Thành phố Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu trở thành đô thị loại I
Thành phố Thanh Hóa có vị trí, vai trò quan trọng trong vùng động lực kinh tế của tỉnh Thanh Hoá. Là 1 trong 14 đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thành phố Thanh Hoá đang nỗ lực phấn đấu để trở thành đô thị loại I vào năm 2015.
Thành phố Thanh Hóa có vị trí, vai trò quan trọng trong vùng động lực kinh tế của tỉnh Thanh Hoá. Là 1 trong 14 đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thành phố Thanh Hoá đang nỗ lực phấn đấu để trở thành đô thị loại I vào năm 2015.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Trọng Quy – Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: Thành phố Thanh Hoá là trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ – Nam Bắc Bộ; là nơi cung cấp các dịch vụ hậu cần quan trọng cho Khu Kinh tế Nghi Sơn – 1 trong 5 khu kinh tế lớn nhất của cả nước. Ngoài việc tự phát huy nội lực để đầu tư xây dựng và phát triển, thành phố còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua các chủ trương, các định hướng phát triển, các chương trình, đến các dự án đầu tư mang tính chiến lược cấp vùng và cấp quốc gia.
Một tuyến đường phố của TP Thanh Hoá mới được nâng cấp (Ảnh: Đặng Hiếu) |
Những năm qua, thành phố Thanh Hóa luôn phát huy nội lực, chung sức chung lòng, đoàn kết xây dựng thành phố phát triển mạnh mẽ; đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực, tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị; hoàn thành việc mở rộng, sáp nhập 19 xã, phường vào thành phố. Sau khi mở rộng, thành phố Thanh Hóa có thêm thế và lực mới để xây dựng, phát triển, trở thành đô thị loại I vào năm 2015.
Hiện đại hoá kết cấu hạ tầng
Đồng chí Trịnh Văn Bản, Chánh Văn phòng UBND thành phố, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Thanh Hóa cho biết: Hiện thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn và cơ bản đã hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn 6 xã đạt các tiêu chuẩn; đã thành lập phường, nâng tổng số đơn vị hành chính của thành phố đạt 20 phường, 17 xã trực thuộc, nhằm mở rộng khu vực nội thành, nâng cao chất lượng đô thị, phấn đấu đến năm 2015 đạt các tiêu chuẩn đô thị loại I theo quy định của Chính phủ.
Nhìn chung, hệ thống hạ tầng đô thị phát triển nhanh, được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ. Nhiều tuyến đường giao thông chính, giao thông hướng ngoại của đô thị được đầu tư xây dựng mới với gần 100 km đường, cầu với giá trị trên 10.000 tỷ đồng. Mặt khác, nhiều tuyến đường phố trong nội thành cũng được cải tạo, mở rộng, nâng cấp; hạ tầng khu dân cư được chỉnh trang, kết nối giao thông các khu đô thị mới được xây dựng, tạo nên những không gian đô thị khang trang hơn. Vận tải công cộng phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu phục vụ đầu tư, mở rộng sản xuất, lưu thông hàng hóa và phục vụ việc đi lại của nhân dân thuận tiện hơn. Hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng và thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông, thương mại – dịch vụ, có tốc độ phát triển nhanh. Chất lượng đô thị của thành phố được nâng lên rõ rệt. Không gian kiến trúc đô thị không ngừng đổi mới theo hướng hiện đại hơn.
Hệ thống hạ tầng xã hội, như: Y tế, giáo dục được ưu tiên đầu tư, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59% (năm 2012), tạo nguồn nhân lực cho phát triển. Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp. Các công trình tôn giáo, các di tích lịch sử văn hóa… được đầu tư xây dựng, tôn tạo khang trang hơn. Hệ thống các công trình thể thao phát triển nhanh. Hệ thống công viên, khuôn viên, vườn hoa, quảng trường…, được quy hoạch, được đầu tư và đang phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, rèn luyện thể thao và vui chơi giải trí của nhân dân …
Thách thức cần vượt qua
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả về phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn, thành phố Thanh Hóa đang gặp một số khó khăn, tồn tại cần được tập trung giải quyết, đó là: Thành phố sau mở rộng có 37 đơn vị phường, xã trực thuộc, dân số gần 400.000 người. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nên các yêu cầu về quản lý, nhu cầu việc làm, ngày càng cao. Sự mất cân đối về chất lượng hạ tầng đô thị phục vụ cuộc sống giữa khu vực nội thành và ngoại thành đang là những khó khăn, thách thức đối với chính quyền thành phố. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều. Một bộ phận còn chưa đáp ứng nhu cầu chuyên môn về kỹ thuật, tay nghề. Thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành và đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề để thu hút đầu tư phát triển, tạo nền tảng cho thành phố phát triển sản xuất, phát triển đô thị bền vững. Thách thức về phát triển bền vững trong điều kiện tốc độ đô thị hóa và nhu cầu phát triển công nghiệp ngày càng tăng nhanh. Nguy cơ ô nhiễm môi trường đô thị, bên cạnh đó là quá trình biến đổi khí hậu theo chiều hướng khắc nghiệt ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhân dân đô thị.
Trung tâm thương mại xuất hiện ngày càng nhiều ở TP Thanh Hoá (Ảnh: Đặng Hiếu) |
Kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố được huy động đầu tư xây dựng, nâng cấp trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn chưa thật sự đồng bộ và bền vững. Một số dự án đầu tư, công trình xây dựng trọng điểm để thành phố trở thành đô thị loại I còn chậm tiến độ so với kế hoạch. Chất lượng kiến trúc công trình và không gian đô thị còn nhiều bất cập. Vốn đầu tư còn thiếu hụt lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế – xã hội và mở rộng quy mô đô thị, nâng cao chất lượng đô thị, nhất là việc quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị ở các xã ngoại thành mới sáp nhập về thành phố còn nhiều thiếu thốn.
Tổng mức huy động đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2010 – 2015 tỷ lệ đạt thấp so với kế hoạch, trong khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước có biến động lớn. Thu hút đầu tư vào địa bàn thành phố, nhất là thị trường bất động sản có nhiều diễn biến bất thường và ngưng trệ từ năm 2011 đến nay. Thu ngân sách hàng năm của thành phố từ nguồn thu thường xuyên chiếm tỷ trọng thấp, chủ yếu vẫn là thu từ nguồn thu tiền đấu giá đất. Huy động nguồn lực bên ngoài bằng các khoản vay ODA còn hạn chế. Thu hút đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào địa bàn thành phố Thanh Hóa thấp cả về số lượng doanh nghiệp và giá trị vốn đầu tư.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để khắc phục những tồn tại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị loại I vào năm 2015, thành phố Thanh Hoá đang khẩn trương tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và so sánh với các chỉ tiêu đô thị loại I theo quy định; nhanh chóng hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Thanh Hóa đến năm 2025 định hướng đến năm 2035; trên cơ sở đó, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết 1/2000; lập quy hoạch phát triển ngành trên toàn thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư phát triển thành phố có hiệu quả cao.
Đẩy mạnh việc tìm những giải pháp tốt nhất để thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình… đầu tư vào địa bàn thành phố; chú trọng nguồn đầu tư nước ngoài FDI, vốn vay ODA; ra sức xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên; có kế hoạch chi ngân sách hàng năm cho hoạt động thu hút đầu tư có hiệu quả. Đồng thời, với huy động vốn đầu tư, cần có giải pháp tích cực hơn trong việc phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề; hàng năm, tổ chức gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành, nghệ nhân, thợ giỏi nhằm tôn vinh, trọng dụng những người trực tiếp làm ra của cải, vật chất cho xã hội.
Tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất; thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hộ gia đình và nông dân tiếp cận với thị trường, vốn đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức sản xuất… Nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh góp phần ổn định nguồn thu ngân sách thành phố. Tăng cường kiểm soát, xây dựng thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố thực sự lành mạnh, khai thác quỹ đất có hiệu quả cao, bình ổn thị trường, ổn định nguồn thu ngân sách từ đấu giá đất, chống lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội từ các dự án “ treo”. Tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, thạo việc có đủ năng lực, trình độ tổ chức thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao….
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()