Thành tựu to lớn - niềm tin mãnh liệt
Một nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành phần lớn dung lượng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH” đó là đưa ra hệ thống luận cứ để khẳng định tính tất yếu phải kiên định con đường đi lên CNXH mà Đảng và dân tộc ta đã sáng suốt lựa chọn.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đi lên CNXH là chân lý bất biến, là quy luật hình thành, phát triển và giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam!
Quả đúng vậy, khi chưa có Đảng, các xu hướng cách mạng và phong trào yêu nước dù diễn ra hết sức sôi nổi, rộng khắp, thậm chí phải trả giá bằng những hy sinh, mất mát to lớn, nhưng cuối cùng đều chưa mang lại thành công. Cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước, vạch định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc, gắn liền với CNXH thì ánh sáng cách mạng mới được soi rọi, chiếu sáng muôn nơi.
Đi theo con đường tiến lên CNXH, trải qua các thời kỳ, giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trước sau kiên định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Và trên thực tế, trong bất luận mọi tình huống, con đường và lý tưởng cao đẹp ấy chưa bao giờ bị xô ngã, lệch chuẩn, luôn là mục tiêu duy nhất và tối thượng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dốc sức hướng đến. Cũng bởi thế, trong những bước thực hiện mục tiêu CNXH, Đảng và dân tộc ta đã buộc phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ con người Việt Nam để làm nên những thắng lợi kỳ vĩ, khiến thế giới phải kính phục, ghi nhận.
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng/ Ảnh minh họa/ TTXVN. |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, con đường tiến lên CNXH của Việt Nam được thử thách bởi những biến cố lịch sử mang tính thời đại. Hơn nữa, trong suốt tiến trình cách mạng, kẻ thù đã không ngừng chống phá và chưa bao giờ buông bỏ dã tâm phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Chúng luôn thực hiện mưu đồ hòng làm mờ nhạt, xóa nhòa lý tưởng, lay chuyển mục tiêu, lật đổ chế độ XHCN thông qua các chiến lược chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ… Thế nhưng, với sự kiên định tuyệt đối với con đường mục tiêu đã chọn, không một thế lực có thể làm lung lay, thay đổi hoặc chuyển hóa lý tưởng cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
“Phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”-đó là sự khẳng định về dòng chảy chủ lưu của cách mạng thế giới; là chân lý thời đại mà mọi quốc gia, dân tộc phải hướng đến. Điều đó lý giải vì sao bạn bè thế giới luôn ghi nhận, trân trọng và chủ động bắt tay hợp tác cùng Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Dưới chính thể của một nước Cộng hòa XHCN, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Cùng với đó, Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế, có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Việt Nam hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại Liên hợp quốc (Ủy viên ECOSOC, Ủy viên Hội đồng chấp hành UNDP, UNFPA và UPU…), phát huy vai trò thành viên tích cực của Phong trào Không liên kết, Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, ASEAN…
Có thể nói, những kết quả đạt được trong mối quan hệ đan xen lợi ích đã củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, tạo ra thế cơ động linh hoạt trong quan hệ quốc tế, có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính đều đó minh chứng cho sự ghi nhận, tôn trọng về thể chế, chế độ của Việt Nam; khẳng định uy thế, vị thế của một nước XHCN trên trường quốc tế, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong bài viết: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Chúng ta cũng tường tỏ rằng, trong tiến trình lịch sử, nhân loại đã phải chứng kiến và trải qua biết bao thăng trầm, biến cố ngoài dự tính; buộc phải trẫm mình, ứng phó với các cuộc khủng hoảng và đại khủng hoảng diễn ra trên phạm vi khu vực và thế giới. Đặc biệt, năm 2008-2009, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới. Thế nhưng, giữa bão táp khủng hoảng, Việt Nam lại tìm ra đường đi khác biệt từ chính ưu việt của chế độ XHCN; tránh được nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế; sáng tạo “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để bứt phá đi lên.
Hay trong hai năm gần đây, đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của hơn 3,4 triệu người; “tấn công” mọi ngóc ngách, khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội; đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất. Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam còn phải oằn mình chống chọi lại những cơn siêu bão, những trận đại hồng thủy lịch sử, gây thiệt hại lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sự “chung sức, đồng lòng” của toàn dân, kiên định theo mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH đã giúp đất nước vững tiến, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Thế giới bày tỏ lòng cảm kích trước một Việt Nam sáng tạo, kiên cường khống chế, vượt qua đại dịch Covid-19; nể phục một dân tộc sâu nặng nghĩa tình, làm trọn nghĩa vụ quốc tế; thể hiện cao nhất và sinh động nhất tinh thần bất diệt của những người cộng sản hành động vì con người, vì dân tộc, vì đồng loại, vì nhân loại.
Chính trong gian khó, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam càng tỏa sáng; tính ưu việt của chế độ XHCN càng được khẳng định; sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, cùng sự năng động, sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam càng được bừng sáng!
Thật tự hào, khi cả thế giới lâm vào đợt suy thoái trầm trọng, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt 2,91%-mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới; đạt trung bình 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, nằm trong tốp 10 quốc gia đạt tăng trưởng cao nhất thế giới.
Càng thêm tự hào, khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Như vậy, chúng ta có thể tự tin khẳng định: Phát triển theo con đường tiến lên CNXH không chỉ là sự lựa chọn của dân tộc, là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam, mà là xu hướng tất yếu của thời đại. Hay nói theo cách khác: Chính những thành tựu to lớn, hiện thực sinh động trong quá trình phát triển đã khắc tạc nên niềm tin mãnh liệt về con đường cách mạng Việt Nam!
Ý kiến ()