Thành phố Lạng Sơn và những điểm tham quan lý thú
Bên cạnh những điểm đến như Mẫu Sơn hay Bắc Sơn, Lạng Sơn còn được ưu ái với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử khác, có những địa danh đã đi vào thơ ca trở thành niềm tự hào của người dân xứ Lạng khi nhắc tới.
Tại khu vực thành phố Lạng Sơn cũng có không ít địa điểm tham quan lý thú dành cho nhân dân và du khách gần xa mỗi khi ghé tới, có thể kể đến như: động Tam Thanh, thành nhà Mạc, nàng Tô Thị, bến sông Kỳ Cùng…
1.Động Tam Thanh
Nằm trong dãy núi đá vôi phía tây bắc thành phố Lạng Sơn (thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn), Tam Thanh là một hang động tự nhiên nằm ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông bắc, cao chừng 8 m. Lối lên là những bậc đá đục vào sườn núi, xung quanh nhiều cây cối xum xuê che khuất ánh nắng. Vách động bên phải còn lưu lại bút tích của danh nhân Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn. Bên trong động khá rộng, được điểm tô bằng những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng. Giữa động còn có hồ Âm Ty nước luôn trong, mát lạnh, không bao giờ vơi cạn.
Động Tam Thanh còn là một di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng của Lạng Sơn. Trong động có chùa gọi là chùa Tam Thanh, xưa kia là nơi thờ Đạo Giáo, đến hiện tại, nơi đây đã trở thành nơi thờ tự của nhiều loại hình tín ngưỡng tôn giáo khác nhau như: Phật giáo, Đạo Giáo, thờ Thánh…với hệ thống tượng thờ phong phú, trong đó có thể kể đến tượng A di đà- tượng Phật có giá trị về mặt niên đại và mỹ thuật có từ thế kỷ XVII.
2.Khu di tích Thành nhà Mạc và núi Tô Thị
Thành nhà Mạc (thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) là kiến trúc lịch sử quân sự phản ánh thời phong kiến Việt Nam từ cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII, là căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam do Mạc Kính Cung xây dựng nhằm chống lại vua Lê- chúa Trịnh.
Dấu tích hiện nay còn lại của thành nhà Mạc gồm 2 đoạn tường khoảng 300m, trong đó mặt thành rộng chừng 1m được xây từ những khối đá lớn nằm giữa hẻm núi.
Đoạn đường từ chân đồi dẫn lên cổng thành gồm khoảng 100 bậc tam cấp uốn mình dọc theo sườn núi, hai bên phủ đầy cỏ cây tươi tốt. Hiện nay, khu vực thành nhà Mạc đã được tôn tạo tôn tạo, nâng cấp, đưa vào khai thác du lịch.
Núi Tô Thị nằm trong khu di tích Thành nhà Mạc, trên núi có một tảng đá hình mẹ cõng con gắn truyền thuyết về nàng Tô Thị bồng con chờ chồng. Nàng Tô Thị cũng là hình ảnh được nhắc đến trong câu ca dao quen thuộc của nhân dân xứ Lạng:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”
3.Sông Kỳ Cùng và cầu Kỳ Cùng
Sông Kỳ Cùng là con sông chính tại Lạng Sơn, bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa. Sông chảy qua giữa lòng thành phố như một dải lụa mềm mại, khiến cho thành phố trở nên thơ mộng hơn.
Tại khu vực thành phố, bờ sông hiện nay đã được cải tạo xây dựng lại khang trang sạch đẹp hơn, trở thành nơi vui chơi, dạo mát của người dân thành phố.
Cầu Kỳ Cùng vắt ngang qua sông, như một biểu tượng của thành phố. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cầu đã được xây mới vào năm 2016 với hình ảnh mới mẻ hiện đại hơn. Bên cầu Kỳ Cùng, còn có bến đá Kỳ Cùng- xưa là nơi đưa đón các đoàn sứ Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử bang giao giữa hai nước từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX; chùa Thành và đền Tả Phủ, đều là những điểm đến nổi tiếng của Lạng Sơn.
4.Cột cờ Phai Vệ
Cột cờ Phai Vệ được xây dựng trên ngọn núi Phai Vệ ngay tại trung tâm thành phố Lạng Sơn, cao 80m với đường lên là 535 bậc đá được xây dựng cực kì kiên cố.
Được ví như một “hòn non bộ khổng lồ” giữa lòng thành phố, tại đây thể phóng tầm mắt thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố, cũng là nơi đáng để du khách chinh phục và chiêm ngưỡng lá cờ đỏ sao vàng tung bay.
5.Những vườn đào quanh thành phố Lạng Sơn
Lạng Sơn được mệnh danh là “Thành phố hoa đào” không chỉ bởi sở hữu nhiều giống đào độc đáo khác nhau mà còn được trồng với số lượng lớn. Đến với Lạng Sơn vào mùa xuân, du khách sẽ được chiễm ngưỡng hoa đào đua nhau khoe sắc trên các khu vườn xung quanh thành phố. Những năm gần đây, loại cây này được Lạng Sơn chú trọng phát triển nhân rộng, trở thành loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế và du lịch.
Chu Minh
Nhũ đá lạ mắt trên vách động
Hồ Âm Ty với làn nước trong vắt, mát lạnh, quanh năm không vơi cạn
Di tích Thành nhà Mạc
Di tích nàng Tô Thị
Đoạn sông Kỳ Cùng chảy qua khu vực thành phố Lạng Sơn
Cầu Kỳ Cùng được xây dựng lại vào năm 2016
Cột cờ Phai Vệ và một góc thành phố Lạng Sơn
Vườn đào Lạng Sơn nợ rộ mỗi dịp xuân về
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()