Thanh toán qua điện thoại di động dịp COVID-19 tăng 186% về giá trị
Để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, an ninh, an toàn, Ngân hàng Nhà nước đang đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp.
Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3 ngày 22/9, ông Nghiêm Thanh Sơn-Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công trong quý 3 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, trong 7 tháng qua, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 82,2 triệu món, giá trị đạt 59,1 triệu tỷ đồng (tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 475.900 tỷ đồng (tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 240,9 triệu giao dịch với giá trị đạt 15,2 triệu tỷ đồng (tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Đặc biệt, tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 574,4 triệu giao dịch với giá trị đạt 5,9 triệu tỷ đồng (tăng 184,2% về số lượng và 186,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, đến cuối tháng Bảy, số lượng thẻ đang lưu hành đạt mức 107,7 triệu thẻ (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019).
“Để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, an ninh, độ an toàn và tăng thêm tiện ích sử dụng thẻ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam. Dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sang thẻ chip đối với toàn bộ thẻ nội địa,” ông Sơn cho biết.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đối với phí chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống 24/7 của NAPAS có 45/45 ngân hàng đã thực hiện chính sách miễn/giảm phí cho khách hàng đối với các giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống). Theo đó, khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua NAPAS được miễn hoặc giảm phí. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Ông Sơn cho biết thêm, hiện thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi. Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang tích cực triển khai kết nối thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương.
Trong tháng Chín, Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã hoàn thành kết nối tới Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó hoàn thành tích hợp 2 dịch vụ công đầu tiên là nộp thuế phí trước bạ ôtô xe máy và nộp bảo hiểm xã hội (chiếm trên 50% nhu cầu thanh toán dịch vụ công hiện tại) và tiếp tục mở rộng ra các dịch vụ khác trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc huy động vốn bằng tiền ảo trong thời gian gần đây, ông Sơn khẳng định đó là hoạt động trái phép.
“Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này,” ông Sơn khẳng định.
Ý kiến ()