Thành quả của ''mục tiêu kép''
Trong tháng 4-2021, cả nước có gần 14.900 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 179.900 tỷ đồng, tăng 33,1% về số doanh nghiệp, 59,1% về vốn so với tháng 3-2021. Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.745 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với tháng 3-2021 và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (cao nhất giai đoạn 2017-2021), với tổng vốn đăng ký là 627.700 tỷ đồng, tổng số lao động là 340.300 người, tăng 17,5% về số doanh nghiệp, 41% về vốn, 7,8% về lao động so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả 792.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm thì tổng số vốn đăng ký bổ sung trong 4 tháng đầu năm 2021 là 1,42 triệu tỷ đồng. Và nếu tính cả 19.300 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tổng số doanh nghiệp ra đời và hoạt động trở lại trong 4 tháng qua là 63.400 đơn vị.
Có thể khẳng định, đây là tín hiệu tích cực, phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp sau thành công của việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua; đồng thời, là tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Niềm tin này đến từ việc Việt Nam luôn chủ động, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các phương án phòng, chống dịch được triển khai linh hoạt, ứng phó nhanh với từng cấp độ dịch bệnh và từng khu vực, nhằm ngăn chặn dịch lây lan nhưng cũng giữ cuộc sống ở trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương cũng triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn, giảm phí, lãi suất tín dụng…, đến bảo đảm lưu thông hàng hóa, kích cầu thị trường trong nước…, để không làm đình trệ sản xuất, kinh doanh.
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp cũng đến từ việc môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, những thủ tục hành chính mang tính “rào cản” được gỡ bỏ, giúp tiết giảm thời gian, chi phí và mở ra những cơ hội đầu tư mới cho người dân, doanh nghiệp. Niềm tin đó ngày càng tăng khi lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định. “Mục tiêu kép” song hành, hỗ trợ lẫn nhau đã giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tiếp tục tăng 4,48%, trong đó nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng hồi phục mạnh mẽ, gần bằng với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Thành quả này giúp chúng ta vững tin trong chặng đường còn lại của năm 2021, song cũng đòi hỏi phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, bởi dịch Covid-19 vẫn đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 làm số ca nhiễm Covid-19 những ngày qua tăng nhanh. Dù dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng từng cấp, ngành, doanh nghiệp và từng cá nhân tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là.
Ở góc độ kinh tế, tuy đà tăng trưởng được duy trì, song mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn rất lớn. Thống kê trong 4 tháng đầu năm 2021, bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới cũng có tới 51.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 15.900 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, thì cũng có gần 12.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2021, Chính phủ kêu gọi, động viên, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để mọi người, mọi nhà tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; kiên định thực hiện “mục tiêu kép”; chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Cụ thể là, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, quyết liệt trong hành động; tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Những giải pháp lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng đã được chỉ ra. Đó là: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là với những dự án hạ tầng lớn, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; tiết kiệm chi đi đôi với đẩy mạnh thu ngân sách từ các nguồn thu bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp như một cách nuôi dưỡng nguồn thu; tận dụng đà phục hồi để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu…
Số doanh nghiệp gia nhập hay rời khỏi thị trường như “hàn thử biểu” đo “sức khỏe” của nền kinh tế. “Mục tiêu kép” mà chúng ta kiên trì, tự tin thực hiện là cách để biến những triển vọng, cơ hội thành kết quả phát triển cụ thể.
Ý kiến ()