Thành tựu của đầu tư nhân lực và kỹ thuật
LSO - Để tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, ngành y tế Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý thai nghén và nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh.
Cán bộ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh chăm sóc trẻ sơ sinh trong lồng ấp
Tăng cường quản lý trước sinh
Đã qua 2 lần khám thai và biết chắc là đứa con trong bụng mình vẫn phát triển bình thường, song chị Hoàng Thị Ái, xã Yên Khoái (Lộc Bình) vẫn dành thời gian ra trạm y tế xã khám lần thứ 3 để xác định khoảng thời gian sinh con và được tư vấn về những việc cần làm cho khi sinh. Chị nói rằng: phụ nữ nông thôn phải làm nhiều việc nặng nhọc nên rất dễ gây ảnh hưởng đến thai nhi; cách tốt nhất và yên tâm nhất là đi khám đúng kỳ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Chỉ những “con tôm” bằng giấy màu xanh, màu vàng được gài ngay ngắn, y sĩ Hoàng Thị Liên, cán bộ Trạm Y tế xã Yên Khoái nói với chúng tôi: “ Chiếc bảng này thể hiện sự quản lý thai sản toàn xã, vừa là theo dõi về kế hoạch hóa gia đình, vừa theo dõi sản phụ có thai quá hạn hoặc sinh đẻ ở nơi khác, vừa là nắm số thai phụ đã đẻ để có kế hoạch chăm sóc bà mẹ và trẻ em…”
Không chỉ ở Yên Khoái, mà hiện nay, tại tất cả các trạm y tế xã, công tác quản lý thai nghén luôn luôn được quan tâm, nó vừa là nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách dân số/KHHGĐ, vừa là nhiệm vụ của y sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh của trạm. Theo báo cáo của Sở Y tế, nếu cách đây 10 năm, số phụ nữ đẻ được quản lý chỉ ở mức 80%, thì đến năm 2015, tỷ lệ này đã đạt 98%- gần đạt mức bao phủ phổ cập toàn tỉnh. Được quản lý chặt chẽ, số phụ nữ có thai được khám thai 3 lần/3 kỳ đã đạt 76,8%, số phụ nữ có thai được tiêm đủ AT2 đã đạt trên 90% (12.564/13.960 người), phụ nữ đẻ được cán bộ y tế qua đào tạo đỡ đạt 98,24%. Tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế đạt 97,2%, tăng 2,5% so với mục tiêu đề ra đến năm 2015.
Là một tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn có tới 111/226 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã ATK, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều giữa các vùng miền, việc đầu tư về y tế cho cơ sở còn nhiều hạn chế… thì việc tiếp cận độ bao phủ phổ cập về quản lý trước sinh là một cố gắng lớn của ngành y tế nói riêng và các huyện, thành phố nói chung.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sơ sinh
Cùng với hoàn thiện và bổ sung đội ngũ y sĩ sản nhi, nữ hộ sinh cho các trạm y tế xã, ngành y tế đã tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cô đỡ thôn bản, triển khai đơn nguyên sơ sinh tuyến huyện; tập huấn người đỡ đẻ có kỹ năng và chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu, thẩm định tử vong mẹ, hồi sức cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Vì vậy, trình độ chuyên môn của đội ngũ này đã được nâng lên.
Thay mẹ cháu ngồi trực bên chiếc lồng ấp nhỏ nhắn, bà Vi Thị Nhật ở Cao Lộc nói với chúng tôi: “ Cháu được sinh ra trong tình trạng thiếu tháng, gia đình rất lo lắng. Được đưa vào chiếc “lồng ấp” này với những lời động viên của các y, bác sĩ, chúng tôi rất tin tưởng và yên tâm”.
Việc đầu tư trang thiết bị y tế trong chương trình nâng cấp và cải tạo bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đã tạo điều kiện cho nâng cao chất lượng chăm sóc sơ sinh. Với những “lồng ấp” được trang bị từ Trung tâm y tế các huyện, thành phố đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, các bà mẹ đã hoàn toàn yên tâm về con thiếu tháng, nhẹ cân hoặc gặp vấn đề về sức khỏe sơ sinh. Bác sĩ Hoàng Tiến Ninh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh cho biết: đối với những trường hợp đẻ thường, việc thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và 6 giờ đầu sau đẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế đã được các trạm y tế thực hiện tốt, chu đáo, tạo sự tin tưởng cho người dân. Đối với các trường hợp bất thường, sự phối hợp giữa chuyên khoa sản với chuyên khoa nhi và hồi sức cấp cứu có ý nghĩa đặc biệt để bảo vệ tính mạng cho mẹ và bé trong xử lý cấp cứu, hồi sức thai nhi ngay tại phòng đẻ. Tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của ngành về xử trí tai biến sản khoa, với tinh thần trách nhiệm rất cao của đội ngũ bác sĩ giỏi của tỉnh, rất nhiều trường hợp khó, hiếm gặp đã được xử lý tốt, đảm bảo “mẹ tròn con vuông” mà không phải chuyển về tuyến trung ương.
Các trung tâm y tế và Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh đã thực hiện tốt việc tiêm Vitamin K1, tiêm vắc xin phòng viêm gan B và các vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ sơ sinh. Năm 2015, toàn tỉnh đã có 7.394 trẻ được tiêm viêm gan B trước 24 giờ sau sinh, đạt 53%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại vắc xin đã đạt 98,2%.
Thành tựu của công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh là kết quả đồng bộ của việc đầu tư về kỹ thuật và nhân lực – 2 yếu tố đảm bảo cho thành công, góp phần cùng cả nước thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Bài, ảnh: Minh Hồng
Ý kiến ()