Thành quả quan trọng về công tác biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia
Hội nghị Tuyên truyền Công tác Biên giới trên Đất liền Việt Nam-Campuchia nhằm tuyên truyền sâu rộng thành quả mà hai nước đạt được trong quá trình hợp tác chặt chẽ, nỗ lực cùng nhau giải quyết.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Ngày 22/11, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị Tuyên truyền Công tác Biên giới trên Đất liền Việt Nam-Campuchia năm 2023.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương có liên quan và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những thành quả quan trọng mà hai nước Việt Nam và Campuchia đã đạt được trong quá trình hợp tác chặt chẽ, nỗ lực cùng nhau giải quyết vấn đề biên giới.
Đây cũng là dịp để động viên, khích lệ tinh thần của các lực lượng chức năng và nhân dân các địa phương khu vực biên giới quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình yêu cầu các bộ, ban, ngành có liên quan và các địa phương nâng cao hơn nữa nhận thức sâu sắc về vị thế và uy tín của đất nước, của công tác bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong tình hình mới.
Công tác tuyên truyền về các vấn đề biên giới, lãnh thổ cần tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, triển khai các nội dung về biên giới quốc gia trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương, cơ sở.
Các đơn vị cần kịp thời phát hiện và ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các quan điểm, thông tin và hành vi lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, dân tộc, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cũng đề nghị đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, trong đó có công tác tuyên truyền bằng tiếng Khmer, ngôn ngữ các dân tộc ít người ở khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia cũng như trên các phương tiện truyền thông hiện đại để nhân dân hai nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới đồng thuận, thống nhất, nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo về quan hệ Việt Nam-Campuchia và phương hướng hợp tác trong thời gian tới; công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý, bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng và một số vấn đề lưu ý đối với lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ biên giới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong tình hình hiện nay; những bài học kinh nghiệm và vấn đề cần quan tâm trong triển khai công tác quản lý biên giới trên thực địa tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia thuộc tỉnh Kiên Giang; tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia và một số vấn đề cần lưu ý đối với công tác biên giới tại tỉnh Kiên Giang trong tình hình mới…
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có vị trí địa-chính trị rất quan trọng, là tâm điểm kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, đa dạng về văn hóa, xã hội.
Trong quá trình phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia là hai Đảng có chung cội nguồn, được hình thành từ Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân hai nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thông tin về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên đã chủ động phối hợp tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ và chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương.
Kết quả đạt được trên các lĩnh vực đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở mỗi nước; tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia; đồng thời góp phần nâng cao vị thế của hai Đảng, hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Về biên giới lãnh thổ, hai nước có đường biên giới dài khoảng 1.258km trên đất liền đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) tiếp giáp với 9 tỉnh biên giới Campuchia (Rattanakiri, Mondukiri,Tboung Khmum, Kratie, Svay Rieng, Pray Veng, Kandal, Takeo và Kampot).
Đến nay, hai nước đã hoàn thành phân giới khoảng 1.045km, xây dựng được 2.048 cột mốc tại 1553 vị trí trên thực địa, gồm 315 cột mốc chính tại 264 vị trí, 1.511 cột mốc phụ tại 1.068 vị trí và 221 cọc dấu.
Việt Nam-Campuchia đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định Biên giới Quốc gia năm 1985 và Hiệp ước Bổ sung năm 2005 (gọi tắt là Hiệp ước Bổ sung năm 2019) và Nghị định thư Phân giới, Cắm mốc Biên giới Đất liền.
Hai nước cũng đã tổ chức trao nhận bản đồ địa hình biên giới. Việc ký hai văn kiện pháp lý này có ý nghĩa to lớn, đặt nền tảng để hai bên duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực biên giới.
Hiện nay, hai nước còn khoảng 213km đường biên giới chưa hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc và đang tiếp tục đàm phán giải quyết vấn đề này.
Dịp này, Ban Tổ chức hội nghị tặng 7 phần quà cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng biên phòng có hoàn cảnh khó khăn đang thực hiện vụ trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang)./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/thanh-qua-quan-trong-ve-cong-tac-bien-gioi-tren-dat-lien-viet-nam-campuchia-post909150.vnp
Ý kiến ()