trường THPT, làm chậm tiến trình xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Mặt khác, tỷ lệ huy động vào hệ chính quy cao, các trung tâm GDTX và loại hình dân lập sẽ “cạn” nguồn tuyển, làm giảm quá trình “phân luồng” học sinh sau THCS.
Ý kiến ()