Thanh tra Việt Nam đổi mới, phát triển, xứng đáng truyền thống vẻ vang
Cách đây 65 năm, vào ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 64-SL thành lập ra Ban Thanh tra đặc biệt, là tổ chức tiền thân của ngành thanh tra Việt Nam. Ngày 23-11-1945 đã đánh dấu sự ra đời và từ đó trở thành ngày truyền thống của ngành thanh tra Việt Nam.Việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt đã thể hiện quan điểm, tư tưởng coi trọng việc xây dựng chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân ngay từ buổi đầu của chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, hoạt động thanh tra đã gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước, là công cụ thiết yếu của quản lý nhà nước, là phương tiện để kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân; hoạt động thanh tra góp phần thiết lập, giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và trong xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền...
Việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt đã thể hiện quan điểm, tư tưởng coi trọng việc xây dựng chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân ngay từ buổi đầu của chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, hoạt động thanh tra đã gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước, là công cụ thiết yếu của quản lý nhà nước, là phương tiện để kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của công dân; hoạt động thanh tra góp phần thiết lập, giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và trong xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) các tổ chức Thanh tra đã tập trung thanh tra việc thực hiện các chính sách, giảm tô, giảm tức, huy động sức dân phục vụ kháng chiến, thanh tra công tác quản lý tài chính, quản lý ngân sách ở các cơ quan, đơn vị quân đội, đã phát hiện ngăn ngừa các lệch lạc trong quản lý, xử lý nhiều vụ tham ô, lãng phí, củng cố mối quan hệ quân dân, góp phần động viên nhân dân ra sức sản xuất, huy động sức người, sức của phục vụ cho tiền tuyến.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975) công tác thanh tra đã bám sát các nhiệm vụ: khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và huy động sức người, sức của chi viện cho miền Nam để đẩy mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc (tháng 4-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự và chỉ đạo công tác thanh tra, trong đó Bác đã nhấn mạnh: Thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới. Bác đã yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ đảng phải quan tâm giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, ngành thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, các tổ chức thanh tra nhanh chóng được thành lập gắn liền với quản lý của các cấp chính quyền. Nhiệm vụ của ngành thanh tra lúc bấy giờ là tập trung chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, góp phần thắng lợi trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, để thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước của thời kỳ mới.
Trong giai đoạn đất nước đổi mới (từ năm 1986 trở đi), cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như: Pháp lệnh thanh tra, Pháp lệnh giải quyết khiếu nại, tố cáo, Pháp lệnh chống tham nhũng (sau đó các pháp lệnh này được nâng lên thành luật) đã tạo điều kiện để đưa tổ chức và hoạt động thanh tra trở thành nền nếp. Ngành thanh tra đã bám sát quá trình chuyển đổi, đổi mới về kinh tế và từng bước đổi mới về chính trị để đổi mới về tổ chức, hoạt động thanh tra. Giai đoạn này, toàn ngành đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra lớn và thanh tra chuyên đề, đồng thời, tăng cường thanh tra trách nhiệm quản lý hành chính, công vụ của các cấp chính quyền. Hoạt động thanh tra có tác dụng, hiệu quả tích cực góp phần thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời các yêu cầu bức xúc của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện để đất nước phát triển nhanh, vững chắc.
Từ năm 2006 đến 2010, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, cả nước đẩy mạnh công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế, ngành thanh tra đã có sự phát triển quan trọng về tổ chức và hoạt động. Bộ máy thanh tra các cấp đã được tổ chức lại theo hướng quản lý tập trung vào địa bàn, lĩnh vực, hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực phát triển khá nhanh, hình thành một mạng lưới thanh tra tương đối toàn diện, đồng bộ. Mỗi năm, ngành thanh tra đã tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý đất đai, khoáng sản, dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp – đô thị, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, thực hiện các chính sách xã hội, giáo dục, y tế, trật tự xã hội… Kết quả hoạt động thanh tra đã phát hiện kịp thời nhiều nhân tố tích cực, phát hiện và xử lý hàng trăm tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, giải quyết được hàng trăm nghìn vụ việc bức xúc của dân, giải oan và minh oan cho nhiều người. Hoạt động thanh tra đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, vị thế của ngành thanh tra ngày càng được khẳng định tốt.
Điểm nổi bật của công tác thanh tra trong năm năm qua là ngành thanh tra quan tâm đến đổi mới công tác thanh tra, đã chuyển từ thanh tra vụ việc sang thanh tra có chương trình mục tiêu; từ tập trung vào thanh tra kinh tế – xã hội sang thanh tra trách nhiệm hành chính công vụ; từ thanh tra theo cấp hành chính sang thanh tra chuyên đề, chuyên ngành, phối hợp thống nhất giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành; gắn công tác thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo, với công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đổi mới công tác thanh tra, ngành thanh tra đã quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế cho hoạt động thanh tra, với nhiều luật, nghị định, quy chế, quy trình nghiệp vụ được xây dựng, ban hành, đã tạo điều kiện để công tác thanh tra chuyển dần theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp. Đi liền với xây dựng thể chế, công tác tổ chức, cán bộ cũng được quan tâm đúng mức, nhất là việc xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy thanh tra, chú trọng quy hoạch, đào tạo cán bộ, chuẩn hóa cán bộ, đã tạo những chuyển biến lớn về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ toàn ngành. Nhờ đó mà hiệu quả hoạt động thanh tra tăng lên, tác dụng thanh tra ngày càng rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về các mặt.
Quá trình 65 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành của ngành thanh tra là một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ, phức tạp, thách thức nhưng nhìn lại, đánh giá lại chặng đường đã qua làm cho mỗi cán bộ chúng ta rất đỗi tự hào. Dù với tên gọi nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra cũng luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý của ngành là: 'Trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm' hết sức, hết lòng vì nhiệm vụ. Những đức tính ấy đã dần trở thành máu, thịt của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra. Không ít cán bộ thanh tra đã dành trọn đời để phấn đấu, cống hiến, trưởng thành và gắn bó với sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra hôm nay luôn thành kính tri ân và nguyện noi theo gương sáng của các đồng chí. Đồng thời cũng rất biết ơn Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, đoàn thể, nhân dân đã dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, động viên, cổ vũ ngành thanh tra trong 65 năm qua. Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, ngành thanh tra đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Đây là phần thưởng to lớn của Đảng, Nhà nước dành cho ngành thanh tra, là sự kiện đầy ý nghĩa động viên, cổ vũ sự phấn đấu của toàn ngành thanh tra. Từ sự kiện này cũng thêm động lực to lớn để ngành thanh tra tự tin bước vào thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn phát triển mới. Cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra luôn biết ơn Đảng, Nhà nước và nguyện sẽ đoàn kết, phấn đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để xứng đáng với truyền thống và xứng đáng với phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng.
Phấn khởi, tự hào với truyền thống vẻ vang qua 65 năm phấn đấu, phát triển, trưởng thành, ngành thanh tra cũng ý thức được rằng trách nhiệm của ngành trong thời gian tới là rất nặng nề và nhiều khó khăn, thử thách. Thời kỳ phát triển mới của đất nước sẽ đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn ngành thanh tra, nhất là yêu cầu về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, về kinh tế thị trường định hướng XHCN, về phát triển nhanh và bền vững, về hội nhập và phát triển sẽ là những vấn đề mà ngành thanh tra phải đối diện để giúp cho các cấp chính quyền xử lý có hiệu quả. Điều đáng quan tâm là bên cạnh những tiến bộ, thành tựu lớn, ngành Thanh tra cũng còn có hạn chế, yếu kém, bất cập trong tổ chức và hoạt động, nếu không có sự đổi mới, phát triển đúng đắn, sẽ là lực cản cho sự phát triển. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra đang trăn trở làm sao để xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng.
Tuy đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, ngành thanh tra sẽ vượt qua mọi khó khăn để tiến lên phía trước, sẽ giữ vững và không ngừng nêu cao truyền thống vẻ vang của ngành thanh tra. Với tinh thần trách nhiệm, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra trong thời gian tới thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế của hoạt động thanh tra, gắn với xây dựng quy chế, quy trình nghiệp vụ thanh tra, đưa công tác thanh tra đi vào nền nếp; từng bước chuyển biến công tác thanh tra theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp; khẳng định vị thế, vai trò, nhiệm vụ thanh tra trong hoạt động quản lý nhà nước, mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn.
Đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp tổ chức hoạt động thanh tra, thể hiện tính khoa học, cách mạng trong điều hành hoạt động thanh tra, thực hiện các nhiệm vụ thanh tra; nêu cao trách nhiệm, kỷ luật, tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong hoạt động thanh tra.
Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh, cán bộ thanh tra phải có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn phải tốt, phẩm chất đạo đức phải trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không có hành vi lợi dụng chức quyền để vụ lợi, tham nhũng. Gắn xây dựng cán bộ thanh tra với xây dựng văn hóa thanh tra, xây dựng hình ảnh cán bộ thanh tra có văn hóa.
Với niềm tin thắng lợi, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và sự ủng hộ của nhân dân, ngành thanh tra quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, biến quyết tâm thành hành động, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới, xứng đáng với lời dạy của Bác: Thanh tra là tai, mắt của trên, là người bạn của dưới; xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()