Thành phố Lào Cai phát triển tiểu thủ công nghiệp
Với lợi thế có nguồn nguyên liệu, nhân lực dồi dào, có cửa khẩu và thị trường tiêu thụ lớn, thành phố Lào Cai quy hoạch các cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tập trung, gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động trong quá trình phát triển đô thị, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.Nhiều chính sách khuyến côngTrưởng phòng Kinh tế TP Lào Cai Đào Thị Hằng đưa chúng tôi đi thăm khu tiểu thủ công nghiệp tập trung (TTCNTT) bắc Duyên Hải được xây dựng đồng bộ, có đủ đường, điện, nước và hệ thống xử lý chất thải... Khu này đang có 111 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề: dệt nhuộm, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ, dịch vụ sửa chữa ô-tô... nằm tách biệt với khu dân cư, thuận tiện cho bảo vệ môi trường. Ở lô 48, đường N2, là cơ sở sửa chữa ô-tô Tâm Dũng. Tại đây, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe du lịch vào bảo dưỡng, sửa chữa, được khách hàng tín nhiệm. Anh Nguyễn Hữu Dũng,...
Nhiều chính sách khuyến công
Trưởng phòng Kinh tế TP Lào Cai Đào Thị Hằng đưa chúng tôi đi thăm khu tiểu thủ công nghiệp tập trung (TTCNTT) bắc Duyên Hải được xây dựng đồng bộ, có đủ đường, điện, nước và hệ thống xử lý chất thải… Khu này đang có 111 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề: dệt nhuộm, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ, dịch vụ sửa chữa ô-tô… nằm tách biệt với khu dân cư, thuận tiện cho bảo vệ môi trường. Ở lô 48, đường N2, là cơ sở sửa chữa ô-tô Tâm Dũng. Tại đây, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe du lịch vào bảo dưỡng, sửa chữa, được khách hàng tín nhiệm. Anh Nguyễn Hữu Dũng, chủ cơ sở này cho biết vừa đầu tư lắp đặt buồng sơn, buồng sấy chân không hiện đại, bảo đảm rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng sơn, không có bụi sơn bay ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Anh Dũng cho biết, trước đây đi thuê nhà dân ở đường Nhạc Sơn, phường Kim Tân, mặt bằng chật hẹp, ở liền kề nhà dân nên anh không dám đầu tư lớn. Được thành phố sắp xếp vào khu TTCNTT bắc Duyên Hải, với diện tích mặt bằng 980 m2, có đủ đường, điện, nước máy đã tạo điều kiện để đơn vị đầu tư thiết bị, mở rộng hoạt động, tạo việc làm cho 20 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/ tháng, thợ có tay nghề cao thu nhập 8 triệu đồng.
Ở lô 47, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Dương Thọ Toàn cũng đang khẩn trương xây dựng kho chứa, lắp đặt thêm khuôn đúc để nâng quy mô sản xuất cống bê-tông chịu lực các loại lên gấp ba lần so với trước đây. Anh Dương Thọ Toàn cho biết, có mặt bằng mới rộng hơn 1.000 m2, đơn vị sẽ lắp đặt một máy cẩu trục để nâng cao năng lực bốc xếp, sản xuất ống cống bê-tông đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hợp tác xã sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp Hoa Mai, ở phường Phố Mới, được thành phố hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn khuyến công gần một tỷ đồng, đã mua máy chạm khắc gỗ vi tính theo công nghệ tiên tiến của nước ngoài, nâng cao độ tinh xảo của sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp, tăng năng suất lao động gấp hàng chục lần so với đục khắc thủ công. Ông Nguyễn Văn Quyến, chủ nhiệm HTX này cho biết, đã tạo việc làm ổn định cho 35 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo chính sách ưu đãi của thành phố, tất cả các cơ sở hoạt động trong khu TTCNTT có hạ tầng đồng bộ, chỉ phải hoàn trả chi phí san lấp mặt bằng, với giá 124 nghìn đồng/m2, được miễn tiền thuê đất trong 11 năm, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời hạn 30 đến 50 năm, được Trung tâm khuyến công hỗ trợ tiền di chuyển, vay vốn lãi suất thấp hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… Thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn miễn phí cho các cơ sở sản xuất TTCNTT về sản xuất sạch, tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm, cập nhật thông tin về thị trường, về giá nội địa và xuất khẩu…, giúp doanh nghiệp phát triển ngành nghề, mặt hàng.
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Đến nay, thành phố đã đầu tư 22,6 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu TTCNTT bắc Duyên Hải và đông Phố Mới, với tổng diện tích 14,3 ha. Tại đây, thành phố đã sắp xếp 117 cơ sở vào hoạt động, có quy chế rõ ràng, quy định quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của hai bên. Qua một năm thực hiện mô hình khu TTCNTT, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và HTX đã có chuyển biến tích cực theo hướng đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng đào tạo tay nghề, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Giá trị sản xuất tại khu TTCNTT năm 2010 tăng 40%, đạt khoảng 100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35% giá trị sản xuất TTCN của toàn thành phố, tạo việc làm cho hơn 500 lao động, mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng chí Vũ Văn Cài, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, quá trình vận động, sắp xếp các cơ sở sản xuất TTCN vào khu quy hoạch tập trung không dễ dàng, vì hầu hết các cơ sở này đã quen khách hàng, quen địa điểm. Một số cơ sở hàn xì, sản xuất đồ mộc, chế biến nông sản… được mở ngay tại gia đình ở trong nội thị, gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường nặng nề. Để thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất TTCN ra ngoại ô, đưa vào khu quy hoạch tập trung, thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, đồng thời thắt chặt khâu cấp phép cho các cơ sở trong nội thị, xen với dân cư. Kiên quyết không cấp phép cho các cơ sở sản xuất TTCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đồng thời buộc ngừng hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động phân tán, xen ghép trong khu dân cư. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất TTCN, trong đó có hơn 400 cơ sở cần phải di chuyển ra khỏi khu dân cư nội thị, bố trí vào khu sản xuất tập trung để bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này, thành phố Lào Cai đã xây dựng đề án 'Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của sản xuất tiểu, thủ công nghiệp giai đoạn 2011 – 2015', thực hiện đồng bộ bảy giải pháp về cơ chế chính sách, vốn, đào tạo nhân lực, thị trường… Mục tiêu là tập trung phát triển các ngành nghề truyền thống và sản xuất TTCN phụ trợ, nhằm khai thác lợi thế cửa khẩu và hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Hạn chế việc sản xuất nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị cửa ngõ biên giới phía bắc, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động, phấn đấu tạo giá trị sản xuất TTCN chiếm 14% GDP thành phố. Trong thời gian tới, thành phố quy hoạch thêm ba khu TTCNTT là: Làng Đen (xã Đồng Tuyển) 7,5 ha, Sơn Mãn (xã Vạn Hòa) 7,5 ha và Bình Minh (phường Bình Minh) 30 ha, bảo đảm đủ mặt bằng sắp xếp hết số cơ sở TTCN cần di dời khỏi khu dân cư, do ô nhiễm môi trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()