Thứ 4, 27/11/2024 13:31 [(GMT +7)]
Thành thạo hai ngoại ngữ, khởi sự bằng trà đá
Thứ 7, 06/11/2010 | 15:49:00 [(GMT +7)] A A
Nước da con gái đen sạm vì nắng gió, bụi đường, Trần Thị Nhung, sinh viên khoa Tiếng Anh, Viện ĐH Mở Hà Nội vẫn ngày ngày ra vỉa hè đường Lê Văn Lương bán trà đá, tích góp những đồng vốn nhỏ cho công việc kinh doanh sau này.
Trần Thị Nhung trò chuyện với khách.
Nhung có thể trò chuyện khá thành thạo bằng hai ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Sau thời gian trải nghiệm những công việc làm thêm như phiên dịch, phục vụ nhà hàng nước ngoài…, cô gái quê gốc Nam Định lại quyết định chọn bán trà đá, công việc của những người lao động trên vỉa hè.
Hỏi Nhung lý do, cô gái chỉ cười tươi giải thích: “Vì công việc này rất linh hoạt về thời gian, phù hợp cho những lúc mình muốn ôn thi không đi bán hàng được thì cũng không ảnh hưởng đến ai. Nó cũng cho thu nhập khá lắm.”
Gia đình Nhung buôn bán vật liệu xây dựng, hoàn toàn không thiếu thốn vật chất để nuôi con ăn học. Hỏi kỹ ra mới biết, Nhung chọn bán trà đá không đơn thuần là vì thời gian linh hoạt, mà còn vì lý do sâu xa hơn: Cô gái trẻ này không thể chịu nổi cảnh… làm thuê.
“Đi làm thuê nhiều rồi nhưng cuối cùng vẫn thấy thực sự … không hợp. Mình muốn làm chủ một cái gì đó của riêng mình.”- Nhung chia sẻ.
Bán trà đá tuy là công việc dễ dàng nhưng với Nhung, cô sinh viên đang nuôi khát vọng làm kinh doanh trong tương lai thì việc nhỏ nhưng táo bạo này là bước chuẩn bị cho công việc lớn sau này.
“Ban đầu, bố mẹ không tin tưởng lắm khi mình nói muốn kinh doanh. Mình bắt đầu bằng những việc nhỏ và đơn giản như thế này để bố mẹ thấy rằng, việc nhỏ mình làm tốt thì những việc phức tạp hơn, cũng sẽ làm được.”
Công việc của Nhung mang lại cho cô nhiều hơn những gì người ta thường thấy với người lao động trên vỉa hè.
Nhung ăn nói lịch sự, dễ nghe, nụ cười thân thiện, cởi mở và luôn biết chấp nhận tính cách, đặc điểm của mỗi kiểu người dừng chân ở quán của cô uống nước. Vì thế, từ quán nước vỉa hè, cô có thêm những người bạn mới, thành đạt và có kinh nghiệm trong cuộc sống.
Cô đặc biệt ấn tượng với một kỹ sư làm chủ thầu công trình xây dựng gần đó vẫn hay cùng công nhân vào quán.
Qua họ, cô biết anh là người chủ luôn cùng ăn với công nhân bữa cơm đạm bạc, sẵn sàng băng rừng, ngủ lán với công nhân trong những lần đi xây dựng ở những vùng sâu, vùng xa, sẵn sàng trả công xứng đáng cho những thành công của anh em…
“Những người làm việc cùng anh ấy nói với mình: họ sẵn sàng làm việc hết mình cho anh ấy khiến mình hình dung ra một hình mẫu người chủ trong tương lai.”- Nhung chia sẻ một bài học từ vỉa hè.
Trần Thị Nhung và khách hàng quen thuộc.
Sau khi ra trường, Nhung bày tỏ ý muốn kinh doanh mặt hàng nước giải khát. Cô đã cùng bạn lập kế hoạch nhưng vẫn muốn giữ bí mật.
Mặc dù kinh doanh là con đường luôn tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ và nợ nần nhưng Nhung cho biết: Cô hoàn toàn không sợ thất bại. Điều Nhung cố gắng là tìm ra cách để vượt qua thất bại đó và tiếp tục lập nghiệp. Vì điều này, cô gái trẻ tâm sự đã rất nhiều đêm thức trắng suy nghĩ về nó.
Đặc biệt, Nhung thể hiện một suy nghĩ khá lạ về mô hình tổ chức kinh doanh của mình.
Từ rất lâu, nguyên nhân chính khiến cô gái trẻ sớm nói lời tạm biệt với những công việc làm thêm là vì: hoặc là việc ấy quá nhàm chán, hoặc là đòi hỏi phải làm việc rất nhiều nhưng người chủ chỉ trả cho nhân viên một khoản tiền lương ít ỏi.
“Khi nhận thấy không được trả xứng đáng, mình cảm thấy tiếc công sức lao động lắm. Từ ngày ra vỉa hè làm viêc, chứng kiến công nhân ngày nào cũng làm việc rất vất vả nhưng đồng lương chỉ đủ sống, mình càng thấy quý sức lao động của mọi người bỏ ra.
Vì thế, những người làm việc cùng mình trong tương lai sẽ được trả công xứng đáng với những gì họ làm ra. Mình không muốn trên vai trò người chủ, mình và họ quá chênh lệch về thành quả lao động của cả đội ngũ, trong khi đó họ là người trực tiếp đổ rất nhiều công sức cho công việc!”.
Đó là suy nghĩ của cô chủ tương lai Trần Thị Nhung. Cô chủ quán nước hiện tại đôi khi bị chính khách hàng của mình ép lấy thêm tiền hàng và bị phê bình là “dại”. Không ít khách hàng phải tròn mắt khi vào ngày cuối cùng của Đại lễ, Nhung đi bán hàng trở lại, những chai nước ngọt vẫn được cô bán với giá ngày thường và rẻ hơn các quán nước thông thường.
Nhung cười vui: Nhiều người lợi dụng thời cơ để tăng giá gửi xe, giá nước uống. Mình đi vào mấy khu tưởng niệm, khu du lịch, chai nước chỉ đáng giá 3-4 nghìn đồng, họ bán với giá 10 nghìn đồng. Mình không cần phải lãi nhiều đến thế vì đó thực sự không phải là những đồng tiền mình xứng đáng được nhận.
Nhung gọi đó là kiểu “bóc lột sức lao động của người khác một cách gián tiếp!”.
Thế nên cái kiêu hãnh vốn có của hầu hết những người được xem là “có học” trước người dân lao động chân tay không có nơi Nhung. Khách quen của quán là họ nên Nhung bán cái gì cũng rẻ. Bởi “ngày nào họ cũng ra đây uống nước, dân lao động lấy đâu ra nhiều tiền mà ngày nào cũng tiêu đến 4, 5 nghìn tiền nước!”.
Nhiều người phê bình “lấn chiếm vỉa hè”, Nhung nói: “Có một quan chức khi nhìn thấy dân phòng xua đuổi thô bạo, giật hàng của những người bán rong đã gọi đó là hành động thiếu đạo đức. Đất nước mình còn nghèo, làm sao tránh khỏi cảnh những người dân bỏ quê ra thành phố kiếm sống…
Mình cũng biết điều đó nên luôn cố gắng không bành trướng vỉa hè đến mức mọi người không có lối để đi. Những ngày Đại lễ, mình biết ý nên nghỉ bán để đường thông hè thoáng!
Sau này bước vào kinh doanh, tạm biệt vỉa hè rồi, mình sẽ luôn cố gắng tuân thủ pháp luật của Nhà nước!”
Cô chủ quán sinh viên có đôi mắt sáng, nụ cười tươi cũng khiến những vị khách nước ngoài vào quán uống nước rất có cảm tình.
Nhung không bỏ qua cơ hội nào để luyện tiếng Anh thông qua người bản ngữ. Vậy nên có một kỷ niệm vui đến giờ Nhung vẫn nhớ. Một người bạn nước ngoài sau khi nói chuyện với cô đã nói: “Could you become my girlfriend?” ( Em có thể trở thành người yêu của tôi không?)”
Nhung cười vui vẻ: “Vì ngại sự khác biệt về văn hoá nên đến bây giờ bọn mình vẫn là bạn!”
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()