Thành tựu của Việt Nam cũng là niềm vui chung của cộng đồng các nhà tài trợ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. ( Ảnh: TRẦN HẢI )* Cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ Việt Nam 6,485 tỷ USD Ngày 10-12, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) cuối kỳ 2012. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Vích-to-ri-a Qua-qua đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự, có đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam; đại diện các nhà ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, tổ chức doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế...CG cuối kỳ 2012 có chủ đề "Tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững", tập trung thảo luận các vấn đề chính như tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012, những ưu tiên cho năm 2013, trong đó trao đổi các vấn đề chính sách kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. ( Ảnh: TRẦN HẢI ) |
CG cuối kỳ 2012 có chủ đề “Tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững”, tập trung thảo luận các vấn đề chính như tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012, những ưu tiên cho năm 2013, trong đó trao đổi các vấn đề chính sách kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, cải cách hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam; phát triển giáo dục – đào tạo nghề, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, bảo đảm an sinh xã hội… Diễn đàn cũng là cơ hội để các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam thảo luận những nền tảng cần thiết để bảo đảm tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhận thấy, cần phải có những thay đổi trong phương thức tổ chức CG để diễn đàn này ngày càng đạt hiệu quả thiết thực. Việt Nam và các nhà tài trợ đã qua nhiều kỳ thảo luận, thống nhất kiến nghị và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thay thế Hội nghị CG từ năm tới bằng Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF). Diễn đàn mới này sẽ là một cơ chế đối thoại cấp cao, là nền tảng chủ yếu cho đối thoại chính sách phát triển giữa tất cả các đối tác phát triển đang hỗ trợ Việt Nam.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2013 dự báo vẫn là một năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia viện trợ. Chính phủ Việt Nam hiểu rằng, các nhà tài trợ cũng phải rất khó khăn trong việc cân nhắc phân bổ nguồn tài trợ trong khuôn khổ ngân sách ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên, Việt Nam mong muốn cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vì đây vẫn sẽ là nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đầu tư phát triển. Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để cải thiện tình hình thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, cải tiến phương thức đối thoại hiệu quả hơn.
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, đại diện các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ đánh giá cao những thành tựu mà Chính phủ đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là thành tựu về xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quyền bình đẳng con người, chăm lo việc làm, hỗ trợ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, góp phần thiết thực hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị với Chính phủ Việt Nam trong các chính sách vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển thời gian tới.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam V.Qua-qua tại diễn đàn CG đã khẳng định, cộng đồng quốc tế và Chính phủ Việt Nam cần sự quyết tâm, cam kết chính trị mạnh mẽ và có hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa. WB cam kết tiếp tục đồng hành, ủng hộ mạnh mẽ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ Việt Nam. Bà V.Qua-qua cũng cho biết: CG lần này là hội nghị cuối cùng tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước vốn là diễn đàn để thu hút nguồn lực ODA. Hiện nay, hầu hết các đối tác phát triển đã có những cam kết và thảo luận ODA riêng và chức năng huy động ODA của CG đã không còn phù hợp. Điều cần thiết hiện nay là cần có một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác về phát triển của Việt Nam. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ta-ni-da-ki Ya-xư-a-ki nhấn mạnh: Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp cụ thể về tái cấu trúc kinh tế những năm tới, trong đó cấp bách nhất là xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải giải quyết được vấn đề nợ xấu và tái cấu trúc lĩnh vực DNNN. Đại sứ Ta-ni-da-ki Ya-xư-a-ki khẳng định, tăng trưởng bền vững của Việt Nam là chìa khóa để ổn định và phát triển trong khu vực. Nhật Bản cam kết ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự cảm ơn các ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm, xây dựng, thiết thực của cộng đồng quốc tế luôn đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam; cảm ơn những đánh giá tốt về thành tựu đạt được trên các mặt của Việt Nam cũng như những ý kiến thẳng thắn nêu lên những hạn chế yếu kém của nền kinh tế. Thủ tướng trân trọng ghi nhận, tiếp thu những ý kiến hợp lý, trách nhiệm và mang tính xây dựng này.
Theo Thủ tướng, qua mỗi phiên họp CG trên suốt chặng đường 20 năm qua, các nhà tài trợ đã hợp tác, giúp đỡ và theo sát từng bước sự trưởng thành của Việt Nam, từ một quốc gia nghèo, kém phát triển những năm 1990 vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đồng thời Việt Nam đã sớm hoàn thành cơ bản các Mục tiêu Thiên niên kỷ và xóa đói, giảm nghèo. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng Việt Nam mà còn là niềm vui chung của các nhà tài trợ về sự hợp tác kiên trì, hiệu quả và rất thành công trong hơn 20 năm qua. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với sự hỗ trợ to lớn và vô cùng quý báu của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam thời gian qua.
Sau khi nêu bật những thành tựu nhiều mặt mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, đồng thời nêu rõ những khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày với cộng đồng quốc tế về các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và các năm tiếp theo, trong đó, tập trung vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo; nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực, Việt Nam vừa trải qua năm 2012 với rất nhiều khó khăn nặng nề, nhưng với quyết tâm, sự nỗ lực, sáng tạo của mình và sự giúp đỡ quý báu của các nhà tài trợ, Việt Nam đã giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Việt Nam tự tin vào những chính sách, biện pháp điều hành của mình để bước vào năm 2013 với quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin vững chắc vượt qua thách thức, đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu đạt kết quả phát triển cao hơn, tạo đà cho phát triển bền vững thời gian tới. Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính trị-xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đó cũng chính là quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam để phấn đấu vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” vươn lên phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh những nỗ lực, ý chí tự cường, Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng các nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành và hợp tác với Việt Nam trên chặng đường mới đầy thách thức, khó khăn này.
* Chiều 10-12, CG 2012 tiếp tục diễn ra các phiên họp với các chủ đề chính như: Vấn đề sửa đổi Luật Đất đai để phát triển toàn diện và bền vững; báo cáo của Diễn đàn chống tham nhũng, Diễn đàn hiệu quả viện trợ; đổi mới phương thức tổ chức CG (Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao).
* Cuối giờ chiều cùng ngày, CG 2012 đã bế mạc. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh công bố, tổng số tiền cộng đồng quốc tế cam kết tài trợ ODA cho Việt Nam năm 2012 hơn 6,485 tỷ USD, giảm khoảng 900 triệu USD so năm 2011 nhưng đây là khoản tài trợ lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới và các nước tài trợ gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Điều này thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào sự điều hành vĩ mô của Chính phủ Việt Nam, cũng như tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh và tương lai phát triển của Việt Nam. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, Việt Nam cam kết quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài trợ này.
* Ngay sau phiên bế mạc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam V.Qua-qua đồng chủ trì cuộc họp báo thông báo kết quả CG 2012. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bà V.Qua-qua cùng các quan chức khác đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo liên quan kinh nghiệm giải quyết nợ xấu; khoản tài trợ ODA; cơ chế diễn đàn trong năm tới…
Theo Nhandan
Ý kiến ()