Thanh toán không dùng tiền mặt khó phát triển nếu thiếu truyền thông
Nếu khách hàng đã sử dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn không bao giờ quay trở lại dùng tiền mặt, nhưng để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó.
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức ngày 11/3 tại Hà Nội (được truyền trực tiếp trên fanpage của Báo điện tử Chính phủ).
Chính sách khuyến khích phát triển thẻ tín dụng an toàn
Nhấn mạnh vai trò của thẻ tín dụng, lãnh đạo NHNN cho rằng: thẻ tín dụng, trong đó có thẻ tín dụng nội địa góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Trong thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa.
Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Hai là, tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.
Ba là, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Cuối cùng, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh phát triển thẻ tín dụng, ông Phạm Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng.
“Phải bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề được nhiều người quan tâm liên quan đến bảo mật, ông Lê Thanh Hà, Trưởng tiểu ban Rủi ro (Hội Thẻ Việt Nam) nêu một số khuyến nghị với người dùng thẻ: khách hàng không đưa thẻ của mình cho bất cứ người nào khác, trừ nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân của đơn vị chấp nhận thanh toán được chỉ định để làm việc với khách hàng. Khi thu ngân thực hiện giao dịch phải trong tầm quan sát của khách hàng. Đối với nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ nên đưa thẻ cho nhân viên của ngân hàng khi thực hiện các giao dịch/thủ tục tại các điểm giao dịch của ngân hàng, không đưa thẻ ở các địa điểm bên ngoài điểm giao dịch của ngân hàng.
Khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cung cấp cho khách hàng các công cụ để khách hàng có thể chủ động quản trị thẻ thông qua các ứng dụng hoặc các trang web.
Theo đó, khách hàng có thể chủ động tạm thời đóng/mở thẻ, đóng/mở chức năng thanh toán trực tuyến. Khi khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tạm thời khóa thẻ, trường hợp khách hàng mở ra chi tiêu thì nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch; khách hàng cũng đồng thời có thể cài đặt các hạn mức thanh toán (số tiền giao dịch/lần/ngày),
Trưởng tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam cảnh báo khách hàng không nên cung cấp các thông tin như thông tin thẻ (số thẻ, ngày hết hạn, họ tên trên thẻ,…), thông tin cá nhân (số CMND/CCCD), mã OTP, …để tránh các trường hợp giả mạo.
Thị trường có nhiều tiềm năng phát triển
Theo các chuyên gia, đến nay Việt Nam chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu dân thì còn rất nhỏ. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỉ đồng. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới các ngành, các quy trình phát hành thẻ tín dụng đang được các ngân hàng chú trọng thay đổi theo hướng số hóa thông qua phương thức xác thực khách hàng số (eKYC) và cấp hạn mức trước cho các khách hàng sử dụng thường xuyên các dịch vụ của ngân hàng (Pre-approval Limit)…
Theo Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội & TP.HCM, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao (34%). Đặc biệt, thẻ tín dụng đang là một công cụ thanh toán không thể thiếu trong tương lai nhờ những chính sách cho việc mở thẻ ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện và khách hàng ngày càng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán.
Về xu hướng thanh toán thẻ tín dụng trên toàn cầu, ông Nguyễn Quang Minh – Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết: trong 2 đến 3 năm gần đây, ngân hàng đã thay đổi rất nhanh từ quy trình truyền thống sang công nghệ cùng nhiều sản phẩm phi truyền thống để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Ông Minh lấy ví dụ về hồ sơ tín dụng, nếu trước đây khách hàng được đánh giá qua hồ sơ tín dụng rất truyền thống thì hiện nay đã sử dụng chấm điểm tín dụng, không cần dựa trên lịch sử tiêu dùng của khách mà có thể theo những thông tin liên quan.
Một xu hướng khác nổi lên hiện nay là thanh toán mua trước, trả sau (Buy Now Pay Later); Tokenization và nâng cao an toàn bảo mật trong thanh toán. Cuối cùng là eKYC và đồng nhất trải nghiệm của khách hàng.
“Thẻ tín dụng nội địa NAPAS là sản phẩm giúp hoàn thiện hệ sinh thái thẻ chip nội địa theo định hướng của NHNN góp phần đẩy lùi tín dụng đen, góp phần vào thành công của định hướng Xã hội không dùng tiền mặt của Việt Nam”, Phó Tổng giám đốc NAPAS nói.
Ý kiến ()