Thành phố: Rau miền núi vươn mình về xuôi
LSO-Trong 5 năm trở lại đây, thành phố Lạng Sơn đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng cây rau đặc sản, rau an toàn. Không chỉ sản xuất tiêu dùng nội tỉnh mà cây rau an toàn đã chiếm lĩnh thị trường, vươn về miền xuôi. Từ đó đã tạo điều kiện cho người dân vươn lên giảm nghèo và làm giàu.
LSO-Trong 5 năm trở lại đây, thành phố Lạng Sơn đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng cây rau đặc sản, rau an toàn. Không chỉ sản xuất tiêu dùng nội tỉnh mà cây rau an toàn đã chiếm lĩnh thị trường, vươn về miền xuôi. Từ đó đã tạo điều kiện cho người dân vươn lên giảm nghèo và làm giàu.
Nông dân thành phố Lạng Sơn chăm sóc rau màu |
Mới tảng sáng mà chị Trương Thị Vấn, nông dân thôn Nà Chuông, xã Mai Pha đã tất tả gánh rau ra chợ. Vừa đặt gánh chị hồ hởi: “Giờ rau đang đắt hàng, bán xong còn kịp thì đi chuyến nữa, vì tầm này người ta mua về xuôi giao cho các nhà hàng nhiều lắm”. Như vậy để thấy rau Lạng Sơn không còn là hàng tiêu dùng trong thành phố nữa mà nó bắt đầu được người ngoại tỉnh, khách du lịch quan tâm. Những năm 2004- 2005, khi ấy khách du lịch đến Lạng Sơn rất đông, mỗi khi rời thành phố họ đều mua vài cân rau làm quà. Nhận thấy đây là cơ hội tốt cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp thành phố đã chỉ đạo chuyển dịch mạnh sang trồng cây rau đặc sản. Cùng thời điểm đó các dự án của VECO, dự án của Sở Khoa học và Công nghệ được triển khai ở xã Mai Pha, Quảng Lạc, và một số khối phố ngoại ô như khối 8, 9 phường Vĩnh Trại, khối 8 phường Đông Kinh. Ngay khi triển khai người dân đã nâng diện tích rau toàn thành phố lên trên 45ha, trong đó 80% được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Cũng từ đó khách du lịch, người tiêu dùng biết đến rau an toàn thành phố Lạng Sơn.
Theo chị Ngô Thị Lanh, Phó Chủ nhiệm HTX rau an toàn Nà Chuông, rau của hợp tác xã đến 2/3 là do khách du lịch và các nhà hàng phục vụ du lịch bao tiêu, rất nhiều khách ở miền xuôi đặt mua qua điện thoại, tại cửa hàng rau an toàn chợ Đông Kinh hằng ngày thu hút rất đông khách du lịch. Nắm được xu thế ấy những năm gần đây các vùng rau đặc sản của thành phố khai thác nguồn tiềm năng để chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Xưa rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap chỉ có ở Mai Pha, một số thôn của các phường nội thị thì giờ đây nó đã được nhân rộng ra khá nhiều mô hình ở Quảng Lạc, Hoàng Đồng, các thôn Nà Chuông, Đồng Én, Rọ Phải, Phai Duốc, Phai Lim… Tính từ năm 2005 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ, các trạm khuyến nông, tổ chức VECO đã xây dựng được trên 10 mô hình theo tiêu chuẩn rau an toàn ở thành phố.
Từ xây dựng các mô hình trình diễn thành công đã tạo đà cho phát triển cây rau an toàn phát triển. Năng suất rau ở thành phố tăng từ 72,39 tạ/1ha năm 2000 lên 110 tạ/1ha vào năm 2012, trong đó rau vụ đông xuân có vùng đạt 115 tạ/1ha. Từ cây rau phát triển đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân. “Hữu xạ tự nhiên hương”, hiện tính riêng hợp tác xã rau an toàn Nà Chuông đã có trên 30 khách hàng là các đại lý, nhà hàng các tỉnh miền xuôi đặt mua với số lượng lớn. Tháng 3/2013, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Nội đã ký kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của thành phố Lạng Sơn tại các siêu thị ở Hà Nội. Như vậy hướng đi của rau an toàn thành phố ngày càng mở rộng, bởi theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, mỗi năm Hà Nội thiếu 200 ngàn tấn rau, đặc biệt các loại rau đặc sản, rau an toàn như ở Lạng Sơn. Ngay trong những ngày này khi thị trường các tỉnh miền xuôi sản xuất rau chậm lại do thời tiết thì ở thành phố rau mới đang đầu vụ, nên việc tiêu thụ rất thuận lợi. Chị Ngô Thị Lanh tâm sự, trung bình mỗi vụ hợp tác xã xuất bán trên 80 tấn rau củ, trong đó phần lớn là khách miền xuôi đặt hàng. Từ rau có hộ thu nhập đạt 7 triệu đồng 1 sào mỗi vụ. Toàn thành phố đã có tới 600 hộ trồng rau hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và khách du lịch.
Khai thác tiềm năng rau sạch, nhân rộng vùng, phát triển làm hàng hóa là một bước dồn lực, tạo đà cho phát triển. Điều đó sẽ tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, tăng vòng quay của đất mang lại thu nhập cao cho nông dân thành phố. Hơn thế nó sẽ tạo ra vùng hàng hóa nhằm phát triển thương mại, du lịch. Khai thác tốt tiềm năng rau an toàn ở thành phố cũng sẽ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của thành phố trẻ Lạng Sơn.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()