Thanh tra, kiểm tra thuế: Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả
– Những năm gần đây, ngành thuế đã không ngừng đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra thuế theo hướng vừa thực hiện tốt chức năng quản lý thuế, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế (NNT) trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực II hướng dẫn NNT thủ tục kê khai thuế tại cơ quan thuế
Hiện nay, cơ quan thuế trên địa bàn tỉnh đang quản lý thuế 2.913 doanh nghiệp; hơn 13.000 hộ kinh doanh. Những năm trước đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những trường hợp NNT nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách vẫn còn một số trường hợp NNT chấp hành chưa tốt hoặc còn để xảy ra sơ xuất trong quá trình kê khai, nộp ngân sách gây thất thu ngân sách. Chính vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được ngành thuế tập trung triển khai thực hiện.
Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những chức năng quản lý thuế được ngành thuế triển khai thường xuyên, liên tục, đúng quy định, kế hoạch được cấp trên giao. Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, ngành thuế đã không ngừng đổi mới phương thức, triển khai đồng bộ các giải pháp để vừa thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT trên địa bàn.
Trước hết, để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, ngành thuế tập trung thực hiện tốt công tác kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Những năm gần đây, ngành thuế đã tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro; kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế của NNT trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT. Cụ thể năm 2022, ngành thuế đã thực hiện kiểm tra 7.005 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 115% so với cùng kỳ năm 2021; 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế được 3.607 tờ khai thuế.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, ngành thuế đã đẩy mạnh điện tử hóa trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế. Nếu như trước đây, NNT phải trực tiếp nộp tờ khai tại cơ quan thuế thì hiện nay, gần 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp được triển khai trên môi trường điện tử. Cùng với đó, trong quá trình kiểm tra hồ sơ khai thuế, khi phát hiện sai sót, cơ quan thuế trao đổi thông tin với NNT trên môi trường điện tử một cách nhanh chóng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho NNT.
Việc thanh tra, kiểm tra thuế là các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế tại trụ sở của người nộp thuế (NNT) hoặc hoạt động kiểm tra của cơ quan thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Theo quy định tại điều 107 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, nguyên tắc của kiểm tra, thanh tra thuế là không cản trở hoạt động bình thường của NNT; khi kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở của NNT, thủ trưởng cơ quan thuế phải ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra; việc kiểm tra, thanh thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà NNT đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của NNT để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật… |
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Kế toán Công ty TNHH Đá Thượng Thành, huyện Chi Lăng cho biết: Những năm gần đây, ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng điện tử hóa vào trong công tác quản lý thuế nói chung, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể nếu như trước đây, việc khai thuế hoặc trao đổi thông tin, dữ liệu thanh tra, kiểm tra bằng bản giấy làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp thì hiện nay, các hồ sơ, thủ tục liên quan đều được xử lý trên môi trường điện tử. Qua đó tiết giảm thời gian, công sức cho NNT.
Ngoài việc điện tử hóa để tạo thuận lợi cho NNT, ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để rà soát, phân tích, lựa chọn kỹ các trường hợp để thanh tra, kiểm tra thuế bằng cách sử dụng các tiêu chí có điểm rủi ro cao khi lập kế hoạch kết hợp với nguồn thông tin, dữ liệu của ngành thuế và các thông tin thu thập từ bên thứ ba để phân tích các yếu tố rủi ro, từ đó xác định nội dung cần tập trung thanh tra, kiểm tra thuế.
Cùng với đó, ngành thuế tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn thuế để thực hiện thanh tra, kiểm tra trong vòng 1 năm (kể từ thời điểm hoàn thuế) đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao; quan tâm thay đổi quan điểm và cách thức thực hiện thanh, kiểm tra từ việc chú trọng thanh tra, kiểm tra sang hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ; công khai số điện thoại đường dây nóng của cơ quan thuế kèm các quyết định thanh tra, kiểm tra, thư ngỏ của lãnh đạo Cục Thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong việc thu thập, trao đổi thông tin liên quan để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế..
Song song với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Cục Thuế tỉnh, các chi cục thuế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Lạng Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra thuế, trên cơ sở các hồ sơ khai thuế của NNT gửi tới cơ quan thuế, công chức đội kiểm tra thuế đã thực hiện việc phân tích hồ sơ khai thuế tại bàn, yêu cầu NNT giải trình những nội dung có dấu hiệu rủi ro về thuế. Trên cơ sở đó yêu cầu NNT kê khai bổ sung hoặc điều chỉnh dữ liệu kê khai; thực hiện rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thực hiện kiểm tra đột xuất; kiểm tra theo kế hoạch… Từ năm 2022 đến nay, Chi cục Thuế thành phố đã kiểm tra 122 doanh nghiệp với số tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp trên 6 tỷ đồng.
Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, năm 2022, cơ quan thuế đã hoàn thành 354 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, tổng số thuế tăng thu là 71 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2023, ngành thuế hoàn thành 137 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, tổng số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 7,7 tỷ đồng.
Từ kết quả trên có thể thấy, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần tăng thu đáng kể vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra còn giúp NNT nắm bắt thêm thông tin, nâng cao ý thức chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách của mình. Từ đó, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 cũng như các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()