Thành tố quan trọng để đổi mới giáo dục
Việc giáo dục theo quan điểm và phương pháp đổi mới phải nhằm phát triển năng lực, phẩm chất giúp người học củng cố kiến thức, tham gia xã hội có hiệu quả và rèn luyện kỹ năng sống, các phẩm chất, phong cách học tập suốt đời sau này; giáo dục phải thay đổi để học sinh được làm chủ; chú trọng tính sáng tạo, tính độc lập, tính tích cực trong phát triển nhân cách của người học; dạy học và giáo dục thông qua tổ chức các hoạt động của học sinh; biến nó trở thành trung tâm của quá trình giáo dục; chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, phương pháp tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề; tăng cường học tập của mỗi cá nhân, phối hợp giữa học hợp tác với học nhóm tạo ra môi trường học tập tương tác, thầy-trò, trò-trò, từ đó phát huy năng lực của mỗi học sinh; dạy học trên những gì các em đã có, qua trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế, giúp học sinh làm việc độc lập, tổ chức công việc để giải quyết các đòi hỏi của xã hội và nhu cầu đa dạng, phức tạp của công việc sau này; giáo viên hướng dẫn mang tính định hướng, không áp đặt trong quá trình học của học sinh; kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò…
Đối với việc thay đổi nội dung và cấu trúc của SGK phải phục vụ mục đích của đổi mới giáo dục, đổi mới sư phạm và nhất là đổi mới phương pháp dạy học, theo định hướng tiếp cận năng lực cho học sinh. Yêu cầu này không những thể hiện sự đổi mới đồng bộ mà còn bảo đảm cho mục tiêu đổi mới giáo dục thành công một cách toàn diện và triệt để.
Bản chất quá trình học tập theo phương pháp mới được diễn ra thông qua đối thoại và tương tác giữa học sinh với học sinh và giữa học sinh với giáo viên. Vì thế, SGK đổi mới cần được hiểu như là tài liệu “hướng dẫn học”, được thiết kế dưới dạng các hoạt động, dùng chung cho học sinh và giáo viên. Như vậy, khác với SGK truyền thống, tài liệu “hướng dẫn học” không chỉ nhằm cung cấp thông tin, kiến thức mà chú trọng việc hướng dẫn học sinh phương pháp học tập và tư duy, phát triển tính chủ động, sáng tạo, tự tin, các năng lực tự học, giải quyết vấn đề, hợp tác nhóm, thực hành, vận dụng… cho học sinh. Trong tài liệu “hướng dẫn học”, quy trình học và nội dung học được lồng ghép. Mỗi mô đun, mỗi bài học được thiết kế thành một hệ thống các hoạt động cụ thể, đa dạng, kết hợp các hình thức làm việc cá nhân, theo cặp, theo nhóm, theo lớp (trong đó, hình thức hoạt động theo nhóm là chủ yếu); kết hợp giữa hoạt động tìm hiểu kiến thức, rèn luyện kỹ năng với hoạt động thực hành, vận dụng gắn với cuộc sống thực tiễn của học sinh nhằm đạt được các mục tiêu dạy học đặt ra. Mục tiêu thiết kế của tài liệu là hướng trọng tâm vào học sinh, vì thế phương pháp học của học sinh được quan tâm đúng mức hơn so với phương pháp dạy của giáo viên. Tài liệu được viết dạng mở sẽ tạo cho các giáo viên, các nhà trường điều chỉnh nội dung, bảo đảm chất lượng giờ dạy, chất lượng giáo dục. Với cách này, giúp giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp và thường xuyên phải tương tác nhiều hơn tới học sinh. Như vậy, trên các nguyên tắc này, cấu trúc của tài liệu “hướng dẫn học” phổ thông bậc giáo dục cơ bản, luôn được bảo đảm có năm phần cơ bản gồm: Mục tiêu bài học; Hoạt động trải nghiệm; Hoạt động cơ bản; Hoạt động thực hành; Hoạt động ứng dụng.
Ngoài ra, nội dung trong tài liệu “hướng dẫn học” phải phù hợp đặc trưng của môn học và cấp học. Đặc trưng môn học cần phải phù hợp khoa học tương ứng, nhằm cung cấp kiến thức các khoa học hay lĩnh vực học tập cơ bản ở phổ thông (ngôn ngữ, toán, khoa học, xã hội, công nghệ, nghệ thuật và giáo dục sức khỏe và thể chất). Nội dung trong tài liệu “hướng dẫn học” cần tinh giản, ưu tiên thời gian cho hoạt động học và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; phù hợp đặc trưng tâm, sinh lý lứa tuổi của học sinh; đặc biệt lứa tuổi bậc giáo dục cơ bản, bảo đảm tính vừa sức của các em; hình thức đẹp, hấp dẫn, phù hợp kích cỡ cho học sinh, có bìa cứng, dùng lâu dài nhiều năm, sách dùng chung và để tại lớp, tại trường, hạn chế học sinh phải mang về nhà.
Khi có nhiều bộ sách cùng viết theo chuẩn chương trình quốc gia, thì yêu cầu quá trình biên soạn, thẩm định và ban hành tài liệu “hướng dẫn học” là vô cùng quan trọng, nó bảo đảm cho SGK đa dạng, đáp ứng nhu cầu và đặc điểm vùng miền, đặc điểm đối tượng khác nhau của tất cả học sinh Việt Nam. Trước hết, cần có người “nhạc trưởng”, tổng chủ biên bộ SGK, với kiến thức chuyên sâu về khoa học sư phạm, biết quy tụ, phát huy năng lực và phẩm chất của từng tác giả cho chất lượng của bộ sách. Tác giả SGK phải đủ cơ cấu các thành phần, gồm nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, nhà quản lý ở trung ương và cơ sở và đặc biệt phải có đại diện các giáo viên giỏi, những người có tinh thần đổi mới tham gia vào quá trình viết, thử nghiệm và thẩm định SGK.
SGK phải được thử nghiệm theo quy trình khoa học, được thẩm định và được sự đồng tình cao của các giáo viên và cán bộ quản lý trực tiếp ở các trường cũng như các cơ sở giáo dục trong cả nước.
Ý kiến ()